Vấn nạn chồng cũ

Bị chồng cũ liên tục quay về gây rối là nguyên nhân khiến nhiều chị em phải tìm đến Báo Phụ Nữ TPHCM kêu cứu.

 
Vấn nạn chồng cũ  - 1


Ly hôn, vẫn không yên

 

Chị Nguyễn Thị Thu Hà ngụ ở khu phố 1, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết: “Ly hôn hai năm rồi nhưng tôi vẫn không yên với chồng cũ. Bây giờ ông ấy thành... hàng xóm của tôi. Tôi có bạn bè hay họ hàng đến thăm, ông liền... chạy qua nhà ngồi tiếp chuyện. Hễ nghi ngờ ai có quan hệ “đặc biệt” với tôi là ông ấy kiếm cớ chửi, đòi đánh, rồi cấm cửa người ta”.

 

Chị Hà và anh Nguyễn Đình Hùng kết hôn được 19 năm, có một con gái 16 tuổi. Mòn mỏi ghen tuông gần 10 năm trời, nhận ra thói trăng hoa của chồng đã thành bản chất, chị quyết định ly hôn. Nhưng chị nào được yên.

 

Nhắc chuyện “chồng xưa”, chị Hoàng Thị Trà, ngụ ở P.Thới An, Q.12 tức tối: “Ly hôn sáu năm rồi mà ông ấy chẳng chịu tách hộ khẩu, cứ quay về kiếm cớ “mượn giấy tờ”, rồi la hét, đập phá... Nhiều hôm ông ấy còn ở trần đi tới đi lui trong nhà, trông thiệt ngứa mắt. Ly hôn rồi mà hễ thấy tôi có bạn trai là ông ấy lại tìm gặp, thậm chí đến cơ quan người ta... cảnh cáo!”.

 

Chị Lê Thị Thìn, ngụ ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước thì bị chồng cũ lâu lâu quay về... đánh cho gãy tay, sưng môi, bầm mắt... Chị kể: “Mỗi lần về là anh ta vơ vét đồ đạc. Tôi mà ngăn thì sẽ hứng đòn. Cứ như vậy ba, bốn năm nay rồi!”.

 

Ly hôn là lựa chọn cuối cùng của nhiều phụ nữ nhằm thoát khỏi người chồng bạo hành. Thế nhưng, chúng tôi lại tiếp nhận không ít trường hợp đã “chạy” mà không “thoát”!

 

Chị Lê Ngọc Bình ở xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, Tây Ninh bị chồng đánh đập hơn sáu năm trời mới dám ly hôn. Nhưng ly hôn rồi anh ta còn đánh chị nhiều hơn. Chị Bình phải trốn về Đồng Tháp, nương nhờ vợ chồng người em họ.

 

Chị Lê Thị Phải, ngụ ở An Cư - Cái Bè, Tiền Giang còn thê thảm hơn. Bởi dù đã ly hôn, nhưng chồng cũ vẫn quay về đánh và cưỡng hiếp. Tháng năm vừa qua, chị Phải đã bỏ trốn trong một ngôi chùa tại Q.2, TPHCM.

 

Tại ai?

 

Sở dĩ những ông chồng cũ “lộng quyền” là do... không bị tố cáo. Theo ông Hoàng Kim Chiến - Phó vụ trưởng Bộ Tư pháp - phụ trách cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại phía Nam:

 

“Khi phát hiện những trường hợp bị chồng cũ quay về quấy rối, đánh đập, hoặc dùng bạo lực cưỡng ép quan hệ tình dục... chúng tôi đều đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc. Nhưng khi đoàn công tác đi rồi, chính quyền địa phương báo cáo lại, không thấy người ấy làm đơn hay vãng lai lên xã, phường. Ngoài ra, khi tư vấn, các luật sư đều hướng dẫn cặn kẽ cách gửi đơn hay trực tiếp đến với Chi nhánh Cục Trợ giúp pháp lý (30 Trần Cao Vân, Q.3, TPHCM) nhưng hầu như không có tín hiệu phản hồi”.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Vui - Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Phú, TPHCM cho biết: “Cán bộ Hội ở các phường lâu lâu cũng có báo cáo tình trạng hội viên, phụ nữ bị chồng cũ quay về quấy rối, hành hung. Hội LHPN Q.Tân Phú đã từng “giải thoát” thành công một phụ nữ bị lâm vào hoàn ảnh tương tự sau khi nhận được đơn kêu cứu. Tuy nhiên, đó là lá đơn duy nhất mà chúng tôi nhận được”.

