Thằng tù

(Dân trí) - Hôm nay tòa xử nó, chị cũng đến ngồi dự, vì chị là mẹ nó, người ta gửi giấy mời. Nó là con chị, nhưng lâu rồi mẹ con có gặp nhau đâu.


Thằng tù



Suốt buổi xét xử chị chẳng nghe được gì, đầu óc cứ lơ mơ. Chị chỉ tập trung nhìn nó, đứa con trai xinh đẹp của chị, nước mắt chị vòng quanh. Nó phạm tội dẫn dắt gái mại dâm, lại còn ẩu đả gây thương tích nghiêm trọng. Nghe tòa tuyên án, nghe người ta chửi nó đáng đời, chị khóc ngất. Ở ngoài xã hội người ta nhìn nó là thằng đầu bươu đầu bò, nhưng với chị, nó vẫn là đứa con bé bỏng ngày nào, đứa con tội nghiệp. Tại chị tất!

Cái việc chị sinh nó ra cũng đúng là oan nghiệt. Số kiếp nó khốn khổ, từ lúc đẻ ra đã chẳng được ai chào đón rồi. Khi biết chị cấn thai nó, bố nó cao chạy xa bay. Chị trẻ người non dạ, luống cuống với hậu quả quá lớn mà tình yêu vụng dại đầu đời để lại. Bố mẹ chì chiết, hàng xóm xì xào, cả nhà bắt chị bỏ cái thai đi nhưng chị thương nó nên không nỡ. Hổ dữ còn không ăn thịt con, chị giết nó sao đành khi nó đã thành hình mà đang mỗi ngày mỗi lớn trong bụng chị. Khóc lóc vật vã, van xin, cuối cùng chị cũng thuyết phục được ông bà ngoại nó cho chị sinh nó ra. Ở làng chị, cái chuyện chửa hoang nghiêm trọng lắm. Các cụ ngậm đắng nuốt cay đồng ý cho chị sinh.

Thằng bé ra đời, rồi lớn dần lên là niềm vui đối với cả nhà. Chẳng ai còn nhớ chuyện cũ. Nó xinh xẻo, ngoan ngoãn, cái mồm suốt ngày véo von. Ông bà ngoại yêu nó nhất. Nó cũng thích ông bà, quấn quýt cả ngày cho chị đi làm. Chị chẳng bằng cấp nên lên xã bán hàng thuê. Cảnh nghèo rau cháo nuôi nhau mà hạnh phúc, ông bà ngoại thằng bé là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho chị.

Thế nhưng chẳng được mấy năm, ông bệnh đột ngột qua đời. Bà buồn phiền mà cũng đi theo ông một năm sau đó. Lúc ấy thằng nhóc mới năm tuổi. Chị lâm vào cảnh hụt hẫng, mất chỗ dựa tinh thần, không biết bấu víu vào đâu. Vì không còn ai trông con nên chị xin nghỉ chỗ bán hàng, tự xoay xở nhiều nghề kiếm sống, trong ấy có cả nghề bán thân. Chị buộc phải làm thế, vì cuộc sống mỗi lúc một khó khăn, chị lại cô độc trên cõi đời, không học vấn, không nghề ngỗng, và chị còn phải nuôi con. Mấy lần chị đưa khách về, thằng bé hình như đều biết. Căn nhà bé tí tẹo, mẹ “tiếp khách” bên dưới, con ở trên cái gác lửng con con...

Giờ chị tự xỉ vả mình, ngày ấy lẽ ra chị không nên làm thế. Tại chị nghĩ không thông. Thằng bé đang tuổi lớn, thời gian đó, chị đã tiêm nhiễm vào đầu nó những gì! Chị nhớ có một hôm, thằng bé rất nghiêm túc nói với mẹ rằng: “Mẹ đừng dẫn ai về nhà nữa”. Ánh mắt nó mạnh mẽ, sắc như dao. Chị đau điếng người. Chị mắng nó là không làm thế lấy gì cho nó ăn. Từ ấy nó không buồn nói chuyện với chị nữa. Chị cứ dẫn ai về thì nó bỏ đi.

Sau chị cũng bỏ “nghề”, nhưng chị cảm nhận là mình đã mất con. Nó không còn như trước. Dù chị có dẫn ai về nhà hay không thì nó vẫn cứ đi. Ngay cả những lúc đáng ra phải ngồi học ở trường thì nó cũng đi. Nó đi để không phải ăn cái gì của chị. Cô giáo báo về là nó trốn học suốt. Bạn bè nó toàn đứa xấu. Chị bất lực. Vì chị không còn tư cách dạy dỗ nó.

Cho đến hôm nay nó ra nông nỗi này, chị tin tất cả là tại chị. Nếu được làm lại, chị sẽ vẫn sinh nó ra, nhưng phải sống cuộc sống khác. Sao chị lại yếu đuối, thiếu bản lĩnh đến vậy. Chị không bằng một phần của nó, dù bây giờ, trong mắt thiên hạ, nó là một thằng tù.

Kết thúc buổi xét xử, người ta dẫn giải nó ra xe, chị cứ như người mộng du, đi theo nó mãi. Cho tới lúc nó ra đến xe thùng mới nói với chị được một câu: “Mẹ về đi”. Chị lại khóc.

Hạ Thủy