Thừa Thiên Huế:

BS Nhật Bản tập huấn kỹ thuật cao về nội soi mật, tụy ngược dòng

(Dân trí) - (Dân trí) – Trong 2 ngày 11,12/12, các bác sĩ chuyên về lĩnh vực nội soi tiêu hóa tại bệnh viện Kyoto Miniren - Nhật Bản do BS. Kinoshita Koshi làm trưởng đoàn đã tổ chức khóa tập huấn, trao đổi chuyên môn với chủ đề “ Nội soi mật, tụy ngược dòng - ERCP” tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội thảo có sự tham dự của GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, TS. Hồ Đăng Quý Dũng, Trưởng Khoa Nội soi Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Liên Chi hội Nội soi Việt Nam, các chuyên gia đến từ Nhật Bản và gần 50 bác sĩ chuyên về lĩnh vực nội soi tiêu hóa can thiệp đến từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Hội thảo Nội soi mật, tụy ngược dòng do các BS Nhật Bản tập huấn
Hội thảo Nội soi mật, tụy ngược dòng do các BS Nhật Bản tập huấn

Đây là cơ hội để các đồng nghiệp trong chuyên ngành nội soi trên toàn miền Trung và Tây Nguyên mở rộng học hỏi chuyên sâu về kỹ thuật này.

Nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopic Retrograde Cholangio Pancreatography, viết tắt là ERCP) là một kỹ thuật chuyên biệt thường được dùng để quan sát hình ảnh của các ống dẫn mật, đôi khi là các ống tụy.

Trong 2 ngày, các đồng nghiệp Nhật Bản sẽ giúp đội ngũ y bác sĩ ở miền Trung, Tây Nguyên nắm vững những kỹ thuật cao của phương pháp ERCP
Trong 2 ngày, các đồng nghiệp Nhật Bản sẽ giúp đội ngũ y bác sĩ ở miền Trung, Tây Nguyên nắm vững những kỹ thuật cao của phương pháp ERCP

Ống dẫn mật là các đường ống dẫn lưu mật từ gan vào dự trữ ở túi mật và đổ xuống tá tràng. Ống tụy là những đường ống dẫn dịch tụy đến ruột non. Phần ống phình to ra, nơi mà ống mật chủ và ống tụy giao nhau để đi vào tá tràng gọi là bóng Vater .

Phương pháp ERCP có thể giúp chẩn đoán chính xác, và giúp điều trị các bệnh lý sỏi đường mật, viêm và nhiễm trùng đường mật do sỏi, hẹp - tắc nghẽn đường mật, viêm tụy cấp do viên sỏi kẹt tại bóng Vater, giun chui ống mật,...

GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế tặng hoa cho các BS Nhật Bản, và cho biết sắp tới sẽ đề xuất Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho BS. Kinoshita Koshi và BS. Phạm Nguyên Quý, Bệnh viện Miniren, Kyoto với công lao đóng góp rất nhiều lần giúp Huế
GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế tặng hoa cho các BS Nhật Bản, và cho biết sắp tới sẽ đề xuất Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho BS. Kinoshita Koshi và BS. Phạm Nguyên Quý, Bệnh viện Miniren, Kyoto với công lao đóng góp rất nhiều lần giúp Huế

Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn nhằm mục đích giảm bớt phẫu thuật mở, giảm biến chứng và tử vong, rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân. Mỗi ca can thiệp bằng ERCP kéo dài từ 30-60 phút.

Được biết các bác sĩ Nhật này hàng chục năm qua đã nhiều lần qua Việt Nam để giúp đỡ cho đội ngũ y bác sĩ tại Huế. Theo GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, sắp tới bệnh viện sẽ đề nghị lên Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho BS. Kinoshita Koshi, Trưởng khoa Tiêu hóa và TS.BS. Phạm Nguyên Quý (khoa Tiêu hóa, cùng Bệnh viện Miniren Kyoto, Nhật Bản) – người làm cầu nối các bác sĩ Nhật qua giúp đỡ Huế.

Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 là nơi diễn ra khóa tập huấn, trao đổi chuyên môn cao cấp về nội soi mật tụy ngược dòng
Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 là nơi diễn ra khóa tập huấn, trao đổi chuyên môn cao cấp về nội soi mật tụy ngược dòng

Đại Dương