Thêm một mùa xuân

(Dân trí) - Mỗi mùa đông đến bệnh đau dạ dày lại hành hạ mẹ, anh trai mẹ trong Sài Gòn trước cũng bị bệnh này vào trong đó thì hết luôn, bao mùa đông bác rủ mẹ vào đó tránh rét nhưng mẹ cứ lần khân muốn ở lại đây để con cái cần gì thì có mặt ngay lập tức. Mẹ chẳng ở bên nhưng lúc nào cũng sẵn sàng túc trực để hậu thuẫn con cái.


Thêm một mùa xuân



Nghe tin mẹ mệt, muốn về thăm, nhưng vừa hé ý định mẹ đã bảo thôi, rồi còn đùa, “Về lại phục vụ mẹ con mày hết hơi, còn mệt hơn, để tết về cũng được”. Cũng vì mẹ biết công việc của con gái cuối năm lúc nào chả bận. Nỗi lòng kẻ tha hương, hơn bao giờ hết mong mùa xuân mau mau đến, mau mau cho đến tết.

Đang rét buốt, cắt da cắt thịt, mỗi sáng trở dậy nghĩ cảnh đi làm thì không ngại, chỉ sợ cảnh nước mưa tát vào mặt như những mũi kim nhỏ xông thẳng vào, từng hạt nước mưa mang hơi lạnh của mùa đông từ từ thấm dần đều lên mặt, hoà với dòng máu nóng khiến toàn thân thêm tím tái, đến phòng làm việc một lúc mà chân vẫn giá. Nhưng rồi lại nghĩ đông không đến thì làm sao gặp được mùa xuân, mường tượng cảnh được gặp bố mẹ bỗng thấy phấn chấn hẳn.

Lại nhớ những ngày không khí Tết rộn rã khắp nơi nơi, nhà nhà đi chợ sắm sửa, đường phố đông đúc náo nhiệt hơn. Và trong nhà thì hân hoan phút sum vầy sau những tháng ngày bôn ba xứ người. Đó là phút chứng kiến sự đổi thay in trên nét mặt mẹ cha, tuổi già của người được ghi dấu trên mỗi nếp nhăn và đổi lại là tuổi thanh xuân của cháu con...

Tết mọi năm, cứ bắt đầu được nghỉ học là mấy anh em tiến hành thu dọn nhà cửa, lau rửa các bình cây, chọn những chậu cảnh đẹp nhất, rải một lượt sỏi trắng lên đem vào nhà bày. Rảnh tay thì ngồi nghĩ xem còn vay mượn ai cái gì thì tìm cách mang trả, sợ mất “dông”.

Giáp tết là những ngày đi chợ cùng mẹ chọn từng đọn lá Dong, về nhặt lá đẹp, to bản, dễ gói mang ra sân giếng rửa sạch, giữa tiết trời mùa đông chuẩn bị lập xuân, cảm thấy cóng buốt nhưng nước giếng múc lên thì thật ấm.

Tết đến, tiết trời lập xuân lòng người cũng thêm phần nô nức, được cùng mẹ cha chung vui bên mâm cơm tất niên, mùng một tết rủ nhau đi du xuân, hái lộc đầu năm, đến thăm chúc tết ông bà và các bậc cao lão trong họ, thấy rõ hơn nét đẹp của văn hóa truyền thống.

Năm nay đón Giao thừa ở nhà của mình, cảm giác cũng khác lạ nhiều, vì sẽ phải tự lo toan, tính toán mua sắm thức ăn, sắp mâm đủ cho mấy ngày tết, rồi đồ thắp hương, bánh kẹo, mứt tiếp khách... thấy mình người lớn hơn, chững chạc hơn, thấy những bài học mẹ dạy bao năm qua vẫn còn nguyên giá trị.

Dự tính, mùng một tết sẽ cho con về quê, để dạy lại con mình bài học về tết, tết là của gia đình, quê hương.

TSL