 

Tương tự, bà Trịnh Thị Ánh Hồng - Phó chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Tân cũng cho biết đã thành công với một “ca” bị chồng cũ liên tục quấy rối, bạo hành, vì ly hôn rồi mà vẫn chung hộ khẩu. Chính quyền đã mời hai người ra UBND phường lập biên bản, hướng dẫn người vợ cũ qua công an xin tách thành hai sổ hộ khẩu. Và đây cũng là lá đơn duy nhất mà Hội LHPN Q. Bình Tân nhận được.

 

Với chín trường hợp xin tư vấn ở buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý miễn phí tại Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN huyện cũng cho biết: “Trước giờ, Hội chưa tiếp cận với những chị em đó”.

 

Tuy nhiên, có một việc mà cả công an, chính quyền địa phương đều “bó tay” đó là người cũ “trở về” để đòi phân chia lại tài sản. Số liệu từ các tòa án cho thấy, tỷ lệ các cặp vợ chồng đã ly hôn tranh chấp tài sản không nhỏ. Và vì sự việc liên đới tòa án, nên khi các chị kêu cứu, nhiều cơ quan chức năng đã không “mặn mà” vì chờ tòa phân xử.

 

Đầu năm 2009, chị Lê Thị Thúy ở xã Trung An, huyện Củ Chi, TPHCM bị chồng cũ quay về hành hung, mục đích là đòi chia căn nhà (vốn đã được TAND huyện giao cho chị sở hữu từ năm 1998 để nuôi hai con). Để lánh nạn, chị Thúy trốn về nhà mẹ ruột ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Thế nhưng anh ta vẫn truy đuổi tận nơi. Công an xã nơi chị tạm trú phải lập biên bản xử phạt anh ta về tội cố ý gây thương tích.

 

Tuy nhiên, khi nghe chính quyền giải thích là phải lập biên bản đủ ba lần mới có thể đưa anh ta đi cải tạo theo Nghị định 163 (xử phạt vi phạm hành chính về gây rối trật tự công cộng) thì chị Thúy lo lắng, tự hỏi: “Chẳng lẽ phải trân mình chịu đánh cho đủ ba lần?”. Vậy là chị buông tay, chờ ngày tòa định đoạt. 

 

Tự cứu

 

Rõ ràng, không phải không có nơi để kêu cứu, nhưng nhiều phụ nữ đã bỏ qua. Ghi nhận từ các nhà tạm lánh ở Tân Phú, Bình Tân, TPHCM cho thấy, hơn một năm qua, những nơi này chỉ tiếp nhận một trường hợp bị chồng cũ đánh. Tuy nhiên, khi được hỏi, nhiều nạn nhân đã cho biết: Bị đánh mà không biết trốn đi đâu!

 

Từ những câu chuyện này, mới thấy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lâu nay ở nhiều địa phương vẫn chưa đến được với người dân. Đặc biệt, có quá nhiều phụ nữ thiếu thông tin để có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.

 

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thu Hiên - Trung tâm tư vấn Hội LHTN cho biết: “Phần lớn đối tượng có hành vi quấy rối, tạo uy quyền với người xưa thuộc nhóm người có tâm lý ích kỷ, hẹp hòi “ăn không được nên phá cho hôi”. Chính thái độ thiếu thiện chí và tâm thần bất ổn này dẫn tới những hành vi gây rối, phạm luật. Nếu cứ nhẹ tay, tha thứ và cả xấu hổ, mặc cảm một cách không cần thiết, các chị sẽ tự chuốc họa vào thân. Bởi đã có không ít vụ án mạng xảy ra từ sự ghen tuông, thâm thù của các ông chồng cũ”.

 

(Các nhân vật trong bài đã được đổi tên)

 

Theo Nghi Anh

Phụ Nữ

 

 

Luật sư Trần Hải Đức - Đoàn Luật sư TPHCM: “Theo quy định của pháp  luật, khi quan hệ hôn nhân được giải quyết theo một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật, thì vợ chồng không còn bất kỳ quyền hoặc nghĩa vụ gì với nhau (trừ  mối quan hệ với các con - nếu có). Vì thế, việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp là vi phạm pháp luật. Cụ thể là vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Theo quy định của luật này, “người phát hiện BLGĐ phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực...” (điều 18).

 

Ở điều 2 Luật PC BLGĐ quy định những hành vi BLGĐ gồm: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; cưỡng ép quan hệ tình dục;  cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản riêng hoặc tài sản chung; cưỡng ép lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng; kiểm soát thu nhập nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; có hành vi trái pháp luật, buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở là đã có hành vi BLGĐ.

Điều 42 của Luật PCBLGĐ quy định về việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ quy định: tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

 

Theo Phụ Nữ