Quỹ “đen”, quỹ riêng và sứt mẻ tình cảm gia đình

Có một thực trạng gây nên không ít những bi kịch trong nhiều gia đình hiện nay đó là việc lập quỹ “đen”. Câu chuyện cố thủ tài chính bằng việc lập quỹ “đen” trước đây dường như chỉ là câu chuyện của chị em thì giờ đây các ông chồng cũng có quỹ “đen”, quỹ riêng cho mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi quỹ “đen” không là chuyện độc quyền của các bà vợ

Các bà vợ có quỹ “đen” từ lâu đã trở thành câu chuyện không còn mấy xa lạ ở mọi gia đình. Việc người phụ nữ luôn bị đặt trong thế yếu, tìm cách thủ quỹ “đen” để phòng thân thì cũng dễ hiểu về mặt lôgic tâm lý. Vì thế, họ cũng dễ được các ông chồng thông cảm, nếu đó là các “bậc trượng phu”. Tuy nhiên, thực tế câu chuyện các bà vợ có quỹ “đen” cũng gây nên không ít bi kịch gia đình.

Đa số việc các bà vợ lập quỹ “đen” là với mục đích phòng thân như khi con ốm đau, khi gia đình có việc hệ trọng nhưng chồng không đủ khả năng tài chính hoặc là phòng khi chồng ngoại tình, theo bồ bịch, ly hôn. Mặc dù xuất phát từ mục đích đúng đắn là để phòng xa những bất trắc trong cuộc sống và tình cảm vợ chồng. Vì thế câu chuyện các bà vợ có quỹ “đen” cũng gây nên không ít bi kịch trong gia đình. Có người vợ đã dùng quỹ “đen” để chơi hụi rồi bị bể hụi, đến khi chuyện vỡ lở thì vợ chồng lời qua tiếng lại mặn nhạt đủ đường. Đã từng có người chồng nhất quyết ly hôn chỉ bởi lý do vợ có 20 triệu quỹ “đen”.

Vấn đề là câu chuyện quỹ “đen” tưởng chỉ có ở phụ nữ thì bây giờ không ít ông chồng cũng tìm cách thủ quỹ riêng cho mình. Khác với các bà vợ phải lén lút giấu quỹ “đen”, các ông chồng lại công khai có quỹ riêng của mình. Anh Bình ở Kim Giang, Hà Nội là một trường hợp như vậy. Là chủ một cơ sở sản xuất khung nhôm kính, anh Bình có tiếng là kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, theo như vợ anh kể thì vợ con anh không được nhờ gì từ anh. Mỗi tháng anh Bình đưa cho vợ 10 triệu, đủ để vợ anh chi trả tiền học của hai con đang theo học một trường tư thục tại Hà Nội. Còn lại việc ăn uống, chi tiêu của cả nhà, tiền thuốc men ốm đau, quần áo, du lịch, hiếu hỉ... anh Bình dường như không hề biết và không quan tâm. Anh thấy rằng, mỗi tháng mình “góp” cho vợ 10 triệu là coi như hoàn thành xuất sắc trách nhiệm làm chồng, làm cha. Còn lại anh kiếm được bao nhiêu tiền, vợ anh Bình không hề biết. Việc anh sử dụng tiền như thế nào, anh cũng không bao giờ hỏi ý kiến của vợ.

Chính vì thấy chồng thủ quỹ riêng, không quản lý được tài chính gia đình nên chị Hoa lúc nào cũng thấy mình như là ô sin trong nhà. Việc anh Bình cố thủ về tài chính cũng là lý do khiến cho đời sống tình cảm vợ chồng của họ trở nên xa cách, nhạt nhẽo. Họ sống gần như ly thân, ai lo phận người nấy. Chị Hoa thấy mình chỉ có nghĩa vụ chăm sóc lo lắng cho các con, còn anh Bình sống thế nào dường như chị không quan tâm. Khi không nhận được sự ấm áp từ vợ, vốn tính gia trưởng nên anh Bình cũng không chịu lùi bước. Anh cũng tỏ ra coi thường vợ trong mọi lời ăn tiếng nói cũng như ứng xử trước mọi người.

