Vì sao phụ nữ khó bỏ chồng: Chấp nhận sống chung trong đau đớn khi nghĩ đến con và hai chữ “tiền đâu”

Bị phản bội, điều đầu tiên mà người phụ nữ nghĩ đến là ly hôn. Thế nhưng ý nghĩ đó sẽ lập tức bị khựng lại khi nghĩ đến con và hai chữ “tiền đâu?”

Ở các nước phát triển, phụ nữ được hưởng chế độ thai sản từ khi mang bầu cho tới tận khi con hai tuổi, người mẹ có thể nghỉ ở nhà mà vẫn được nhận lương và trợ cấp nên yên tâm chăm sóc con cho tới khi có thể giao con cho người trông trẻ. Khi ly hôn, phụ nữ luôn được đảm bảo chia đôi tài sản gia đình. Nhờ vậy mà nếu vấn đề ly hôn xảy ra, phụ nữ vẫn được đảm bảo về khả năng tài chính để nuôi con cái.

Việt Nam thì khác, phụ nữ chỉ được nghỉ thai sản sáu tháng và không có gì đảm bảo về tài chính trong vấn đề nuôi con sau ly hôn nếu không phải là do tự bản thân kiếm được.

Ở Việt Nam, phụ nữ thường phải đi làm khi đứa con vẫn còn đang bế ngửa, còn bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc chỉ mới chớm tập ăn dặm. Không phải ai cũng có người giúp đỡ trông con, thế nên rất nhiều bà mẹ phải nghỉ việc ở nhà sau khi sinh con để toàn tâm toàn ý chăm sóc con.

Ý nghĩ đầu tiên khi bị chồng phản bội là ly hôn. Nhưng trên thực tế ít chị em làm được việc đó. Ảnh minh họa
Ý nghĩ đầu tiên khi bị chồng phản bội là ly hôn. Nhưng trên thực tế ít chị em làm được việc đó. Ảnh minh họa

Từ việc cho con bú, cho con ăn dặm, trông con cho đến việc giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp đều cần rất nhiều công sức, để có thể chu toàn người mẹ buộc phải từ bỏ mọi công việc khác bên ngoài. Khi con lớn một chút thì phải lo đưa đón con và ti tỉ những việc không tên khác cứ dồn lên người mẹ bỉm sữa.

Thời gian con mọn là thời gian người vợ chịu nhiều vất vả, stress vì thiếu ngủ nên hay cáu gắt, không có thời gian chăm chút cho bản thân. Vì chỉ ở nhà, lại tất bật cả ngày nên người vợ chỉ có thể mặc những bộ đồ tuềnh toàng, vấn tóc tạm bợ, có khi vì cho con bú liên tục mà bỏ luôn mặc áo ngực hay mặc áo lót xộc xệch bên trong.

Thiếu ngủ, khủng hoảng khi phải chăm sóc một em bé, không được ra ngoài nên khiến người vợ không còn dịu dàng hiền lành như xưa.

Đàn ông vô tâm, không phải ai cũng biết thương và cảm thông cho vợ. Thời gian này, nhiều người đàn ông bắt đầu chán vợ và tơ tưởng đến những cô gái khác, dễ sa vào cái bẫy của những mối tình ngoài luồng.

Người vợ tất bật chăm con, bỏ bê chồng, không đáp ứng được nhu cầu chăn gối của chồng, càng đẩy chồng ra xa hơn, đến chỗ ngoại tình. Rồi sau cùng, sau bao nhiêu hi sinh vất vả, sau khi xẻ thịt đớn đau để sinh ra một thiên thần, người vợ lại bị phản bội.

Đau đớn! Tất nhiên điều đầu tiên người vợ nghĩ đến là ly hôn! Người vợ nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ có thể tha thứ cho người đàn ông mà mình tin tưởng hết lòng, đã đau đớn sinh con cho anh ta, đã hi sinh mọi thứ, cả tuổi xuân và nhan sắc cho gia đình. Người vợ không muốn nhìn mặt người đã làm mình tổn thương nữa! Tất nhiên, họ muốn bế ngay đứa con đi khỏi căn nhà đó để quên đi hết mọi thứ làm lại từ đầu. Nhưng vấn đề là tiền đâu?

Tiền đâu khi suốt thời gian vừa rồi, người vợ chỉ ở nhà trông con, không còn kiếm được ra tiền nữa? Tiền đâu để có thể mua bỉm, mua sữa cho con, mua quần áo, cho con ăn uống, đi học, tiền bệnh viện thuốc men, trang trải cuộc sống?

Nếu như đi làm trở lại để kiếm tiền thì ai sẽ là người chăm con cho? Ai sẽ là người đủ tin tưởng để giao phó đứa con còn đỏ hỏn của mình? Nếu đi làm thì ai sẽ đảm bảo cho con ăn uống đầy đủ, không phải khát sữa mẹ? Thiếu hơi mẹ, làm sao con ngủ? Làm sao con chịu chơi? Bế con bỏ đi rồi sẽ sống ở đâu? Kiếm việc làm gì?

Đó là lúc ý định ly hôn của người đàn bà bị khựng lại. Không còn cách nào khác, lại phải tha thứ, lại phải tìm cách đưa chồng trở về dù rằng đau đớn đến tận cùng, dù rằng ghê tởm khi nghĩ đến chuyện chồng mình đã đụng chạm với một người phụ nữ khác, dù rằng vết thương không bao giờ có thể lành.

Phụ nữ có thể mạnh mẽ hay yếu đuối nhưng nếu như không được gia đình ủng hộ, không có tiền thì họ chẳng cần cách nào khác ngoài chấp nhận nỗi đau bị phản bội, niềm tin đánh mất.

Phụ nữ, dù có được yêu thương đến mấy, sống trong gia đình giàu sang đến đâu thì cũng phải luôn có tiền phòng thân để giữ cho mình một đường lui, nếu không họ chỉ có cách cam chịu, không thể nào bỏ nổi chồng chỉ vì lý do… thiếu tiền.

Theo Tuệ San
Gia đình và Xã hội