Xa thương, gần thường

(Dân trí) - Chị nhìn qua chồng, thấy anh đang vô tư say giấc, lại nhớ cái câu ngày xưa mẹ hay nói “gần nhau thì thấy bình thường, xa nhau mới thấy tình thương dạt dào”, quả là chẳng sai.

 
Xa thương, gần thường


Anh chị cưới nhau sau bốn năm yêu đương mặn nồng. Không phải mối tình sinh viên nào cũng kết thúc có hậu như hai người, ngày nên duyên cả hai đều đắm chìm trong hạnh phúc.

 

Chị bằng lòng khi ở bên anh. Anh không phải là người tài giỏi hay có vẻ ngoài cuốn hút, nhưng lại là người thương chị hết mực. Với chị, như vậy là quá đủ. Tiền bạc cố gắng thì sẽ làm ra, còn tình cảm không phải cứ cố là thành.

 

Khi chị vừa sinh con bé đầu lòng, công việc gặp trục trặc buộc anh nghỉ làm. Anh vật vờ thất nghiệp rồi làm bán thời gian với những công việc thời vụ. Chị phải nghỉ dạy để buôn bán kiếm tiền, chăm lo cho gia đình.

 

Lúc con bé chưa được một tuổi, anh vui mừng thông báo được nhận vào làm đúng chuyên môn ở một công ty nọ, lương khá cao. Có điều, anh phải vào công tác tận trụ sở đóng ở trong Nam.

 

Chị khóc sưng mắt nhưng không thể giữ chồng khư khư ở nhà vì những ích kỷ đàn bà. Anh vỗ về chị, cố gắng vì cuộc sống sau này của con cái. Chị chấp nhận sống cảnh xa chồng, vợ một nơi chồng một nẻo. Mỗi năm, anh về nhà vào dịp giỗ bố hoặc Tết. Lúc nào cũng vội vội vàng vàng. Thời gian bên nhau cứ tính bằng giây bằng phút.

 

Hai mẹ con sống trong căn nhà thuê cũ kỹ, mùa mưa nước ngập vào phòng. Mỗi khi nghe tin trời bão, anh lại đứng ngồi không yên. Anh nhờ người này, người kia ghé qua xem hai mẹ con chị như thế nào. Chị hiểu nỗi lòng anh nên càng thương anh hơn.

 

Có bận, nhớ anh quá, chị lấy áo quần anh ra mặc để tìm một chút hơi của chồng. Con bé lên hai đã biết nhớ bố, thấy chị mặc đồ của anh, nó reo lên, mẹ đóng vai bố kìa. Chị ôm con, mắt rưng rưng chẳng nói nên lời.

 

Anh nhớ vợ con, nhiều lần gọi điện nghe chị khóc cũng không cầm được nước mắt. Mỗi tối, vợ chồng con cái ôm điện thoại nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Hai người lại động viên nhau, cố gắng thêm một thời gian nữa để anh kiếm vốn cứng cáp, sẽ về quê làm ăn.

 

Anh đi làm ăn xa như vậy được năm năm. Khi chị mang thai đứa thứ hai, cũng là lúc công ty anh mở chi nhánh ở ngoài này.

 

Hôm anh thông báo sẽ về hẳn, chị cứ đi ra đi vào, bồn chồn cứ như con gái chưa chồng hồi hộp chờ hẹn của bạn trai. Chị dọn dẹp nhà cửa, sắm thêm vài bộ quần áo, sắm lại cái bộ ga nệm mới, nhà cửa tươm tất chờ anh.

 

Bao năm qua, hai vợ chồng xa cách quá lâu. Chị mở tiệc mừng anh về, mời cả hai bên gia đình nội ngoại. Mấy anh chồng và chị dâu cứ đùa, anh về, chị trẻ ra thêm vài tuổi. Chị bẽn lẽn ngượng ngùng, bắt gặp ánh mắt nồng nàn anh dành cho mình như thuở mới yêu.

 

Thế mà, anh ở nhà chưa được một tháng, chị đã cảm thấy bức bối, khó chịu. Anh sống một mình, quen với nếp ăn ở bừa bộn, lại không giúp vợ việc nhà chỉ nằm khểnh xem tivi. Chẳng như ngày trước, mỗi lần có dịp về thăm vợ con, anh đều bảo chị ngồi yên, để anh làm hết tất thảy.

 

Chị càm ràm một hồi, ngày mai đã thấy anh đưa về một người giúp việc. Anh mở rộng quen biết để làm ăn nên đi sớm, về muộn. Cơm canh nhiều bữa nguội tanh, chị ngồi bên mâm cơm đợi mà lòng dạ bứt rứt. Chẳng thà, cứ như ngày trước, hai mẹ con ăn cơm, vắng người có buồn nhưng không có cảm giác bất an chờ đợi như thế này. Để đến lúc về, anh chân nọ đá chân kia, rồi nằm vạ vật ở bất cứ nơi nào có thể.

 

Lâu lắm, kể từ lúc về nhà, anh chẳng nói một câu nhớ nhung yêu thương gì với chị. Nhiều lúc nhìn anh bây giờ, chị lại thấy nhớ anh của thời gian trước, anh của những ngày xa chị.

 

Chị bần thần, quen xa chồng, quen yêu chồng qua những nhớ nhung xa cách, giờ gần nhau lại thấy thường đến chán là sao.

 

Diệu Ái