Tết chưa trọn vẹn

(Dân trí) - Lấy nhau đã hơn sáu năm, mà chưa năm nào anh chị không tranh cãi việc về tết. Quê chồng và quê vợ đều xa, lại ở hai phía ngược nhau, song năm nào cả nhà chị cũng đều về quê nội từ hai tám, hai chín.

Ở đó, chị cặm cụi phục vụ cho đến hết mùng ba hóa vàng xong, mới quày quả trở lại đi làm. Ba ngày Tết không thể về thăm mẹ, ăn với mẹ bữa cơm, bởi như thế sẽ là chưa trọn nhẽ với nhà chồng.
 
Tết chưa trọn vẹn



Sau đám cưới anh chị hai năm bố chị mất, vợ chồng anh trai chị lại là bộ đội đóng quân xa nhà, có năm phải trực hết tết mới về được. Lần đó chị xin về ăn tết với mẹ cho bà đỡ tủi, vậy mà chồng chị trợn mắt nạt: “Thần kinh à mà về nhà vợ ăn tết”, khiến chị tức điên người, nuôi giận trong lòng và cảm thấy thương xót những nhà sinh ra con gái, rồi gả nhầm cho ông con rể gia trưởng. Mẹ chị nghe tâm sự thì ngậm ngùi khuyên: “Phải coi việc nhà chồng cũng là việc nhà mình con ạ”.

 

Trong khi tết về quê chồng thì năm nào cũng như năm nào, cứ cắm mặt vào cái bếp, rồi nhớ thương mẹ ở nhà lúc nào cũng lủi thủi, làm một mình, ăn cũng một mình.

 

Có dạo con nhỏ quá, anh chị xin bố mẹ là giáp tết xe cộ về quê đông, nhà vướng hai đứa trẻ vật vạ chờ xe khách cũng hết hơi, gọi taxi thì khó, để sáng mùng một thong thả cả nhà đặt trước xe rồi về. Vậy mà, ông bà tức giận hằm hằm phản đối. Cả nhà chị tha nhau về quê mà lếch nhếch như dân tị nạn.

 

Ngày ở trọ đã đành, đến khi vợ chồng chị đã tích cóp dựng được cái nhà, ông bà cũng không đồng ý cho ở lại đón tết. Dù ở đây cũng khối việc cần làm như thu dọn, mua sắm, cúng nhà, đón khách năm mới... Anh có ý kiến là nhà mới năm đầu tiên ở lại thắp hương cho ấm, còn mời các cụ về, rồi thăm nom hàng xóm láng giềng, sáng mùng một sẽ về, song cả đến năm thứ hai, thứ ba ông vẫn nói với chồng chị là “Tết phải về quê từ sớm còn chuẩn bị, túp lều nhà mày các cụ có ai thèm đến mà phải thắp hương. Về đi không họ hàng người ta cuốc mặt lên cho”.

 

Sau đó thì mẹ chồng lại gọi cho chị: “Thấy bố nó bảo mùng một mới về à?” chị còn chưa kịp trả lời bà đã nói ngay: “Thế thì thôi, không phải về nữa nhé!”. Lòng chị buồn rười rượi, tin chắc năm nay sẽ lại như mọi năm.

 

Bố mẹ chồng chị cứ so với chị gái chồng là vợ chồng anh chị cũng toàn về trước tết rồi hết tết mới đi. Căn bản vì chị ấy lấy chồng cùng làng, mua được nhà ở thành phố, vào ngày tết thì thường nhờ em rể anh nhà gần đó chạy sang, thịt gà rồi thắp hương cúng tất niên hộ. Nhà chị lấy ai mà nhờ.

 

Hàng xóm tết nhất ai cũng bận, quanh năm đã muối mặt nhờ vả rồi. Nhớ lại chị cũng chạnh lòng, sống ở đây, quê xa thì phải “mua láng giềng gần”. Khốn nỗi đã giúp được gì nhiều cho họ đâu, trong khi cứ có việc lại gọi hàng xóm, từ chuyện chồng chị bị tai nạn đến việc con bé con nghỉ học chẳng biết gửi ai, ngay cả khi ống nước bị tắc cũng phải mấy người húm vào mới xong. Giờ được ngày tết, cần đi giao lưu, cảm ơn hàng xóm thì chẳng thấy mặt, hết tết mới mò lên, rồi suốt năm lại tiếp tục nhờ vả người ta, sượng mặt. 

 

“Tết là dịp quan trọng nhất cho làng xóm người ta nhìn vào biết nhà này biết dạy con”, chị nghe thấy to tát quá, thành ra cứ phải miễn cưỡng về nhà chồng ăn tết trong tâm trạng ngổn ngang. Chị nghĩ, bố mẹ chồng đã quá câu nệ việc tết là để tụ họp, quá coi trọng xem dân làng nghĩ gì. Giá ông bà hiểu cho, con mình đã lớn, đã có gia đình riêng, cuộc sống riêng. Chúng cũng có biết bao mối quan hệ cần sự chăm chút, lo toan, nên để các con tự chủ và tự quyết, đừng quá độc đoán khiến cho việc về tết mất đi phần ý nghĩa.

 

TSL