Vợ chồng làm cách này sẽ tránh được xung đột gia đình

“Im lặng là cách tốt nhất để người bạn đời tự ngẫm lại hành vi của mình mỗi khi xung đột xảy ra giữa hai người”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088 cho biết.

Vợ chồng làm cách này sẽ tránh được xung đột gia đình - 1

Ảnh minh họa

 

Câu chuyện của vợ chồng chủ quán phở

Sáng Chủ nhật ngủ dậy muộn, mẹ con chị Hoa đến quán phở gần nhà ăn sáng. Quán phở này chỉ bán buổi sáng nên thường hết hàng sớm, khoảng 9, 10 giờ sáng là quán đã bắt đầu dọn dẹp. Hôm đó, vào khoảng 9h30, quán phở vẫn bán nhưng chỉ còn lác đác một hai người và mẹ con chị Hoa. Tại đây chị Hoa chứng kiến được câu chuyện của cặp vợ chồng cô chủ quán phở này. Người chồng ngồi thẫn thờ ngay ở cửa ra vào. Còn vợ đứng ở kệ phở đối diện.

Sau khi làm phở cho mẹ con chị Hoa xong, chị vợ quay lại kệ bếp, hỏi chồng: "Thế 10 triệu đó anh đã trả cho người ta chưa?". Người chồng thủng thẳng trả lời: "Chưa!". Người vợ lặng đi ít giây và ngay sau đó nói liên hồi: "Ôi trời ơi, sao anh lại như thế"; "Đã bảo là phải trả cho người ta đi". Người chồng này hàng ngày thấy hiền lành, ít nói, những tưởng bị vợ bắt nạt. Thế nhưng bỗng anh chồng nói "im mồm!". Bà vợ lập tức im bặt. Nhưng chỉ im được vài phút, chị lại tiếp tục lải nhải: "Anh xem lại đi, tiền kiếm ra thì khó khăn, thế này thì có mà chết à"… Đối lại ông chồng cứ lặp đi lặp lại hai chữ "im mồm"; "đã bảo là im mồm đi". "Vậy tiền đó đâu rồi? Anh nghĩ lại đi. Anh làm như thế có được không?". Sau câu nói này của vợ, ông chồng có vẻ mất kiềm chế ném cái chảo xuống nền nhà kêu đánh xoảng, mặt đỏ bừng bừng...

Chị Hoa sợ hai vợ chồng ẩu đả trước mặt bé con nhà mình nên kêu chị vợ đến bàn, nói nhỏ: "Thôi chị ạ, chị nói sau đi. Chờ mẹ con em đi về rồi chị hẵng nói, hiệu quả hơn". Người vợ không nói gì nhưng hằm hằm đi về kệ hàng của mình. Cũng may lúc đó chị vợ im lặng không nói gì nữa.

Câu chuyện của cặp vợ chồng chị chủ quán phở thực ra là chuyện thường ngày phổ biến ở trong các gia đình. Thành ngữ vẫn thường có câu "vợ chồng sao tránh khỏi những lúc bát đũa xô" là bởi như vậy, bởi trăm thứ ràng buộc cơm áo gạo tiền hàng ngày.

Vợ chồng tranh cãi đúng sai là việc làm vô nghĩa

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088, việc va vấp xung đột và mâu thuẫn là chuyện không thể tránh khỏi trong quan hệ giữa người với người, đặc biệt ở đây là quan hệ vợ chồng. Dân gian có câu: "Chồng giận thì vợ bớt lời", câu này cũng có thể hiểu ngược lại là "vợ giận thì chồng bớt lời" - đáng lẽ ra phải là như vậy. Tuy nhiên, vì văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi cộng đồng khác nhau nên câu chuyện bình đẳng này xem ra mỗi nơi cũng mỗi khác. Trong câu chuyện của cặp vợ chồng bán phở trên, theo lẽ tự nhiên, người chồng phải là người "bớt lời", tức là phải nhịn đi. Thế nhưng văn hóa của người đàn ông Việt xem ra điều đó rất khó thực hiện.

Theo logic của câu chuyện thì có vẻ như người chồng sai. Sai ở chỗ, anh đã không mang tiền của gia đình đi trả nợ mà mang đi làm một việc gì đó. Người vợ bức xúc trước việc làm sai trái của chồng là đúng. Tuy nhiên, trong mọi mối quan hệ ứng xử, khi đã xảy ra xung đột, cãi vã thì việc phân định đúng sai là việc làm vô nghĩa. Lúc này, ai là người khôn ngoan sẽ biết cách hóa giải mâu thuẫn bằng nghệ thuật ứng xử của mình. Đặc biệt, trong mối quan hệ vợ chồng, ngay cả khi biết bạn đời mình sai mười mươi ra đấy, nhưng khi nhận ra đối phương dường như không kiềm chế được cảm xúc nữa thì mình nên học cách im lặng. Im lặng lúc này là cách tốt nhất để người bạn đời tự ngẫm lại hành vi sai trái của họ. Và khi có dịp thuận lợi mình sẽ phân tích phải trái. Và qua nghịch cảnh đó, cụ thể là câu chuyện ở trên thì người vợ nên học ra bài học cho mình cách giải quyết vấn đề tài chính làm sao khôn ngoan nhất, để tránh việc mất mát đáng tiếc.

Theo các chuyên gia tâm lý, có hai cách sau đây có thể giúp các cặp vợ chồng nhận ra lúc nào mình cần học cách im lặng để tránh đẩy xung đột lên cao:

Nếu cuộc hội thoại khiến người khác phát điên: Trong cuộc cãi vã, sự im lặng giúp con người lắng nghe tốt hơn. Nếu cần đưa ra phản hồi về cá nhân hay sự việc mình không thích, chúng ta cần suy nghĩ kỹ trước khi bình luận. Chúng ta nên học cách thử đồng thuận thay vì phản đối. Ví dụ, khi ai đó thô lỗ với mình hay chê bai mình thì thay vì nhảy dựng lên, chúng ta có thể đồng ý với ý kiến đó và giải thích việc giữ kiểu tóc trong thời tiết quá nóng, quá lạnh khó đến mức nào. Khi hai bên biết đồng cảm, sự xung đột sẽ không xảy ra

Nếu hội thoại khiến bản thân còn điên hơn: Tức giận không giúp giải quyết vấn đề. Ai cũng có quyền nổi điên. Nhưng cố gắng nói chuyện trong tình huống đó chỉ khiến người khác phát điên, tạo ra vòng tròn giận dữ. Nếu cuộc tranh luận không đi đến đâu, hai bên dừng lại sẽ tốt hơn. Điều này cũng được áp dụng khi nói chuyện với người không sẵn sàng để hiểu quan điểm của người khác. Trong trường hợp đó, chúng ta nên tiết kiệm sức để trao đổi với những ai biết lắng nghe và dành thời gian suy xét. 

Theo Ngân Khánh

Gia đình và Xã hội