Vợ chồng còn trẻ có nên sống chậm?

Tôi có thể đánh đổi một công việc làm thêm nhiều tiền để đưa gia đình mình đi nghỉ mát. Nhưng vợ tôi thì không, cuộc sống của nàng là một chuỗi kiếm tìm các cơ hội, phải tranh thủ!

  

Vợ chồng còn trẻ có nên sống chậm?


Tuần trăng mật, tôi bàn với vợ chỉ bỏ quần áo vào vali, ngoài điện thoại ra không đem bất kỳ phương tiện nào khác. Đã gói ghém máy tính, iPad, iPod vào balô, nhưng vì tôi quyết liệt quá nên cuối cùng cô ấy đành bỏ những thiết bị điện tử kia ở nhà với vẻ mặt phụng phịu. May mắn thay, nơi hai vợ chồng hưởng tuần trăng mật là một vùng đảo hoang sơ, chỉ có sóng nước, cát mịn, ngoài ra chẳng còn bất cứ phương tiện gì, thậm chí cả tivi, điện thoại bàn trong phòng khách sạn cũng không. Điện thoại di động ngoài vùng phủ sóng, cũng trở thành vật vô tri. Những ngày đó của hai vợ chồng chỉ có ăn, ngủ, bơi, chơi bóng trên cát, chụp hình, đọc sách. Với tôi, đó là khoảng trời thần tiên sau bao lo toan cho đám cưới. Còn vợ tôi thì, “Cả tuần ở đây mà không có điện thoại, không bất kỳ phương tiện truyền thông nào, chán quá, một ngày dài như thế kỷ!” Mới được hai ngày, trong khi tôi đang thong thả đọc sách thì vợ bảo tôi gấp sách lại, dọn đồ ra về hoặc tìm nơi ở khác có sóng điện thoại.

 

Vợ tôi luôn hối hả mỗi sáng thức dậy, trọng lượng cái giỏ đi làm của nàng có khi gấp đôi hai vai gầy nhỏ kia với laptop, iPad, điện thoại, sổ sách, máy chụp hình. Có khi làm việc giữa chừng, nàng hối hả gọi tôi thống thiết, “Em chết mất, máy tính tự dưng tắt bụp, không lưu kịp dữ liệu”. Và gấp rút trong vòng 15 phút, tôi phải có mặt để sửa cho nàng. Hầu như buổi trưa nào tôi gọi điện thì nàng cũng thổ lộ đang nhai bánh mì. Chẳng cơ quan nào ky bo hạn hẹp giờ ăn trưa của nhân viên, nhưng nàng vì tranh thủ mấy dự án bên ngoài nên qua loa cho xong bữa.

 

Cuối tuần, hai vợ chồng có hẹn ăn tối tại một điểm lãng mạn sau một tháng trời nàng “đầu tắt mặt tối” bỏ cơm nhà vì các dự án. Nhưng đến giờ đi thì vợ phải trò chuyện công việc qua mạng với một đối tác, mà theo nàng thì “bỏ cơ hội này sẽ mất nhiều cơ hội khác”.

 

Vợ tôi còn than vãn thời gian luôn keo kiệt với nàng, chúng không cho phép nàng có điều kiện học thêm nữa, cho dù giờ đây nàng đã có hai bằng đại học, một bằng thạc sĩ, và vô số chứng chỉ chuyên nghiệp. Còn tôi, vẫn làm hơn tám tiếng mỗi ngày, vẫn lắm khi căng thẳng với các ý tưởng, dự án. Nhưng tôi quan niệm, giá trị lớn nhất của đời người không phải đồng tiền, không phải danh tiếng, mà chính là sự bình yên trong tâm hồn. Tôi phải làm nàng thay đổi quan điểm, cùng sống chậm với mình, hay tự tôi phải đổi thay cho phù hợp hoàn cảnh?

