Sao anh không hạnh phúc!

(Dân trí) - Nó vốn con nhà nghèo, bố bị bệnh, nên lúc nào cũng trong tình trạng thiếu đói. Nó theo học trung cấp Dược ở gần nhà để đỡ phần nào tiền của bố mẹ, vả lại nó cũng có mục đích là muốn chữa bệnh cho bố.

  
Sao anh không hạnh phúc!


Nó vừa học vừa xin thực tập, làm không lương cho ông Dược sỹ vẫn bán thuốc cho bố. Sau khi tốt nghiệp ông nhận nó làm nhân viên cứng hỗ trợ ông bán hàng trong cửa hiệu thuốc to đối diện cổng bệnh viện.

 

So về kinh tế, học thức lẫn công việc nó đều thua xa anh, chưa kể người bố nó vẫn mang đầy bệnh tật. Một gia đình “nặng nợ” như vậy ai muốn đẩy con mình vào, thế là mẹ anh gần xa đánh tiếng chê trách gia cảnh nhà nó.

 

Anh cứ dùng dằng thiếu quyết đoán, nó đành tự quyết bằng cách dùng số tiền tích cóp được để thi và nhập khóa học chuyên tu, hoàn thiện bằng cấp mong có được công việc ổn định hơn. Nó đi học xa nhà, tháng mới về được một đôi lần, tình cảm xa cách dần, nó buồn vô cùng mà vẫn phải cố nén vào trong lòng. Mối tình đầu đã để lại trong nó nhiều mặc cảm.

 

Ít lâu sau nhờ được giới thiệu mà anh quen vợ hiện tại, chỉ vài ba tháng sau lần gặp đầu tiên thì họ vội vàng làm đám cưới. Ngày trọng đại anh không mời nó, mà chỉ bố mẹ anh mời cả nhà nó. Đã thành hai người dưng, nó vẫn mừng cho anh chọn được người anh cần, người mà chắc hẳn một điều về kinh tế anh không phải lo lắng gì hết.

 

Anh cưới được hơn năm thì nó cũng vui vẻ lên xe hoa về nhà chồng, với một người biết đồng cảm, tình yêu đó đến từ sự thông cảm và thấu hiểu cũng nhờ những sẻ chia chân thành. Bởi khi đi học xa nhà, thầy giáo hướng dẫn nó, loanh quanh thế nào lại chính là con trai ông Dược sỹ trước nó từng giúp việc.

 

Bố mẹ nó rất vui với hạnh phúc của con nên tâm lý lúc nào cũng thoải mái, bệnh tình thuyên giảm dần. Giờ đây nó chẳng dám mơ ước gì thêm, chỉ có đôi khi nó ngoảnh sang nhìn về anh.

 

Cũng vì hay nghe mọi người kể đến tai, vợ chồng anh ăn chung với bố mẹ chồng và chỉ đưa vừa đúng số tiền mà họ nếu đi chợ cũng đã hết ngần ấy. Ngoài ra không có bất cứ khoản gì khác, tết nhất đi mua thêm đồ cúng và mừng tuổi bố mẹ chồng, vậy là xong trách nhiệm.

 

Thấy bảo hôm ông bà đi vắng, mình vợ anh ở nhà, có người đến thu tiền điện chị ấy cũng phải để hóa đơn ngay gần ti vi chỗ mà ai cũng có thể thấy, và sau thì thẳng thắn đòi lại mẹ chồng số tiền ấy.

 

Vợ anh đi làm suốt ngày, nghe đâu nhờ may mắn nên công việc cũng nhàn, lương cao lại lắm khoản “dưới ngăn bàn” gấp vài lần lương, từ đó chị mắc bệnh mê tiền quá độ. Ban đầu thì cứ tiếc nếu nghỉ đẻ thì khoản hoa hồng sẽ trôi tuột mất nên khất lần, đến khi thấy thiếu tiếng khóc cười của trẻ thì cố đi tìm mà cứ hoài công, trong thời gian đó mâu thuẫn các kiểu xảy ra. 

 

Một lần vô tình gặp, nó thấy mắt mẹ anh đỏ, nhìn thằng bé con nó dắt theo bà lại bặm môi cố giữ nước mắt, gắng hỏi chuyện qua loa rồi rảo bước nhanh đi, nó cảm nhận một nỗi buồn vô hạn trong đôi mắt bà. Mẹ anh vốn quen nhẫn nhịn nên không hay kể lể gì, chỉ thi thoảng buồn bã tâm sự với cô em ruột để tìm lời chia sẻ.

 

Hôm gặp dì anh, bà chỉ khẽ nói, hiếm muộn là do cô vợ, suốt ngày tham công tiếc việc, nghe nó khoe suốt một năm qua không nghỉ phép, không nghỉ việc riêng ngày nào mà dì cũng đắng lòng thay cho bà chị. Bảo đi bệnh viện con bé chỉ loanh quanh khám qua quýt ở mấy phòng khám gần nhà vào cuối tuần. Mãi sau mới phát hiện buồng trứng của vợ kém phát triển. Khi mẹ anh ngỏ ý hay nhận đứa con nuôi thì nó quắc mắt kịch liệt phản đối. Giờ thì chúng ăn riêng, vì thấy mình ở thế yếu nên con bé lúc nào cũng bo bo tích cóp giữ riêng thân mình, cho đến một ngày không thể chung sống. Trên danh nghĩa vẫn là vợ chồng nhưng dường như họ đã ly thân, sau khi anh nhận quyết định công tác dài hạn trong Vũng Tàu, còn vợ vẫn bám trụ lại nơi có thu nhập hậu hĩnh.

 

Nó nghe mà cám cảnh, chạnh lòng và cứ đau đáu tự hỏi, sao anh không hạnh phúc!

 

TSL