Xảo ngôn

Mẹ ở quê điện thoại vào, vợ bắt máy, oang oang: “Trời ơi, trùng hợp quá, con đang tính gọi cho mẹ nè!”. Bà nói sao lâu quá không liên lạc, nhớ sắp nhỏ nên đòi gặp, vợ đáp: “Ti đi học rồi, để lát về, con nói cháu gọi ngay cho bà”.


Xảo ngôn



Trưa, con trai về, quên khuấy nên chồng không nhắc. Điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia là mẹ. Không rõ bà nói gì nhưng chồng nghe giọng vợ nhanh nhảu: “Dạ không quên đâu mẹ. Cháu nó chuẩn bị gọi cho mẹ đấy ạ. Nhưng lại chậm hơn bà một bước rồi!”. Vợ nháy mắt chồng, ra hiệu gọi cu Ti. Nhìn cách vợ đối đáp không thật lòng với mẹ, chồng… phát cáu. Khi sáng, rõ ràng là vợ không hề có ý sẽ điện thoại mẹ. Còn bây giờ, Ti cũng đâu có “chuẩn bị” gọi bà nội. Có thể vợ cố tình… xạo để làm vui lòng mẹ, dù ở xa nhưng con cháu vẫn luôn quan tâm, nhớ đến bà. Song, đâu phải lần đầu vợ nói thế. Nó đã trở thành thói tật chăng?

Có lần, bác Tám hàng xóm bị tai nạn giao thông phải nhập viện. Trùng chuyến công tác, chồng giao vợ việc lễ nghĩa xóm làng, giục vợ đi thăm. “Hàng xóm tối lửa tắt đèn mà anh. Em ghé bệnh viện thăm bác ấy ngay” - vợ nói như đinh đóng cột. Vậy mà ngày chồng về, vô tình thấy bác Tám ngồi ngoài thềm nên hỏi thăm, vừa lúc vợ từ nhà đi ra, vẻ đầy ngạc nhiên: “Bác Tám khỏe rồi ạ? Hôm qua thấy bác về, cháu tính sang nhà gặp một chút mà lu bu quá!”. Hỏi ra, vợ vẫn chưa đến thăm khi bác còn nằm viện. “Cũng định đi thăm, chưa kịp thì bác về rồi!” - vợ giải thích. Chồng giận tím mặt. Mấy vụ “em tính”, “em định” của vợ, chồng có lạ gì. Bạn bè, bà con ở thành phố, thỉnh thoảng ghé nhà mình chơi, câu đầu tiên của vợ bao giờ cũng là: “Tính tuần này sang bên ấy đó chứ!”… Xạo một mình chưa đủ, vợ “lôi” cả chồng vào cho thêm phần thuyết phục. Hôm chú Sáu nhập viện, vợ ghé thăm. Nhìn chồng đầy hờn dỗi, vợ nói: “Con muốn qua chăm sóc chú vài đêm mà chồng con có cho đâu, ảnh sợ con thức đêm đổ bệnh”. Chồng há miệng.

Không riêng gì người ngoài, chồng cũng là nạn nhân của vợ, dù ngày mới yêu, chồng đã bao phen… rưng rưng vì ngộ nhận. Nhớ vợ, chồng điện thoại. “Sao hay quá, em vừa cầm máy lên, chuẩn bị gọi anh nè” - vợ hồ hởi. Chung sống với nhau, chồng mới “thấm thía” cách vợ… xạo. Chồng vừa đi làm về, vợ giả bộ ngạc nhiên: “Ôi, may quá! Em đang tính dắt xe ù ra chợ mua thêm ít rau. Sẵn xe anh còn ở ngoài, anh… ù giùm em với”. Thèm món riêu, trên đường về chồng mua luôn cho cả nhà. Mắt vợ long lanh: “Biết anh xã thèm, em tính chủ nhật này nấu anh ăn, ai ngờ…”. Chồng chỉ biết lắc đầu. Có lần góp ý với vợ, không việc gì phải rào đón, chứng tỏ mình rất biết quan tâm đến người khác thông qua… lời nói. Vợ cự lại: “Anh quên lời nói không mất tiền mua à, cớ gì không nói để được lòng người khác”. Vợ đâu biết, cách “lấy lòng” của vợ, lần thứ nhất có thể khiến người ta thấy vui với cảm giác được quan tâm, tin rằng mình vẫn nằm đâu đó trong các dự tính của vợ, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba sẽ đâm nghi ngờ, nghĩ ngay là vợ giả tạo.

Tháng trước nghe vợ “tám” với bạn: “Em gái mình đi Úc về, mua nhiều cherry lắm. Quả nào quả nấy mập bẩy, hôm nào mình ghé qua đưa bồ một ít”. Chẳng biết vợ hứa cho vui hay cherry ngon quá mà quên để dành phần bạn, vừa rồi bạn ghé chơi, hỏi cherry còn không, vợ cười giả lả: “Mấy lần định mang đến cho bồ, mà cứ quên. Bữa chồng mình vệ sinh tủ lạnh, kiểm tra thì trái nào cũng dập dập nên bỏ luôn”. Biết tỏng tính vợ, bạn đáp: “Tưởng khô hết rồi chứ! Hứa mang qua từ tháng trước cơ mà!”. Vợ đỏ mặt. Chồng thấy ngượng, bỏ lên gác chơi với con.

Dẫu biết lời nói không mất tiền mua, nhưng nói thế nào để người nghe cảm thấy mình chân tình và ghi nhận nó mới là việc khó. Cố tình... xạo bằng lời nói đầu môi chót lưỡi để được lòng người ta chẳng những khiến họ khó chịu mà còn vô tình tự mình hạ thấp giá trị của bản thân. Mong vợ từ nay đừng nói suông nữa mà hãy biến những “em định”, “em tính” thành hiện thực, để những ai vợ trót “đang định”, “đang tính” sẽ không cảm thấy bị lừa, vợ nhé!

Theo Nguyễn Khiết
PNO