Sai lầm của mẹ chồng

“Nó không xứng với con trai mình” - Đã xảy ra nhiều trường hợp mẹ chồng không thích con dâu tương lai, nhưng con trai vẫn kiên quyết kết hôn. Đành đồng ý, nhưng sau đám cưới bà luôn tìm cách chứng minh cho con trai mình thấy là cô dâu thực sự không xứng đáng.

Lúc nào bà cũng để ý đến cô, soi mói từng cử chỉ, lời nói để rồi phán xét, lên án theo quan điểm của mình. Tất cả bà đều “báo cáo” lại với con trai. Nếu là người có chính kiến, con trai sẽ bỏ ngoài tai hết, còn nếu là người không tin vợ và không tin vào quyết định của mình thì hạnh phúc gia đình con trai sẽ dần rạn nứt và đổ vỡ. 

Lời khuyên: Người mẹ chồng khéo léo ngay từ đầu biết thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với con dâu. Cả hai đều phải thường xuyên tự nhủ phải đối xử tốt với người kia để giữ gìn hạnh phúc gia đình. 

“Mình sẽ thay mẹ bọn trẻ!”

 

Khi có cháu, bà hầu như không muốn xa rời đứa cháu yêu nửa bước. Nhiều khi bà đón hẳn cháu về ở nhà mình. Bà muốn các cháu coi bà như mẹ và mẹ chúng hầu như chẳng có vai trò gì cả.

 

Lời khuyên: Nhiều bà nội đã sai lầm khi can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con trai, con dâu, đặc biệt là trong cách nuôi dạy giáo dục con cháu. Bà nội cần xác định rõ ràng rằng bà không bao giờ có thể thay thế một người mẹ. Bắt các cháu gắn bó với mình như mẹ là không tự nhiên và không cần thiết.

 

“Nó lấy mất con trai của mình!”

 

Những bà mẹ chồng bất hạnh trong cuộc sống gia đình thường hay ghen tỵ với con dâu hơn. Tất cả tình yêu bà dành cho con trai và bà tin chắc rằng tự con dâu không thể đảm bảo đủ cho con trai bà cuộc sống hạnh phúc được. Chỉ có bà mới hiểu tính nết, thói quen, sở thích của con trai

 

Lời khuyên: Để hôn nhân được bền vững, người chồng cần biết bảo vệ vợ mình. Nếu người chồng tạo được khoảng cách cần thiết giữa vợ và mẹ, hạnh phúc sẽ được bảo đảm.

 

“Con mình tồi tệ hơn sau khi lấy vợ!”

 

Nhiều bà mẹ muốn con trai lúc nào cũng phải coi bà là số một, con phải luôn chứng minh mình yêu mẹ nhất trên đời. Bà tìm mọi cách buộc để buộc con phải quan tâm, phải chịu ảnh hưởng của mình.

 

Bà hay ốm đau để đòi con phải chăm sóc, đưa đi khám, kêu chán ăn để con phải mua món nọ món kia… Thay vì buổi tối quây quần bên vợ con, con trai bà phải đưa mẹ đi đâu đó. Con dâu không thể hiểu hết căn bệnh sâu xa của kiểu tình cảm này và cho đó là cách diễn kịch của mẹ chồng.

 

Lời khuyên: Người con không nên chỉ chú trọng đáp ứng các yêu cầu của mẹ. Anh ta còn nghĩa vụ người cha, người chồng trong gia đình. Phải biết cách cân bằng giữa các nghĩa vụ đó.

 

“Nó như con gái mình!”

 

Có một số bà mẹ chồng nghĩ mình không có con gái và bây giờ con dâu sẽ như con gái mình. Hai mẹ con quan hệ rất thân mật, cởi mở. Nhưng rồi đến lúc nào đó “con gái” than thở với mẹ chồng về chồng mình như với mẹ đẻ vậy. Mẹ chồng ban đầu có vẻ như đồng tình, nhưng dần dần sẽ tức giận. Bà giáo dục con tuyệt vời lắm kia mà, sao con dâu dám chê trách? Thế rồi, bà tìm cách chứng minh với mọi người và với con trai rằng con dâu cũng chẳng ra gì.

 

Lời khuyên: Con dâu không bao giờ nên than vãn với mẹ chồng (và với mọi người khác) về chồng mình và mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Mọi chuyện giữa hai người chỉ nên giải quyết riêng trong phạm vi hai người thôi, nếu bí quá thì có thể đến các chuyên gia tư vấn.

 

Quá nghiêm khắc

 

Các bà mẹ chồng thường đặc biệt tức tối khi con trai không giới thiệu con dâu tương lai trước, không hỏi ý kiến mẹ mà tự ý kết hôn. Trong trường hợp này mẹ chồng hay kết tội con dâu và luôn nhìn nhận con dâu bằng cách nhìn thiếu công bằng.

 

Lời khuyên: Các bà mẹ cần phân tích để con hiểu rằng cha mẹ rất mong muốn được làm quen với con dâu tương lai. Nếu vì lý do nào đó, con trai không hỏi ý kiến thì mẹ chồng cũng đừng vì thế mà quá khắt khe với con dâu. Suy cho cùng, đó là cuộc sống của con trai mình mà. Nó có quyền tự do lựa chọn mọi việc cho cuộc đời nó.

 

Theo Phụ Nữ Việt Nam