Thở phào với cái Tết chỉ mất 5 triệu đồng

Mùng 3 rảnh rỗi ngồi điểm lại chi phí tiêu tốn trong Tết, tôi “thật phục tôi quá” khi dự chi 5 triệu cho Tết chỉ đội lên hơn 100.000 đồng mà vẫn đầy đủ, vui vẻ. Trong khi bạn bè, người thân "kêu rên" vì chi tiêu Tết tốn kém.

Vợ chồng tôi sống tại một huyện ngoại thành của Hà Nội. Tôi năm nay 32 tuổi, làm chuyên viên cho một cơ quan đoàn thể của nhà nước, sau mấy năm đi làm hệ số lương của tôi đang là 2,66. Sau khi cộng tất tần tật tiền lương, tiền phụ cấp tiền ăn trưa thì tổng thu nhập của tôi là 5. 230.000 đồng. Lương chồng tôi cũng chỉ nhỉnh hơn tôi mấy đồng, được gần 6 triệu. Dịp Tết này, tổng tiền thưởng Tết của cả hai vợ chồng chỉ có khoảng 3 triệu.

Khéo co nên tôi đã có cái Tết ấm với 5 triệu đồng (Ảnh minh họa IT)
Khéo "co" nên tôi đã có cái Tết ấm với 5 triệu đồng (Ảnh minh họa IT)

Với ngần ấy tiền tôi tính toán cẩn thận để chi tiêu sinh hoạt đủ dùng trong cả tháng, đặc biệt là dịp Tết này vừa đủ vừa hợp lý. Riêng lương của chồng tôi thường lĩnh vào đầu tháng nên sẽ dùng để chi tiêu sinh hoạt gia đình trong cả tháng, gồm tiền đóng học cho 2 đứa con: 1,2 triệu (2 đứa con tôi học trường công, ăn trưa ở lớp), tiền ăn uống cả nhà trong tháng 3 triệu, tiền điện, tiền ga nhà tôi là 500 nghìn, tiền xăng xe hai vợ chồng cũng khoảng 500 nghìn vì vợ chồng tôi làm gần nhà, đi lại ít, từ nhà tới cơ quan chỉ chừng 3 cây số. Sau khi trừ các chi phí cơ bản, chúng tôi còn mấy trăm để tiêu vặt.

Riêng lương của tôi hơn 5 triệu lại lĩnh vào mùng 10 hàng tháng nên vừa xinh khi nhận lương là tôi dùng để chi tiêu Tết. Vợ chồng tôi ở chung với bố mẹ chồng, vì thế tôi góp thêm 2 triệu để ông bà sắm Tết. Với bố mẹ đẻ, tôi biếu con gà và mua cho cho bố mẹ mỗi người một chiếc áo mới (chi phí chừng gần 1 triệu). Phải nói thực rằng cũng mấy năm tôi biếu tiền cho bố mẹ sắm Tết nhưng bố mẹ một mực không lấy, thế nên cuối năm dịp Tết là tôi canh những hàng quần áo đẹp nhưng bắt đầu sale giá là đi chọn cho mẹ, cho bố chiếc áo, năm nào bố mẹ cũng bảo: “Thôi vẽ vời áo với quần tao đầy 1 tủ chả mặc hết”, nhưng thực lòng tôi thấy bố mẹ rất vui.

Nếu không, tôi để ý nhà ngoại còn thiếu thứ gì chừng hơn 1 triệu thì tôi mua biếu, như có năm tôi mua chiếc lò vi sóng cả nhà ngoại tôi đều ưng. Với 2 đứa con, tôi cũng sắm sửa cho mỗi chị em một bộ quần áo mới, đôi giầy mới, tất tật hết khoảng 500 nghìn là đứa nào cũng xúng xính váy áo vui rạng rỡ.

Tiền mừng tuổi các cụ các cháu tôi áng chừng gần 1 triệu, nếu có phát sinh tôi cũng “mượn tạm” của con bé 2 tuổi nhà tôi để “luân phiên”. Kẹo bánh ăn Tết cũng chỉ vài trăm bởi tôi hay lọ mọ tự làm thêm mứt dừa, cà rốt, kẹo lạc để ăn cho vệ sinh. Như thế là cũng vừa vặn hết tháng lương của tôi cho cái Tết.

Riêng tiền thưởng Tết tôi trích 1 phần đi biếu sếp. Với quan niệm, thưởng ít đi ít thưởng nhiều đi nhiều, lại không có tham vọng thăng quan tiến chức gì nên tôi sắp sửa 2 túi quà quê đơn giản gọi là có lòng thành đến chúc Tết nhà sếp tôi và sếp chồng tôi: khi thì con gà với cân giò lụa, khi thì chục quả bưởi Diễn loại 3 nhưng khá ngon (tôi hay vào tận vườn chọn), năm thì mấy lít rượu nếp quê, tôi thấy các sếp ưng lắm mà chi phí cũng chỉ ngoài 1 triệu.

Như thế là cũng cơ bản đầy đủ các mục phải chi tiêu mua sắm cho ngày Tết, sau tất cả, chúng tôi còn dư khoảng 2 triệu từ tiền thưởng Tết để chi tiêu, dùng cho những việc đột xuất hay phát sinh.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có thể với những người lương thưởng cả mấy chục triệu đồng lại có suy nghĩ và cách chi tiêu khác, nhưng riêng tôi, với mức lương hơn 5 triệu, thay vì ngồi ca cẩm than vãn tôi chọn cách chi tiêu hợp lý để Tết vẫn đủ, vẫn đầy và vẫn vui.

Theo Trần Hà
Dân Việt