Ngày Gia đình Việt Nam 28/6:

Về nhà đi nhé, nếu bạn còn có Nhà để về

(Dân trí) - Về nhà thôi, nếu bạn có thể về. Ở đời có khi không hẹn lần hẹn lữa được đâu. Có những lời hẹn hôm nay, hôm sau không thể thực hiện nữa. Cuộc đời, mỗi ngày trôi qua là mất, không thể tạm dừng rồi tiếp tục như một cuốn phim hay một bài hát ta có thể nghe rồi bỏ dở để đó nghe sau.

Về nhà đi nhé, nếu bạn còn có Nhà để về - 1

“Khi cha dắt tay con qua đường, khi cha dõi theo con qua cánh cổng trường, khi cha ngồi đợi con giữa trời chang chang nắng và đón con bằng một nụ cười, với con, đó chính là khoảnh khắc hạnh phúc nhất. Kỳ thi này là của con, nhưng con không đi thi một mình. Khi con cười nhìn cha, cha nghĩ rằng vì con làm bài thi tốt. Thực ra con cười bởi vui vì thấy cha đứng đó đợi con”.

Trên trang cá nhân của mình, cô cháu gái nhỏ của tôi đã viết lên những dòng đầy thương yêu như thế. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa đi qua, bao nhiêu gánh nặng đã trút khỏi những đôi vai nhỏ bé, nhưng vẫn còn đọng lại mãi những yêu thương mà mẹ cha dành cho con cái trước những cánh cửa đầu đời. Gia đình, nơi có những người ta yêu thương chưa bao giờ là chỗ dựa vững vàng và tuyệt vời đến thế.

Nhìn những hình ảnh mẹ cha đưa con đi thi, ngóng đợi con nơi cổng trường, tôi nhớ bạn tôi. Bạn tôi mồ côi cha từ khi còn nhỏ. Cả tuổi thơ không biết đến một vòng tay ấm áp ấp ôm, cả cuộc đời không biết có một người cha sẽ tuyệt diệu đến cỡ nào. Mẹ bạn đi làm xa, bạn sống cùng ông bà nội. Những năm tháng học trò, bạn dường như đơn độc trong mỗi kì thi, dù là kì thi tốt nghiệp cấp 1 hay là thi Đại học cũng lủi thủi một mình không ai đưa đón.

Bạn kết hôn xong thì mẹ bạn qua đời. Bạn nói, mồ côi, dù là ở tuổi nào cũng vô cùng đáng sợ. Khi nhỏ, có nỗi sợ của tuổi nhỏ, khi lớn lên trưởng thành rồi lại là nỗi buồn sợ kiểu khác. Không chỉ là bơ vơ mà là cô đơn đến tột cùng, như một chiếc cây con cần chống đỡ những lại phải đứng một mình trong cơn mưa gió, chỉ còn cách ngiêng ngả vượt qua. Thật tiếc, khi mẹ còn trẻ thì mình ngu khờ vụng dại, đến khi đủ khả năng báo hiếu thì mẹ đã không còn.

Tôi có quen một người anh, vì gia cảnh khó khăn nên chấp nhận rời xa gia đình ra nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động. Sau bao năm vất vả cuốc cày, kinh tế đã ổn định hơn, nhà cửa đã khang trang hơn, cơ hội làm giàu từ nơi đất khách quê người vô cùng tốt. Nhưng vào thời điểm công việc trên đà thuận lợi nhất, anh quyết định trở về. Bởi anh nhận ra, bao nhiêu năm qua, anh kiếm được nhiều tiền nhưng lại để mất những thứ mà tiền không mua được. Đó là khoảnh khắc hai đứa con trai của anh chào đời, là khi con tập nói, con tập đi, con đến trường. Là quãng thời gian thanh xuân của vợ, của chính mình. Là hơi ấm sum vầy, là sẻ chia gần gũi.

Anh nói, tiền đúng là quan trọng nhưng rồi ngẫm cho cùng, gia đình quan trọng hơn. Sáu mươi triệu hay sáu triệu một tháng rồi cũng sẽ ổn cả. Anh muốn được về nhà, ngày ngày nhìn con mình lớn lên, cùng con đi qua những thời khắc quan trọng của cuộc đời, cùng sống với những người mình yêu thương, theo tháng năm cùng trẻ cùng già chứ không kiếm tìm đủ đầy trong sự cô đơn, mong nhớ.

Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác này chưa: Bạn ra đời, gặp muôn vàn khó khăn, gập ghềnh, bị bao người ức hiếp, làm tổn thương. Bạn mệt mỏi và uất ức đến nghẹn lòng nhưng vẫn phải cố tỏ ra kiên cường, cứng rắn. Nhưng chỉ cần bạn gọi điện thoại về nhà, nghe tiếng của mẹ của cha “Mệt rồi thì về nhà đi con”, ngay lập tức nỗi tủi thân vỡ òa, chỉ muốn đổ gục xuống, khóc như chưa từng được khóc.

Lúc còn nhỏ, ta cứ hay ước ao mình lớn thật nhanh, bởi nghĩ rằng chỉ cần lớn lên sẽ được tự do an bài cuộc sống của chính mình theo cách mình mong muốn. Khi lớn lên mới hiểu rằng, thế giới của người lớn thật khó khăn, ngay cả tiếng khóc đôi khi cũng phải dè chừng câm nín. Và gia đình chính là nơi rộng lượng nhất để ta có thể tự do khóc cười, tháo bỏ tấm mặt nạ hoan hỉ kênh kiệu với đời, cho phép mình thật lòng yếu đuối.

Về nhà thôi, nếu bạn có thể về. Ở đời có khi không hẹn lần hẹn lữa được đâu. Có những lời hẹn hôm nay, hôm sau không thể thực hiện nữa. Cuộc đời, mỗi ngày trôi qua là mất, nó không thể tạm dừng rồi tiếp tục như một cuốn phim hay một bài hát ta có thể nghe rồi bỏ dở để đó nghe sau. Đôi khi một khoảnh khắc vừa qua đi đã trở thành vĩnh viễn không tìm lại được. Tốt nhất vẫn là biết tận hưởng và trân trọng hiện tại, mỗi ngày, mỗi ngày.

Về nhà đi nhé, nếu bạn còn có Nhà để về, nếu bạn còn những yêu thương đón đợi. Đời người có rất nhiều chuyện đáng tiếc. Nhưng đáng tiếc nhất có lẽ chính là khi ta cứ mãi chạy theo những điều xa xôi mà quên đi những người bên cạnh. Đừng để một ngày, khi ta trở về, đối diện với nỗi mất mát đau thương mới nhận ra có rất nhiều điều mình đã vô tâm bỏ lỡ…

Lê Giang