Trẻ không chấp nhận việc có em, bố mẹ nên làm gì?

(Dân trí) - Mặc dù bạn đã chuẩn bị cho đứa con đầu lòng trước khi em của bạn ấy ra đời. Lúc đó bạn ấy có vẻ ổn, nhưng khi em ra đời thì lại trở nên ghen tị khủng khiếp với em…

Trẻ không chấp nhận việc có em, bố mẹ nên làm gì? - 1

Em bé lớn nhà bạn cứ rên rỉ suốt chỉ để thu hút sự chú ý của bạn, đôi khi còn hành động như một đứa bé, cố tình kéo mẹ đi khi thấy mẹ ở cạnh em.

Sự thay đổi trong hành vi của con cho bạn biết rằng trong cái đầu non nớt của bé đang nuôi dưỡng sự ghen tị xấu xí.

Khi bạn nhìn nhận mọi thứ từ thế giới quan của con, bạn sẽ không còn ngạc nhiên với sự ghen tị và oán giận đó nữa.

Rốt cuộc, con đã quen với việc có tất cả với bạn, và con mong rằng cách sống đó sẽ tiếp tục mãi mãi. Con lo lắng về việc phải chia sẻ với em thời gian bên mẹ. Con có thể sợ rằng bạn sẽ yêu em bé hơn, còn con thì trở nên ít quan trọng với bố mẹ. Nói cách khác, đứa con lớn của bạn đang cảm thấy bất an. Nó có nhiều điều lo lắng lắm, như phải từ bỏ phòng ngủ của mình để nhường cho em, phải chia sẻ đồ chơi với em, mất tình yêu của bố mẹ vì giờ ai cũng tập trung vào em bé…  

Con thậm chí có thể nghĩ rằng thế là bố mẹ muốn có một em bé khác vì mình không đủ tốt, hoặc bố mẹ sinh em bé mới để phạt mình.

Bởi vậy đừng nổi nóng với sự ghen tị của con, bạn hãy cư xử thật tinh tế và nhạy cảm.

Làm cho con thấy mình quan trọng

Một trong những cách tốt nhất để giúp con vượt qua giai đoạn tạm thời này là lôi kéo con trực tiếp tham gia các công việc chăm sóc em nhỏ. Đứa trẻ lớn sẽ cảm thấy “tầm quan trọng bản thân”. Ví dụ, bạn nhờ con mang cho bạn một chiếc tã sạch từ đống đồ trong góc, hoặc khi bạn cảm ơn con vì đã thoa kem dưỡng da lên chân em bé sau khi tắm.

Những trách nhiệm và nhiệm vụ thực hành này khiến đứa trẻ lớn thấy mình là một phần trong cuộc sống của em bé. Nhờ đó sự gắn bó với em được củng cố, giảm cảm giác ghen tuông và oán giận.

Hãy tặng cho con cảm giác đôi khi con là trung tâm của sự chú ý. Ví dụ, khi ông bà tới thăm em bé, hãy thuyết phục ông bà dành một vài khoảnh khắc với đứa cháu lớn của mình trước khi gặp đứa nhỏ. Để con dẫn ông bà vào gặp em càng là một ý tưởng tuyệt vời. Em bé cũng là một phần của gia đình, đứa trẻ lớn sẽ rất thích nói với tất cả mọi người về em của nó.

Bây giờ bạn cũng có thể mang lại cho con những lợi ích mới của việc làm anh/chị lớn. Chẳng hạn, bạn nói với con rằng: “Con có thể đi ngủ muộn thêm vài phút vì con không còn là em bé như em baby nhà mình”.

Trao phần thưởng thêm cho con dựa trên thực tế rằng con bây giờ đã là đứa trẻ lớn hơn. Khuyến khích con suy nghĩ tích cực về em của mình.

Cố gắng dành thời gian chơi riêng với con mỗi ngày. Bạn chỉ mất 5 hoặc 10 phút, nhưng hiệu quả thì lớn vô cùng. Chỉ bạn và con chơi cùng nhau không có bất kỳ ai, điều gì gây gián đoạn. Điều đó khiến con cảm thấy đặc biệt và giúp giảm mọi cảm giác tiêu cực có thể có ở con. Đừng quên nói với con rằng bạn yêu vô cùng những khoảnh khắc quý giá này.

Huyền Anh