Tan tành giấc mơ xuất ngoại

Mới đây, TAND TP Đà Nẵng đã xử một vụ đơn phương xin ly hôn mà tại phiên tòa, không ít người đã phải cười ra nước mắt vì sự cả tin, xuất phát từ sự hám danh rất ngây ngô của một cô gái trẻ.

 
“Lấy chồng Tây để thành…. gái Tây”


“Lấy chồng Tây để thành…. gái Tây”

 

Theo đơn xin ly hôn của cô TTH (SN 1989), tháng 11-2011, cô và ông E. (quốc tịch Canada) đăng ký kết hôn rồi về chung sống với nhau mà không tổ chức tiệc tùng gì cả vì ông E. bảo: “Qua bển, anh sẽ làm thật hoành tráng cho em”. Sáu tuần sau, ông E. về nước, lấy lý do là chuẩn bị làm “đám cưới hoành tráng” rồi sẽ quay lại rước cô H. qua. Nhưng từ đó ông E. bặt vô âm tín. Nửa năm sau vẫn không thể liên lạc được, gửi thư từ tới địa chỉ của ông E. ghi trong giấy đăng ký kết hôn cũng không có hồi âm, cô H. đành đơn phương xin ly hôn để mong tìm được hạnh phúc mới với tuổi xuân của mình.

 

Tại phiên xử, khi vị thẩm phán hỏi: “Tại sao chỉ mới kết hôn một năm cô đã ly hôn?”, cô H. trình bày: “Vì bây giờ tôi không biết chồng tôi ở đâu nên phải ly hôn”. Vị thẩm phán hỏi tiếp: “Hai người quen nhau như thế nào?”. Cô H. cho hay: “Chúng tôi quen qua mạng, yêu qua mạng, hai ngày trước ngày đăng ký kết hôn chúng tôi có hẹn gặp nhau”. Rồi cô thản nhiên nói tiếp: “Tôi cứ ngỡ cưới chồng Tây thì mình cũng trở thành… gái Tây, tình yêu trên mạng như vậy cũng… lãng mạn nên mới đồng ý kết hôn”!

 

Mòn mỏi chờ chồng

 

Vụ khác, cô NTD (SN 1990) từ TP Huế vào TP Đà Nẵng tìm việc, tình cờ gặp ông S. (Việt kiều Mỹ) trong một lần đi dạo cầu Sông Hàn. Sau gần một tháng làm quen, tìm hiểu, ông S. ngỏ lời muốn cưới cô D. về làm vợ với lời thề non hẹn biển rằng “sau khi cưới, anh sẽ đưa em qua Mỹ sinh sống”.

 

Tháng 4-2010, cô D. đăng ký kết hôn với ông S. tại quận Hải Châu (TP Đà Nẵng). Nghe chồng nói: “Chỉ cần kết hôn rồi về ở với nhau, không cần cưới hỏi rườm rà gì hết, thế mới là phong cách hiện đại”, cô gái xứ cố đô này cũng răm rắp tin theo, học sống theo “phong cách Tây”, bỏ qua mọi lễ nghĩa truyền thống dù gia đình cô phản đối kịch liệt.

 

Thế rồi cả hai thuê một phòng trọ tại Đà Nẵng sinh sống. 15 ngày sau, ông S. về nước, để lại lời dặn dò: “Em đừng đi đâu, chờ anh về đón qua Mỹ sinh sống”. Nhưng từ đó cô D. không tài nào liên lạc được với chồng. Một tháng, hai tháng… rồi hai năm, ông S. vẫn bóng chim tăm cá. Cuối cùng cô đành đệ đơn ra tòa xin ly hôn vì không biết ông S. đang làm gì, ở đâu.

 

Tại phiên sơ thẩm gần đây của TAND TP Đà Nẵng, cô D. rầu rĩ: “Chỉ vì em nhẹ dạ, những mong lấy chồng Việt kiều để cha mẹ nở mày nở mặt. Cứ ngỡ chừng đó sẽ giúp em thoát khỏi cảnh ăn bữa sớm lo cơm bữa chiều, nào ngờ…”.

 

Cùng cảnh ngộ, cô LTT (ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cũng vì tin ông K. (Việt kiều Úc) nói rằng sau khi cưới sẽ đưa mình qua Úc sinh sống nên chấp nhận kết hôn dù chỉ mới quen vẻn vẹn năm tuần, gặp nhau chưa đầy chục lần, chưa kể bị gia đình cấm cản. Sau chuyến trăng mật, ông K. bỏ về nước với lý do để thu xếp công việc làm ăn cho ổn thỏa trước khi đón cô T. qua. Nhưng rồi ông cũng biệt tăm biệt tích.

 

Khốn khổ hơn, trước khi ông K. về nước, cô T. đã bán hết toàn bộ số vàng cha mẹ cho làm của hồi môn đưa cho chồng để chuẩn bị chuyến đi dài ngày.

 

Lời hứa gió bay…

 

Từ tháng 10-2011 đến 30-9-2012, TAND TP Đà Nẵng đã thụ lý 51 vụ xin ly hôn chồng ngoại (hơn một nửa mang quốc tịch Mỹ), giải quyết được 49 vụ. Trong số đó, chỉ có hai vụ là người chồng có mặt tham gia phiên xử, còn lại tòa đều phải xử vắng mặt vì không liên lạc được với người chồng. Theo thống kê, các cô gái đơn phương xin ly hôn chồng ngoại có tuổi đời từ 21 đến 27 tuổi, thời gian kết hôn kéo dài chỉ vài tháng, dài nhất là hai năm.

 

Theo Dương Thành - Trung Hiếu

Pháp luật TPHCM