Góc tâm hồn

Trên cầu Hiền Lương

(Dân trí) - Trên cầu Hiền Lương ngày cuối tháng Tư, nắng quê hương đã vào độ oi ả, gió Lào thả hơi nóng hanh hao và rát bỏng.

Tôi hướng về lá cờ Tổ quốc đang tung bay kiêu hãnh, biết rằng chẳng dễ dàng gì để dân tộc mình, để quê hương mình giữ được ngọn cờ ấy.

Hoàng hôn trên cầu Hiền Lương (Ảnh: Diệu Ái)
Hoàng hôn trên cầu Hiền Lương (Ảnh: Diệu Ái)

Về thăm Vĩnh Linh, thăm cầu Hiền Lương sông Bến Hải, hẳn ai ai cũng nghe như cả lịch sử đang rất gần mình. Những câu chuyện về cuộc “đấu cờ”, “sơn cầu”, “chọi loa” của thế hệ trước sống lại hào hùng qua lời kể của các ông các mệ. Ví như, luôn có một chiến trường không tiếng súng là chiến trường đo độ gan lì, bất khuất của cả dân tộc với ước vọng mãnh liệt thống nhất đất nước giữa những ngày chia cắt.

Trong câu chuyện bây giờ kể lại, những người mẹ vá cờ là hình ảnh không thể không nhắc đến. Buồn thay, họ về trời đã lâu, chứ không những ngày tháng Tư lịch sử này hẳn mấy mệ, mấy o lại bỏm bẻm nhai trầu say sưa kể con cháu nghe chuyện vá cờ dạo ấy.

Thắp nén nhang lên nấm mồ người thiên cổ, tôi mường tượng ra những người phụ nữ nhỏ thó sức yếu vai gầy mà bàn tay và đôi mắt luôn gắng tinh anh trong từng đường kim mũi chỉ. 

Khi Mỹ tìm cách phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc thì cột cờ Hiền Lương là mục tiêu đầu tiên. Mỗi khi lá cờ bị rách do bom đạn bắn phá, mệ Diệm cùng những người mệ, người mẹ Vĩnh Linh lại hì hụi vá cờ. Mấy mệ con ngồi trong hầm tối trò chuyện trắng đêm khâu vá, để sáng mai khi ánh mắt của hàng ngàn bà con khắp nơi hướng lên phía cột cờ sẽ lại thấy cờ đỏ sao vàng tung bay không khuất phục. 

Cây cầu Hiền Lương chưa tới hai trăm mét đã chứng kiến bao cuộc chiến không tiếng súng như thế. Cuộc chiến sơn cầu thầm lặng nhưng kéo dài đến tận năm năm  khi chúng ta nhất quyết thể hiện ý chí thống nhất một nhà bằng màu sơn đồng bộ. Và những cuộc chọi loa ầm ĩ không chỉ là cuộc chiến bằng âm thanh mà bằng cả trái tim và ý chí. Lịch sử ghi lại nhiều nhưng cái khí thế hừng hực, cái tâm trí đoàn kết, đồng lòng sâu sắc ấy khó ngôn từ nào diễn tả hết được.

“Những ngày chia cắt” là cụm từ nói về hai mươi mốt năm ròng rã để đi hết một cây cầu bảy nhịp. Khi người ở người đi với lời ước hẹn rằng hai năm gặp lại, mà đằng đẵng mãi tới hai mươi mốt năm mới đoàn tụ. Lắm bi kịch xảy ra tại cái cảnh người Nam kẻ Bắc cùng nỗi nhớ niềm thương, khắc khoải đợi chờ. Song, con người ta hóa độ lượng với nhau hay bởi do thời thế nên chẳng ai buông câu trách móc nhẹ nhàng.

Nắng tháng Tư chói chang làm o con gái quê e thẹn đỏ mặt, tay cầm nón che ngang. Bác nông dắt trâu ra đồng rôm rả chuyện trò mùa vụ, lúa rì rào hóa tấm thảm xanh vời vợi, cảnh sắc thanh bình yên ả theo nhịp cò bay. Con đường hai bên, hàng xuyến chi nở đều thẳng tắp đơn sơ đẹp đẽ vô cùng.

Thế hệ chúng tôi thật may mắn khi sinh ra đã chạm tay vào hòa bình, chỉ hình dung chiến tranh qua những câu chuyện và bài học lịch sử. Thế nên, những nỗi đau và mất mát chỉ cảm nhận bằng sự khâm phục, thương cảm. Ngày lễ thống nhất, lớp thế hệ trẻ quê hương dựng trại sinh hoạt tập thể bên bờ sông, nghe âm vang thiêng liêng giữa câu chuyện xưa và nay bằng tâm khảm. 

Bây giờ, đi qua cầu chầm chậm lắm cũng chỉ mất vài ba phút, vậy mà quê hương tôi đã đi trọn trong chừng ấy năm, đi bằng tuổi thanh xuân, bằng máu và nước mắt của bao người. Thực sự rằng, có sống trong những ngày chia cắt hay đặt cả con tìm mình để thấu hiểu mất mát đã qua, mới thấy yêu, thấy trân quý hòa bình trong từng giây phút. 

Diệu Ái