Thương những mùa trăng

(Dân trí) - Khi ánh trăng chưa tròn, tiếng trống lân đã vang lên khắp xóm. Đám trẻ con bắt đầu háo hức, nôn nao đợi trung thu về.

 
Thương những mùa trăng


Mẹ chuẩn bị mâm cỗ “cúng đất” như bao gia đình khác ở quê vẫn cúng quảy mỗi dịp rằm tháng Tám. Đi khắp xóm, mùi trầm hương tan nhẹ vào gió, nghe đầm ấm, an yên.

 

Dạo phố những ngày cận kề trung thu, thấy những màu sắc tươi vui, những mặt nạ đẹp đẽ muôn hình muôn dạng, vô số chiếc đèn bằng nhựa phát ra nhạc được treo lủng lẳng khắp gian hàng. Một vài chiếc đèn ông sao nằm lặng lẽ trong những chiếc giỏ nhỏ nhắn. Chợt nhớ những mùa trăng kỷ niệm đã trôi tuột qua trên tay mình.

 

Thời đó, cứ mỗi buổi chiều ngồi học đến bốn năm giờ, cả lớp đã nghe tiếng trống lân mấy anh tập ở gần đó. Thế là tâm trí đứa nào đứa nấy cũng “tùng tùng cắc cắc” theo tiếng trống. Cô giáo nhìn ánh mắt mơ màng của lũ học trò, vậy là thôi, cô bắt đầu kể chuyện trung thu ngày xưa rồi cho cả bọn về sớm.

 

Dịp này, cả xóm bỗng nhiên rôm rả, đông vui hẳn lên. Thường ngày, nhà ai nhà nấy hơn tám giờ tối đã rào cổng đi ngủ. Vậy mà những đêm rằm, mọi nhà trong xóm đều mở cổng rộng thênh thang. Ban sáng, chú Thông còn hồ hởi lấy rựa phang bớt mấy cây cỏ quanh nhà, bảo “để đêm, mấy đứa trong đoàn lân có chỗ mà nhảy cho đã”.

 

Đội lân trong xóm cũng toàn những gương mặt quen. Anh em thằng Tư tranh nhau nhảy lân khá điệu nghệ. Thằng Mèo oai phong làm tôn ngộ không, cầm cái gậy xoay tít mù. Buồn cười hơn là vai ông địa, chị Ni giành mãi với cả tụi thằng Hà mập để được làm.

 

Đêm về, trăng theo đoàn quân tí hon đi khắp các ngõ xóm. Tiếng trẻ nít đi tới đâu ồn ào, rộn rã tới đó. Khi trăng đã lên cao, cả đám vẫn chần chừ tiếc nuối chẳng muốn về.

 

Cậu em trai ngày xưa thường sợ những chiếc mặt nạ, thế nên nghe tiếng trống lân, thể nào nó cũng bắt mẹ ra khóa cổng rồi chui tọt xuống bếp. Thế mà, chỉ vài năm sau, cậu em lại hùng hổ xung phong vào đội cầm đuốc theo đoàn lân. Nỗi sợ hãi ngày xưa biến mất thay vào đó là niềm thích thú lạ lùng.

 

Ba tôi vốn rất nghiêm khắc. Lúc ấy, đường quốc lộ bắt đầu mở rộng. Một phần, ba sợ xe cộ nguy hiểm, một phẩn sợ ngửi khói đuốc dầu hỏa ấy, về nhà thể nào cũng bị ho nên cấm tiệt chị em tôi đi theo.

 

Cậu em dĩ nhiên chẳng thể kìm nén niềm thích thú, định trốn đi nên bị ba đánh cho một trận. Đó là trận roi đầu tiên và duy nhất tôi chứng kiến trong khoảng trời tuổi thơ của mình. Hẳn nhiên, đó là một mùa trung thu chán nhất của chị em tôi, khi chỉ được nghe, được ngắm đoàn lân từ xa.

 

Ba thương mấy chị em nên bắt đầu mò mẫm làm đèn trung thu cho cả bọn. Có năm, ba lấy mấy lon bia cũ rồi cắt những đường dọc trên lon, bỏ vào đó một mẩu nến bé xíu, chiếc đèn sáng trưng nhưng chỉ được ngắm chứ không được cầm, ba sợ mấy đứa bị bỏng. Thích nhất là có năm ba làm hẳn hai cái đèn ông sao. Mẹ bảo, ba phải hì hụi vót tre cả buổi, rồi cắm cúi dán giấy màu lên chiếc đèn ấy. Hai chị em cầm đèn cười mãi rồi đem khoe khắp xóm.

 

Những mùa trăng ngày ấy cũng chẳng có bánh dẻo, bánh nướng hay đèn ông sao. Mẹ đi làm được người ta cho quả bưởi, vậy là có thứ  để chị em tôi phá cỗ. Tôi thích nhìn đôi bàn tay của mẹ khi gọt vỏ bưởi, khéo léo xoay tròn thành một dải dài, chẳng đứt đoạn. Sau đó, mẹ quấn thành một bông hoa hồng thật đẹp. Tôi cứ cầm chơi mãi cho đến khi cái vỏ bưởi đã héo quắt, khô rang.

 

Ngày xưa, trung thu là niềm háo hức của trẻ con, bây giờ đến người lớn cũng nóng lòng mỗi khi trung thu về. Nhiều người chẳng có thời gian để hoài niệm về những mùa trung thu cũ, họ phải chuẩn bị quà tết biếu sếp, biếu bạn hàng, đối tác. Mới hay, trung thu bây giờ, không chỉ là mùa đợi của con trẻ, mà còn là mùa ngóng của người lớn.

 

 Chập tối, đoàn lân của đám trẻ con xóm chợ đi ngoài đường, đứa nào cũng dè chừng vì thấy nhà ai nhà nấy khóa trái cổng. Chú Thông bảo, nhà làm ăn buôn bán, phải thuê đoàn lân lớn về nhảy đàng hoàng chứ mấy đứa trẻ nít này thì thôi.

 

Đứa nào đứa nấy cầm đèn ông sao trên tay, cỗ bánh để dành phá cỗ đêm trung thu cũng đã sẵn sàng, biết rằng những mùa trăng sau đã đủ đầy hơn ngày trước, nhưng chưa hẳn đã vui bằng.

 

Diệu Ái