“Tết này, về ngoại đi con”

(Dân trí) - Tết năm nay là tết đầu tiên tôi làm dâu nhà chồng nên từ lâu đã xác định chắc chắn sẽ không về tết bên ngoại được. Bởi nhà chồng cách nhà mình hơn 300 cây số, lại là năm đầu tiên mình làm dâu.

Bố chồng tôi mất sớm, nhà bao năm nay chỉ có hai mẹ con. Năm nay có tôi về, chẳng thêm người thì thôi, còn kéo chồng đi chắc là mẹ chồng không đời nào đồng ý.

“Tết này, về ngoại đi con” - 1

Mẹ tôi thì bảo: Con gái lấy chồng cứ phải lo cho nhà chồng trước đã. Chỉ cần con được nhà chồng thương thì bố mẹ dù xa xôi cũng yên lòng. Tôi cũng hứa với mẹ, tới đợt nghỉ lễ vợ chồng tôi sẽ về, nhất định thế.

Vậy mà chiều nay đi làm về, đang lúi húi nấu cơm thì mẹ chồng hỏi:

- Ngày nào thì con về ngoại?

- Chắc con không về ngoại mẹ ạ

- Sao lại không về? Cả năm có mỗi cái tết mà không về à, xa bố mẹ cả năm rồi mà con không nhớ à?

- Không phải, nhưng đây là năm đầu tiên con làm dâu, sao bọn con về được ạ. Nếu về thì để qua mồng 2 ạ.

- Sao lại mồng 2 mới về? Con ở đây cả năm rồi, về sớm đi cho ông bà vui. Con gái lấy chồng xa chắc ông bà mong lắm. Mồng 2 mới về thì hết tết rồi còn gì nữa.

Tôi nhìn mẹ chồng, thực sự muốn hỏi một câu: “Sao mẹ không giống các bà mẹ chồng thế, mấy đứa bạn con lấy chồng xa, năm nào muốn về tết ngoại cũng rất khó khăn”. Nhưng rồi tôi không hỏi, chỉ ngân ngấn nước mắt. Mẹ nhìn tôi, vừa nói vừa cười: “Đời mẹ cũng đi làm dâu, cũng khổ nhiều rồi. Mình trải qua rồi, lẽ nào không hiểu cho các con được chứ”.

Mẹ chồng tôi người miền Trung, lấy bố chồng tôi rồi theo ra Bắc. Mẹ làm dâu trong một gia đình nhiều lễ giáo phong kiến, lề thói nghiêm khắc vô cùng. Bao năm làm dâu, mẹ chưa từng được về ăn tết ở nhà mình, bởi “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Chẳng riêng bố mẹ chồng, mà chồng của mẹ cũng quan niệm “nội là trong, ngoại là ngoài”, đàn bà con gái lấy chồng thì phải lo cho nhà chồng, chẳng liên quan gì nhà đẻ nữa. Sau này, bố mẹ chồng mất đi, rồi chồng mất đi thì bố mẹ mình cũng không còn nữa.

Năm nào cũng đón giao thừa, thờ cúng hết mồng 1 thì mẹ con anh lại bắt xe về quê. Bố mẹ không còn, chốn về cũng hiu quạnh. Cái ý nghĩ, lúc cha mẹ còn sống còn ngóng trông thì chẳng về, giờ về thì chẳng còn ai mong nữa khiến mẹ bao lần rơi nước mắt.

Mẹ bảo tôi, cả năm được ba ngày tết, ai chẳng thích đông đúc sum vầy. Nhưng mình vui thì mình cũng phải nghĩ đến người khác. Mẹ không có con gái, nhưng mẹ cũng là đàn bà. Đến đàn bà còn không hiểu, còn không thương nhau thì còn đợi ai thương mình nữa. Cuộc sống còn gì tuyệt vời hơn thế, khi mỗi người biết đặt mình vào vị trí của nhau.

Tôi nhớ đến vợ chồng chị gái tôi, lấy chồng không quá xa, nhưng năm nào hai vợ chồng cũng cãi vã nhau chỉ vì tết nội tết ngoại. Tôi còn nghe những đứa bạn của tôi kể, năm nào mẹ chồng cũng có lý do để con dâu ăn tết ở nhà mình, nói ra thì cãi nhau, thôi thì “phận làm dâu đành ngậm bồ hòn làm ngọt”. Tôi còn có cô bạn bảy năm lấy chồng chưa từng được ăn tết với mẹ cha vì nhà chồng sống theo lề lối xưa, phong kiến và gia trưởng.

Nghĩ cho cùng, những bà mẹ chồng cũng đã từng làm dâu, khó dễ thế nào trải qua rồi đều hiểu. Nếu mình mong tết con cháu sum vầy thì nhà người ta cũng thế, sao lại cứ mong niềm vui hưởng hết về mình.

Tôi bảo mẹ chồng:

- Mẹ nói thế, con rất vui, nhưng để mẹ ăn tết một mình chồng con chắc sẽ không đồng ý đâu ạ.

- Không về, mẹ cũng bắt nó về. Nó sợ mẹ mình buồn, thế bố mẹ vợ không biết buồn à. Năm nay cứ về đi, năm sau ở lại với mẹ cũng được. Con mới lấy chồng, tết đầu tiên có khi ông bà chưa quen vắng con sẽ nhớ.

Tính tôi không khéo, lại ít thể hiện tình cảm ra ngoài, nhưng lần này tôi không ngần ngại ôm mẹ chồng thật chặt. Người ta nói: “Có được chồng tốt thì ấm tấm thân, có được mẹ chồng tốt thì ấm từ chân đến đầu”. Có lẽ kiếp trước tôi tốt đường tu, nên kiếp này may mắn gặp được mẹ chồng như vậy.

Hoàng Hà