 

NamKhánh (Q.2, TP.HCM)
 

 Muốn sống chậm cũng không dễ

Trịnh Phi Ly, giảng viên đại học Nông Lâm TP.HCM

 

Thường khi bước vào tuổi xế chiều, người ta mới bắt đầu chậm dần những bước chân. Chậm ở đây không phải là sự nhẩn nha nhàn hạ, mà là đi chậm lại một bước để nhìn xung quanh, nhìn lại mình, và biết giá trị nào là thật cho mình, giá trị nào nên nhường cho người khác. Cũng có nhiều cặp vợ chồng trẻ cưới nhau về, loay hoay trong cách sử dụng thời gian, cuối cùng do không biết cách xếp đặt nên đành hy sinh hết cho công việc. Chính việc không biết quản lý thời gian đã mang lại nhiều hệ luỵ trong hôn nhân. Những bữa ăn dang dở, không đủ sự quan tâm dẫn đến ly tan một tổ ấm. Cũng có người khát được sống bằng chính tâm hồn mình, sống chậm một tí cho người thân, nhưng guồng quay xã hội cứ cuốn họ theo, rồi theo mãi, khi nhìn lại tóc đã bạc màu. Đấy, muốn sống chậm đâu phải dễ, bởi chậm một bước thì lại thụt lùi cả chục bước so với bạn đồng trang lứa.

 

Chậm để vững chân về phía trước

TS Trần Thị Thu Mai, phó trưởng khoa Tâm lý – giáo dục, đại học Sư phạm TP.HCM

 

Suy thoái kinh tế làm cho những đòi hỏi của xã hội ngày càng nhiều, càng căng thẳng hơn. Chính sự đòi hỏi này chi phối suy nghĩ của con người, nhất là người trẻ, rằng phải làm, làm thật nhiều, tranh thủ từng phút giây, từng cơ hội thì mới mong có chỗ đứng vững trong xã hội. Sự tranh thủ này có khi làm người ta quên mất nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, bù đắp tinh thần, quên luôn sự quan tâm đến người bạn đời. Bên cạnh đó, vẫn có người biết dành thời gian cho bản thân, cho người xung quanh bằng những động thái như đọc sách, đi nghỉ dưỡng, du lịch xa làm mới tâm hồn. Và dường như xu hướng mà người ta gọi là sống chậm này đang dần phát triển trong giới trẻ, đặc biệt là những gia đình trẻ. Họ làm việc cật lực một thời gian, và sau đó họ dành cho nhau những hoạt động tận hưởng.

 

Sống chậm là lối sống nhấn mạnh về giá trị tinh thần, sự sâu lắng trong tâm hồn, chứ không phải kiểu sống rề rà, trì trệ như nhiều người nghĩ. Người ta vẫn làm việc hăng say, nhưng luôn dành những khoảng lặng cho bản thân và gia đình. Nếu trong gia đình có hai vợ chồng với hai thái cực của lối sống, hãy cùng nhau thống nhất để cân bằng. Có thể với xã hội bạn là người năng động, tranh thủ từng cơ hội; nhưng với gia đình, hãy dành nhiều thời gian bình yên cho người thân, gác bỏ mọi phương tiện hỗ trợ qua một bên, sống với nhau từng phút giây, để thấy rõ nhất giá trị của cuộc sống.

 

Chậm mới không bỏ sót

Phan Trung Hiếu, 32 tuổi, giám đốc công ty GSoft, TP.HCM

 

Sống chậm không có nghĩa là không vận hành theo kịp nhịp sống của xã hội, mà là chỉ vận hành theo nhóm giá trị phù hợp với mình, và không bị chóng mặt bởi những thay đổi khác. Với một tổ ấm trẻ, việc xác định giá trị cốt lõi phù hợp cho gia đình mình là điều hết sức cần thiết. Việc xác định này cũng không thể chỉ suy nghĩ chung chung mà cần xác định cụ thể như: làm gì và không nên làm gì để sống, phát triển bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội; nói gì và không nên nói gì với nhau và với mọi người xung quanh; những giới hạn nào cho những hành vi, cách đối xử với nhau trong gia đình, đại gia đình và ngoài xã hội… Một khi xác định được và thực hiện được thì những vấn đề nhanh đến từ nhịp sống vội vã sẽ được cân nhắc và lựa chọn phù hợp để tiếp nhận. Việc cân nhắc, lựa chọn này sẽ làm sống chậm đi nhưng không đánh mất mình và bỏ sót. Đầu tiên là xác định, tiếp theo là kiên trì. Ví dụ như với bản thân tôi, luôn kiên trì theo đuổi chiến thuật 4:3:3 (40% cho học hành, nghiên cứu, 30% cho làm việc và phát triển kinh tế để trang trải cho gia đình và 30% cho các hoạt động, công việc đóng góp cho xã hội). Việc kiên trì này không dễ dàng gì thực hiện được nếu tôi không luôn lạc quan và hài lòng với những gì mình đang có.

Theo Sài Gòn tiếp thị