Các chị em, hãy dành ít phút để hiểu rõ trái tim mình!

(Dân trí) - Các bệnh về tim mạch thường phức tạp và để lại di chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Điều đáng buồn là chị em phụ nữ - một trong những đối tượng chịu sự “tấn công” nhiều nhất của bệnh, lại chủ quan, xem nhẹ và hiểu sai về mức độ nguy hại của bệnh này. Hãy dành ít phút tìm hiểu về vấn đề này bằng cách trả lời nhanh một số câu hỏi đơn giản sau đây.

Bệnh tim mạch là bệnh của đàn ông?

Các chị em, hãy dành ít phút để hiểu rõ trái tim mình! - Ảnh 1.

Bệnh tim mạch nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của chị em.

Sai. Khác với suy nghĩ của nhiều người, số lượng phụ nữ mắc phải các bệnh tim mạch cũng cao không kém nam giới. Thậm chí bệnh còn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nữ giới. Mỗi năm phụ nữ tử vong do bệnh tim và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, sốt rét và nhiễm HIV.

Các triệu chứng bệnh tim ở phụ nữ và nam giới là hoàn toàn giống nhau?

Các chị em, hãy dành ít phút để hiểu rõ trái tim mình! - Ảnh 2.

Hãy quan tâm đến những thay đổi bất thường của cơ thể để thăm khám và phát hiện sớm bệnh tim mạch

Sai. Dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ và nam giới có một số điểm khác biệt. Trong khi các triệu chứng điển hình như đau, khó chịu ở ngực, cánh tay, hàm hoặc họng… thường gặp ở cả hai giới thì chị em có thể có những triệu chứng khác như nôn mửa, đau vùng giữa và phần trên lưng, đánh trống ngực, ho, mệt mỏi…

Những triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường nên người bệnh hay chủ quan, không thăm khám và điều trị sớm. Ngoài ra một đặc tính khác của phụ nữ Á Đông là chịu thương, chịu khó, hy sinh cho chồng cho con mà ít nghĩ đến bản thân nên khi phát hiện bệnh thì đã quá muộn. Vì thế hãy biết yêu thương chính mình bằng cách chủ động tới bệnh viện để kiểm tra ngay khi có những triệu chứng bất thường về sức khỏe.

Phụ nữ trẻ và khỏe mạnh không có nguy cơ mắc bệnh tim mạch?

Các chị em, hãy dành ít phút để hiểu rõ trái tim mình! - Ảnh 3.

Bệnh tim mạch tấn công mọi giới và mọi lứa tuổi.

Sai. Bệnh tim ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Mặc dù đúng là khi bạn già đi, nguy cơ mắc bệnh tim của bạn tăng lên nhưng nếu phụ nữ trẻ có một chế độ ăn uống kém lành mạnh kèm theo thói quen hút thuốc, làm việc căng thẳng… thì khó tránh được tương lai bệnh tim mạch “chực chờ”. Chủ động khám sức khỏe định kỳ là biện pháp tốt nhất để quản lý sức khỏe của bạn.

Nếu gia đình có người mắc bệnh tim mạch thì bạn không thể tránh được bệnh này?

Các chị em, hãy dành ít phút để hiểu rõ trái tim mình! - Ảnh 4.

Cố gắng duy trì những thói quen lành mạnh để giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh.

Sai. Chỉ cần bạn xây dựng một lối sống lành mạnh, tránh xa các yếu tố làm tăng nguy cơ như hút thuốc lá,uống nhiều rượu bia, tiêu thụ nhiều chất béo, thường xuyên căng thẳng… kết hợp với việc thăm khám sức khỏe định kỳ thì bạn hoàn toàn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngay cả khi gia đình có tiền sử mắc bệnh này.

Phụ nữ mắc bệnh tim mạch vẫn có thể tập thể dục, thể thao?

Các chị em, hãy dành ít phút để hiểu rõ trái tim mình! - Ảnh 5.

Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để lựa chọn hình thức tập luyện và vận động phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe.

Đúng. Dù nhiều người có quan niệm bệnh nhân tim mạch cần nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập luyện thể dục đúng cách rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Những bệnh nhân bị bệnh tim có tập luyện thường xuyên đã cảm thấy tâm lý sảng khoái hơn, sự tự tin và chất lượng cuộc sống gia tăng. Họ cũng ít bị các triệu chứng, ít đi khám bác sĩ và khả năng trở lại làm việc nhiều hơn. Như vậy, rõ ràng vận động hợp lý đã đóng góp nhiều cho quá trình phục hồi chức năng tim mạch của các bệnh nhân. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để biết hình thức vận động nào phù hợp nhất với bản thân và những lưu ý trong quá trình tập luyện, tránh gặp phải các biến chứng không mong muốn.