Từ bữa cháy nhà...

(Dân trí) - Tôi viết những dòng này, khi bản thân cảm thấy đã quá kiệt quệ sau năm ngày phải đi lánh nạn, kể từ vụ cháy kinh hoàng đúng tòa chung cư mình ở vừa qua.

Gia đình tôi, gồm một cặp vợ chồng, hai con nhỏ, cô em gái và một bác giúp việc đang sống yên ổn thì hỏa hoạn ập đến. Cuộc sống sinh hoạt đảo lộn hoàn toàn, sáu con người lớn bé, già trẻ phải dắt díu nhau, đi nhờ vả chỗ ở từ người quen này đến người quen khác. Mỗi người trong chúng tôi đều hi vọng, hết ngày hôm nay, thì ngày mai sẽ được về nhà. Nhưng câu trả lời chính xác mà Ban quản lý tòa nhà đưa ra đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Có nhà nhưng không được ở. Và có xe cũng không còn được đi nữa, bởi xe của hai vợ chồng tôi đã bị thiêu rụi cả đôi. Buồn thật đấy, nhưng vẫn phải gượng cười. Bởi chỉ cần mình kêu ca một chút thôi, thì những người xung quanh sẽ lại càng lo cho mình nhiều lắm. Nhất là khi ông bà hai bên ở quê cứ ngóng tin tức của con cháu từng giờ. Nên dẫu sao đi nữa, chúng tôi vẫn phải gắng nói: “Chúng con ổn và đang sống rất thoải mái. Bố mẹ đừng lo!”

Nhưng thoải mái sao được khi ngày nào cũng phải hò nhau dậy thật sớm để xin đi nhờ xe đến công ty, cuối buổi chưa xong việc cũng lại vội vàng thu xếp để đi nhờ xe về. Cơm nước bữa được bữa không, không còn sum vầy đầy đủ bên nhau hai bữa sáng, tối như trước. Ngày nào cũng tất bật, bế tắc, không biết ngày mai sẽ phải ở đâu. Tối về, mấy người lớn ngồi chụm lại, chẳng ai buồn nói với ai lời nào. Mạng internet không có, chẳng biết làm gì để giết thời gian nữa, khi tâm trạng lúc nào cũng chùng xuống, ngóng chờ tin tức nhà mình.

Hai đứa nhỏ thiếu chỗ chơi, con chị muốn hát cũng bị mẹ nhắc nhở kèm đe dọa: “Con hát bé thôi, để ông bà còn ngủ.” Thương con, nhưng thật ra cũng ngại với chủ nhà, nên đành cùng nhau chịu khó vậy. Đêm hai đứa nhỏ lạ nhà không ngủ được, đứa này đứa kia thay nhau khóc. Mẹ nghiêng một bên cho em ti, rồi với tay sang vỗ mông hát ru chị ngủ. Đứa nào cũng đòi mẹ, mà mẹ thì mất ngủ mấy đêm rồi, trầm cảm đến nơi mất thôi. Nhiều lúc buồn quá, bảo với chồng: “Em thật sự là rất buồn, rất buồn đấy!”. Nói thế, cũng chẳng giúp được gì hơn, nhưng ít ra là để có một người biết, là mình không ổn như vẫn tưởng.

Nghe đâu những chiếc xe bị cháy rụi sẽ được đền bù bằng giá thị trường, nhưng nghĩ rằng trừ khấu hao đi thì chẳng còn lại bao nhiêu. Nên thật không biết lấy đâu ra tiền để bù vào mua đủ hai chiếc xe mới cho cả vợ lẫn chồng. Bao nhiêu khoản tiền phải lo hàng tháng, gia đình tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đổi xe, mà bây giờ mọi chuyện lại thế này. Địa điểm làm việc của vợ và chồng cách xa nhau, nên nào đâu có thể chung đường, mà mua chung một xe được. Thật là đụng đến vấn đề nào cũng thấy đau đầu.

Nhớ buổi tối về qua nhà lấy ít đồ, gặp vợ chồng hai bác già nhất tầng, có ba cô con gái đều đã ra cửa nhà hết thảy. Đêm xảy ra vụ cháy, hai bác lánh nạn đi đâu ngủ nhờ không rõ. Nhưng đến tối nay khi mọi chuyện đã tạm lắng, hai ông bà rủ nhau về lại nhà mình ở, vì không còn nơi nào để đi. Nhìn cảnh bác trai cầm bát cơm ăn bên ánh đèn leo lắt của cây nến, xung quanh hoang tàn vì cửa nhà bị đạp phá từ tối hôm trước, đồ đạc bám đầy khói đen, thấy xót xa xiết bao. Điện không, nước không, mọi thứ lộn xộn như vậy, không biết hai người già sẽ dựa vào nhau như thế nào.

Một vài ngày đầu, tôi còn có thể cười nói vui vẻ như là khó khăn đến đâu rồi cũng sẽ qua cả thôi. Nhưng những ngày này, tôi dần thấy mệt mỏi, bởi sự việc cứ càng lâu càng nặng nề hơn, bế tắc hơn.

Ai sẽ đền bù cho cái tinh thần lạc quan, sống vui của hơn một nghìn cư dân trong chung cư tôi ở khi nó đã theo ngọn lửa mà cháy hết cả rồi?

Linh

 

Từ bữa cháy nhà... - 1