Tái sinh năng lượng

Bảy năm rồi tôi mới gặp lại chị Minh Xuân, đồng nghiệp cũ. Nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, chị “hút” tôi bằng những câu chuyện tếu táo và món nước sơ ri nấu thơm ngọt ngào, mát lạnh.

 
Tái sinh năng lượng


Tôi chưa kịp bất ngờ vì biết trái cây do chị tự nấu lấy, đã được chị mời bữa trưa bánh hỏi lòng heo cùng chồng và hai con của chị. Suốt bữa ăn, hai anh chị vừa gắp cho nhau, vừa mời khách, vừa pha trò cho các con cùng tham gia câu chuyện một cách vui vẻ, tự nhiên. Nhìn cách anh chị chăm sóc nhau, trao nhau những tia nhìn tình tứ và ấm áp suốt buổi, ít ai nghĩ rằng họ đã có 21 năm chồng vợ. Ăn xong, tôi và chị được anh mời lên phòng khách, để anh và hai cậu con trai dọn dẹp chén bát dưới nhà… Hóa ra, bao năm qua anh chị không hề có người giúp việc, vậy mà nhà cửa vẫn sạch sẽ, tinh tươm. Hai đứa con ngoan, học giỏi và anh chị vẫn chu toàn được công việc ngoài xã hội của mình… “Điểm” lại khối lượng công việc mà chị gánh từng ngày, tôi ngỡ ngàng hỏi: “Năng lượng ở đâu ra mà chị thu xếp được tất cả mọi thứ vậy?”.

 

Chị kể: “Sáng chị dậy lúc 3g, soạn bài, xem báo, chuẩn bị tài liệu cho ngày làm việc mới. 5g30, chị xuống bếp bắc cơm, chuẩn bị thức ăn sáng cho cả nhà. Hôm chị nấu hủ tíu, bữa cơm chiên, khi bò bít tết… Xong đâu đấy, chị bấm chuông, réo anh và các con cùng thức dậy. 6g15, ba cha con lục tục tới trường. Hôm nào phải họp sớm, anh thay luôn áo quần tề chỉnh để đi làm”. Chị  mỉm cười bật mí: “Hôm nào chồng rề rà là chị biết anh sẽ dành cho mình phút riêng tư nồng cháy”.

 

Một ngày của chị Xuân luôn bắt đầu như thế. Anh Quang - chồng chị, cũng đã quen với nếp sinh hoạt “dị hình” của vợ nên chẳng chút càm ràm. Tật chị Xuân là vậy, người ta chuẩn bị thức đêm mới pha cà phê uống thì chị tìm cà phê uống để ngủ cho ngon giấc. Nếu người ta thức khuya đợi trăng lên uống trà, thì chị ra ban công xem trăng lặn lúc 3g sáng với ly nước mát trên tay. 21g là chị đã inh ỏi réo chồng con đi ngủ. Hình như chỉ khi nào bắt được hết ba cha con nằm xếp lớp, chị mới “yên tâm” ngủ ngon. Chị lại kể: “Nhắc chuyện ngủ mới nhớ, vì con, đêm nào anh ấy cũng vờ ngoan ngoãn “xếp lớp cá mòi”, nhưng thấy mấy mẹ con chị bắt đầu nhẹ hơi thở là anh lôi tài liệu, bật đèn lên làm việc. Có khi chị giật mình thức giấc, thấy anh còn làm việc, càm ràm vài tiếng rồi lăn ra ngủ tiếp. Chẳng biết đồng hồ báo thức kêu lúc nào, đúng 3g là chị trở dậy. Có khi đó là lúc anh đọc báo mạng vừa xong"...

 

Khi đến nơi làm, cả anh chị đều toàn tâm toàn ý cho công việc. Họ là những người trách nhiệm. Trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với công việc và hơn hết, là trách nhiệm với bản thân. Ít ai biết ngoài những tấm giấy khen chiến sĩ thi đua, anh chị còn có thể nhảy dây hay chạy bộ đến hàng nghìn cái mỗi ngày. Chị nói: “Em hỏi chị năng lượng ở đâu ra hả? Ừ, cũng có lúc chị nghĩ, không biết ở đâu mà mình nhiều năng lượng thế. Ngày nào không phải họp sớm, nằm quấn chăn một chút, liếc nhìn cái tủ buýp phê hơi bám bụi, chị đã có cảm giác không yên, dậy lau chùi ngay cho bóng sạch. Lên sân thượng để phơi áo quần do chồng cho vào máy giặt đêm hôm trước, trong tay chị lúc nào cũng có chiếc giẻ ướt để lau tay vịn cầu thang. Bận xuống, nếu không ôm núi áo quần, thể nào chị cũng giặt giẻ, rồi lau luôn cái cầu thang cho chồng con đi cho mát chân. Hai thằng con thương mẹ, cũng bắt chước mẹ, leo lên sân thượng đánh bóng bàn, chạy bộ trên máy, khi xuống là ôm giúp quần áo khô cho mẹ ủi. Anh biết hai ngày cuối tuần chị họp ra trễ, bao giờ cũng nhắn tin hỏi xem chị có cần bắc cơm hay mua rau gì thêm không. Cái gì tiện thì cả nhà cùng làm, chẳng ai nề hà, chờ đợi người khác cả”.

 

Không có thói quen “để việc” và hẹn hôm sau, là quy tắc chung của chị Xuân và anh Quang. Vì vậy, dường như việc nhà chưa bao giờ ùn ứ. Ngày ngày, họ vẫn vui đùa bên mâm cơm buổi sáng, cùng chơi, cùng học với nhau mỗi tối. Giờ chơi của họ là khi con học bài, chồng lấy kiếng nhổ râu, vợ ủi quần áo. Chị học rất nhiều câu vè, câu hát tuổi teen để mà í ới với con kiểu như “Cây đến mùa đơm hoa kết trái, đẹp cỡ nào… mắc đái cũng phải đi!”. Chị nói, phải làm con cười, chúng mới thoải mái kể cho cha mẹ nghe những chuyện còn “động trời” như con đã xuất tinh chưa, có thương thầm nhớ trộm ai không. Ở lớp học có ghét môn nào, dị ứng thầy cô nào? Có những trò nghịch phá hay ứng xử nào chưa đúng… Những câu hỏi khó của các bậc cha mẹ có con tuổi dậy thì, anh chị đều hỏi các con một cách dễ dàng như vậy. Anh chị ngầm biến những buổi lẽ ra có tên gọi là “họp gia đình” thành những giờ thư giãn…

 

Nghe chuyện chị, tôi buột miệng: “Vậy là năng lượng từ chị lan tỏa cho cả nhà”. Chị lắc đầu: “Theo chị, năng lượng cả nhà lan tỏa cho nhau thì đúng hơn. Hôm nào, cứ 18g, kéo hết cửa rào, cửa cuốn, dẹp được phòng khách, phòng ăn, đẩy hết ba cha con lên lầu 1 là chị thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó, chị như có thêm thật nhiều sinh lực nữa để bắt đầu một buổi vui. Năng lượng phải được tái sinh, chứ mỗi một mình mình tỏa ra năng lượng cho cả nhà dùng, làm sao đủ sức? Vả lại, muốn có năng lượng để tái sinh, mình phải chăm chỉ hơn… mình một chút. Năng lượng không tái sinh được khi mình lười biếng”.

 

Theo PNO