Ấm áp nghĩa tình “Ngân hàng máu sống” của trường ĐH Tây Nguyên

(Dân trí) - Không quản ngại gió mưa, đêm hôm chỉ cần nhận được điện thoại “khẩn” của các bác sĩ thông báo có bệnh nhân nguy kịch cần truyền máu gấp là những thành viên của Câu lạc bộ Hiến máu nhân đạo của trường ĐH Tây Nguyên lại lên đường “cứu người”.

Thành lập vào tháng 3/2010, với 40 thành viên đến nay Câu lạc bộ Hiến máu nhân đạo của trường ĐH Tây Nguyên có khoảng 200 thành viên luôn sẵn sàng cho công tác hiến máu và tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện mang đầy ý nghĩa.

Các thành viên CLB Hiến máu nhân đạo trường ĐH Tây Nguyên năng động, nhiệt huyết
Các thành viên CLB Hiến máu nhân đạo trường ĐH Tây Nguyên năng động, nhiệt huyết

Anh Hoàng Công Minh – Tổng phụ trách CLB Hiến máu nhân đạo tham gia vào CLB vào năm 2012 và đã có kinh nghiệm 10 lần hiến máu. Chia sẻ về hoạt động của CLB, anh Minh cho biết, CLB được thành lập bởi thầy giáo Nguyễn Tiến Chương khi thầy còn công tác ở trường, các sinh viên tham gia vào CLB sẽ tham gia vào các đợt hiến máu do trường tổ chức.

Đến năm 2013, anh Minh cùng một sinh viên khoa Y Dược của trường ĐH Tây Nguyên đã lên ý tưởng về việc sẽ tham gia hiến máu trực tiếp cho các bệnh nhân cần máu khẩn cấp nên đã thành lập nên “Ngân hàng máu sống” để hỗ trợ tối đa trong công tác hiến máu.

Nụ cười tươi khi tham gia hiến máu cứu người
Nụ cười tươi khi tham gia hiến máu cứu người

“Mỗi năm các thành viên của câu lạc bộ sẽ tham gia 3 đợt hiến máu chính của trường và các đợt hiến máu do các cơ quan Trung ương tổ chức như “Chủ Nhật đỏ”, “Hành trình đỏ”... Riêng việc hiến máu, hiến tiểu cầu trực tiếp thì bất cứ lúc nào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cần để cấp cứu bệnh nhân, các thành viên có nhóm máu tương ứng sẽ đến bệnh viện để hiến máu bất cứ thời gian nào trong ngày”, anh Minh chia sẻ.

Anh Minh cũng cho biết, do việc hiến máu trực tiếp thời gian không cố định, các bệnh nhân cần máu gấp thường là người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, xuất huyết tiêu hóa, các sản phụ băng huyết… nên việc các thành viên phải đi hiến máu đêm khuya là việc thường xuyên diễn ra.

Các bạn nữ xung phong hiến máu
Các bạn nữ xung phong hiến máu

“Có hôm bệnh viện cần gấp máu cho bệnh nhân cấp cứu ngay trong đêm nên điện thoại cho CLB, ngay sau đó tôi rà soát danh sách các nhóm máu của thành viên rồi liên hệ rồi tới tận nhà các bạn để chở đến bệnh viện, tại đây luôn có các bạn khác trong CLB trực sẵn để hướng dẫn chi tiết việc hiến máu”, anh Minh chia sẻ.

CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần, các thành viên trong nhóm ngoài việc hiến máu nhân đạo còn tổ chức thêm nhiều hoạt đồng thiện nguyện đầy ý nghĩa như: Tổ chức quyên góp giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ đặc biệt khó khăn; góp tiền xây trường mầm non vùng sâu vùng xa, giúp đỡ các gia đình neo đơn, các sinh viên nghèo…

Em Phan Thanh Trọng – Sinh viên năm nhất Khoa Y Dược (ĐH Tây Nguyên) cho biết, sau khi biết được hoạt động tình nguyện hiến máu của trường đã nhanh chóng xin tham gia để hiến máu. “Lần đầu tiên đi hiến máu em đã hơi lo lắng một xíu nhưng rồi cũng qua thay vào đó là cảm xúc rất vui, khó tả bởi những giọt máu của mình giờ đây có thể giúp đỡ được những người khác”, em Trọng chia sẻ.

Luôn túc trực tại bệnh viện để hướng dẫn thành viên hiến máu
Luôn túc trực tại bệnh viện để hướng dẫn thành viên hiến máu

Còn đối với chị Dương Thị Mỹ Hạnh (ngụ TP. Buôn Ma Thuột) đã biết đến CLB Hiến máu tình nguyện của trường ĐH Tây Nguyên thông qua một người bạn và khi biết được thông tin bệnh viện cần nhóm máu của mình chị lại đến đăng ký để hiến máu. “Là con gái thì hầu hết ai cũng sợ đau, sợ kim tiêm và mình cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng việc hiến máu rất thiết thực, ý nghĩa, lan tỏa tính cộng đồng nên mình sẵn sàng đi hiến và sẽ vẫn tiếp tục việc làm này”, chị Hạnh cho hay.

Được biết, CLB Hiến máu nhân đạo - Ngân hàng máu sống của trường ĐH Tây Nguyên thành lập một diễn đàn trên mạng xã hội facebook với sự tham gia của trên 3.000 thành viên. Nơi đây, ban chủ nhiệm CLB sẽ chia sẻ những thông tin về việc hiến máu, hiến tiểu cầu cùng những tin tức liên quan đến hoạt động từ thiện của CLB để mọi thành viên được biết và tham gia nhằm đưa CBL ngày càng phát triển hoạt động phát huy được hết những thế mạnh.

Luôn sẵn sàng hiến máu khi bệnh viện cần
Luôn sẵn sàng hiến máu khi bệnh viện cần

Trao đổi với PV, bác sĩ Trần Thị Kim Hồng – Trưởng Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Ý nghĩa lớn lao nhất việc hiến máu tình nguyện là cứu được bệnh nhân đây là điều CLB Hiến máu tình nguyện của trường ĐH Tây Nguyên đã làm được. Bên cạnh đó, việc thành lập nên Ngân hàng máu sống rất ý nghĩa khi bệnh viện cần máu khẩn cấp trong trường hợp: khan hiếm không có máu, bệnh viện cần truyền chế phẩm đặc biệt là tiểu cầu và cần máu hiếm RH- thì các em nhanh chóng tới bệnh viện để hỗ trợ hiến máu”.

Bác sĩ Hồng cũng chia sẻ, vừa qua có trường hợp một sản phụ bị băng huyết nhập viện trong tình trạng nguy kịch cần truyền 11 đơn vị máu và 3 đơn vị huyết tương khẩn cấp. Ngay sau đó, CLB đã cử các thành viên đến để hiến máu trực tiếp và cứu sống được bệnh nhân này trong niềm vui khôn xiết của các y, bác sĩ và người nhà bệnh nhân.

“Khi bệnh viện cần máu khẩn cấp, bất cứ thời gian nào trong ngày các em đều vui vẻ nhận lời tới hiến máu để cứu người mà không quan trọng việc được cảm ơn và luôn đặt việc tình nguyện lên trên hết là điều rất đáng ghi nhận”, bác sĩ Hồng cho hay.

Thúy Diễm