Viết cho bố nhân ngày của mẹ

Hải Nam

(Dân trí) - "Tôi thừa nhận tôi rất là sợ vợ", bố tôi vẫn thường nói với mọi người như thế, nhất là những khi ông đang ngồi đánh bài hay uống rượu mà thấy tôi được mẹ sai đi gọi về.

Mỗi lần như vậy, các bác, các chú sẽ mỗi người một câu mà khỉa kháy mỉa mai, ý rằng bố tôi sợ vợ. Và thường, bố tôi sẽ cười mà rằng: "về chuyện này, các ông nói đúng. Tôi thừa nhận tôi rất là sợ vợ. Cũng may chỉ sợ mỗi vợ mình chứ không sợ vợ hàng xóm". Nói rồi ông cười ha hả kéo tay tôi: "Về thôi con, kẻo mẹ mày lại đánh đòn cả bố cả con bây giờ".

Viết cho bố nhân ngày của mẹ - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Bố mẹ tôi vốn là con nhà nông dân, ít học. Hai người lấy nhau, được ông bà nội cho mảnh đất ra riêng và mấy sào ruộng làm kế sinh nhai. Sau đợt mẹ cố sinh cho bố thằng con trai là tôi, mẹ bị băng huyết suýt mất mạng. Từ khi sức khỏe mẹ yếu dần đi, bố không cho mẹ tôi làm đồng áng nữa. Bố cho người ta mượn hết ruộng rồi tập tành đi buôn. Cứ cái gì có lãi là bố mua đi bán lại. Trời thương hay tại tính bố tôi xởi lởi có duyên, bố mua may bán đắt, kinh tế khấm khá dần hơn.

Mẹ tôi ở nhà lo nội trợ, nuôi dạy chăm sóc các con. Tính mẹ hiền, dễ tủi thân, dễ khóc. Bố chỉ cần nói nặng một câu mẹ cũng rơm rớm nước mắt. Thành ra, nhà tôi ít khi có to tiếng hay cãi vã. Nếu bố mẹ có bất đồng chuyện gì, thường là bố sẽ chọn cách rời khỏi nhà một lúc.

Câu cửa miệng bố thường nói với chúng tôi là "Bố sợ mẹ chúng mày lắm". Hồi nhỏ, tôi luôn nghĩ, mẹ hiền thế sao bố cứ phải sợ. Nhiều người ngoài cũng nói: Chả hiểu sao bố tôi là người kiếm tiền lo cho cả nhà, buốn bán không ngại va chạm người nọ người kia, thế mà về nhà lại sợ vợ. Rốt cuộc là bố bị mẹ tôi bắt vía hay có chiêu trò gì? Nhưng phận làm con như chúng tôi, chẳng quan tâm ai sợ ai, cứ nhà cửa êm ấm yên bình là thấy hạnh phúc đã.

Rồi tôi lớn, đi làm, có người yêu. Một lần đưa bạn gái về ra mắt, hình như hôm ấy cô ấy có giận tôi gì đó, tôi có to tiếng vài câu nên bố tôi nghe được.

Tối đó, bố kêu tôi ra sân ngồi cùng bố uống nước chè. Bố phê bình tôi: "Con bé còn chưa làm vợ con mà con đã to tiếng thế là không được". Tôi đùa bố: "Con phải dạy dần đi, chứ để cô ấy bắt vía con như mẹ bắt vía bố là không được. Con trai bố nhất quyết không bao giờ sợ vợ nhé".

Bố tôi rít một hơi thuốc lào, nhả ra từng vòng khói vô cùng sảng khoái rồi vẫn điệu cười ha hả: "Bố nói thật, mẹ mày có gì mà bố phải sợ. Nếu có sợ, bố chỉ sợ mẹ mày ốm đau, sợ mẹ khổ, mẹ buồn. Còn đã là vợ chồng, tôn trọng yêu thương nhau thì gia đình đầm ấm chứ có ai sợ ai".

Rồi bố dẫn chứng tổng thống nọ, tỉ phú kia… những người đàn ông quyền lực cả về chính trị lẫn kinh tế trên thế giới. Nhưng khi về nhà, họ vẫn là chồng là cha. Có người chưa từng bỏ một buổi họp phụ huynh của con, có người dù trăm công nghìn việc vẫn dành thời gian đón vợ sau mỗi lần vợ đi công tác về, có người sẵn sàng rửa bát cho vợ như một niềm đam mê. Họ thành công không chỉ ngoài xã hội mà cả trong gia đình. Họ có sợ vợ đâu, là họ yêu thương vợ đấy chứ.

Rồi bố kết luận: "Thực ra những kẻ về nhà cứ tỏ ra coi thường vợ, nặng nhẹ vũ phu với vợ, coi vợ như nô tì thường là những kẻ vô dụng khi ra ngoài. Họ ra đời không hơn ai, không bằng ai, không nói được ai nên về nhà ra oai với vợ, dồn hết mọi ấm ức lên vợ để chứng tỏ mình. Những người đàn ông giỏi giang thực sự họ không sống như thế.

Nói thật với con, nhiều người cứ nói bố là trụ cột gia đình, nhưng người vất vả thật sự là mẹ con. Người mang nặng đẻ đau ra bốn đứa là mẹ. Người vì muốn sinh cho bố một thằng nối dõi mà suýt mạng đổi mạng cũng là mẹ. Người chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho các con từ khi còn đỏ hỏn đến trưởng thành cũng là mẹ. Nếu giờ để mẹ con ra ngoài lăn lộn kiếm tiền, đổi lại là bố ở nhà thay vị trí mẹ con, có thể mẹ làm được nhưng bố nghĩ là mình không làm được.

Bố cũng là đàn ông, cũng lắm khi nóng nảy khùng ngộ. Nhưng rồi quát mẹ con vài câu cho hả giận, khiến mẹ con buồn, không khí trong nhà ảm đạm bố có vui vẻ gì đâu. Sau này con lấy vợ cũng hãy nhớ: Là thằng đàn ông, giỏi thì ra hơn thua với thiên hạ ngoài kia, hơn thua với vợ để được gì ngoài những tủi buồn nguội lạnh. Sợ vợ, nghe vợ mà được chăm sóc yêu chiều, sợ vợ mà gia đình trong ấm ngoài êm thì tội gì mà không sợ, phải không?".

Giờ thì tôi hiểu vì sao bố tôi lại sợ mẹ rồi. Mẹ đã vì bố mà không tiếc bất cứ thứ gì, kể cả sinh mạng. Mẹ đã vì gia đình này mà chưa từng một tiếng thở than. Mẹ chỉ có vũ khí là chút nước mắt yếu mềm nhưng lần nào rơi cũng khiến bố phải bối rối. Bố sợ vợ là vì bố thương vợ.

Bố tôi, một người nông dân ít học, vốn quen với ruộng đồng, quen với những buổi chợ vất vả mưa nắng lấm lem, nhưng trong con mắt mẹ tôi, ông là người đàn ông tuyệt vời nhất, trong con mắt chúng tôi, ông là người bố tuyệt vời.

Nếu mọi đàn ông đều nghĩ như bố tôi, hẳn tất thảy mọi phụ nữ trên đời đều hạnh phúc, như mẹ.