Tình cảm vợ chồng sứt mẻ vì mất niềm tin về nhau

Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, Công ty tư vấn An Việt Sơn (Hà Nội), không biết từ bao giờ danh từ quỹ “đen”, quỹ riêng xuất hiện. Chưa biết cái quỹ đó giúp ích được gì cho vợ hay cho chồng nhưng có một điều chắc chắn là kể từ ngày các cặp vợ chồng thi nhau có quỹ “đen” thì những rạn nứt tình cảm cũng từ đó nảy sinh. Các ông chồng bắt đầu cố thủ tài chính. Họ không mang hết tiền về cho vợ mà chỉ “góp” một ít để nuôi con và chi tiêu cho gia đình. Việc người vợ nắm “tay hòm chìa khóa” cho gia đình vì thế giờ đây trở thành câu chuyện dĩ vãng đã lùi xa. Hầu hết các ông chồng hiện nay không giao cho vợ quyền tay hòm chìa khóa.

Câu chuyện tiền anh, tiền tôi vì thế trở thành câu chuyện thường nhật ở các gia đình hiện nay. Vợ chồng luôn mâu thuẫn, cãi vã liên quan đến chuyện tiền bạc. Vợ chồng sống phòng thủ, mất niềm tin về nhau. Người chồng không còn quyền uy như trước, như khi mà họ giao hết tiền cho người vợ giữ tay hòm chìa khóa.

Khi người chồng cố thủ về tài chính, thậm chí đôi khi còn không thực hiện đủ trách nhiệm nuôi sống gia đình thì thái độ, cách ứng xử của người vợ cũng thay đổi. Các bà vợ không muốn hết lòng hết dạ với chồng. Họ cũng không còn muốn hy sinh hết cho gia đình. Họ kêu gọi nhau “yêu bản thân”, “thương bản thân” khi nhận thấy mình đang hy sinh cho những điều không xứng đáng.

Các bà vợ cũng không còn coi chồng là tất cả cuộc đời mình, không phải là một thứ giá trị thuộc về số phận mình. Chưa bao giờ chị em từ người chưa lập gia đình đến có gia đình lại khát khao kiếm tiền, khát khao đời sống tự do về tài chính như bây giờ. Bởi họ hiểu, nếu không có tự do về tài chính thì họ sẽ phải làm ô sin không công cho chồng mà không biết tương lai gia đình đi về đâu.

Câu chuyện tiền anh, tiền tôi lại âm ỉ trong mỗi gia đình, trở thành cái hố sâu thăm thẳm ngăn cách tình cảm của hai vợ chồng. Người vợ không còn tôn trọng chồng như xưa

Trước đây trong gia đình, người bố thường đứng ở vị trí cao nhất. Nhưng giờ đây vị trí độc tôn đó đã và đang bị lung lay. Tiếng nói của người chồng, người cha trong gia đình đang dần trở thành không còn quan trọng. Nhiều ông chồng khi trở về nhà, họ thấy mình trở nên thừa thãi, thấy mình không được chào đón, không được nghe lời.

Còn theo nhà văn trẻ Hàn Băng Vũ, việc người vợ có quỹ “đen” mặc dù dễ thông cảm hơn nhưng trên thực tế cũng gây nên không ít sự bức xúc của các ông chồng. Trong một group lớn của đàn ông, không ít ông chồng kể khổ vì tiền mình làm ra mà không được tiêu, tiền của chính mình mà mình phải ăn cắp rồi giấu giếm như kẻ trộm. Các anh đàn ông thi nhau mách chỗ giấu tiền bá đạo, từ trong toilet đến mái nhà, từ trong quần lót cho đến trong bao thuốc lá. Không có chỗ nào có thể là không được dùng để giấu tiền, vì dù có cất ở đâu thì cũng bị lục lấy mất mà không bao giờ dám đòi lại, dẫu số tiền ấy là tiền hợp pháp từ mồ hôi của mình.

“Trong khi đó thì các chị em cũng nô nức mách nhau lập quỹ đen để phòng thân. Tất cả những điều ấy khiến tôi tự hỏi rằng, hôn nhân liệu có phải thứ gì bất an đến thế? Liệu khi đã ngủ cùng giường, ăn cùng mâm mà người ta vẫn thiếu tin tưởng lẫn nhau, mất lòng tin vào tương lai như vậy?”, nhà văn trẻ Hàn Băng Vũ nói.

Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội