“Quan toà” mẹ chồng

(Dân trí) - “Sao anh lại đánh vợ?”, mẹ chồng tôi nghiêm mặt nhìn con trai hỏi. “Nó chửi con”, chồng tôi vùng vằng nói. Bà quay sang tôi, lúc đó đầu tóc vẫn còn rũ rượi sau trận đấu với chồng: “Sao chị lại chửi chồng?”. Tôi thút thít: “Anh ấy bảo con là đồ ngu trước”.

“Quan toà” mẹ chồng - 1

Hạnh phúc vợ chồng không thể thiếu vai trò của mẹ chồng
“Sao anh lại bảo vợ anh ngu? Ngu mà lại lấy anh làm chồng à? Biết ngu mà anh còn cưới chị ấy làm vợ hả?”, mẹ chồng tôi tiếp tục. Chồng tôi nổi xung: “Mẹ chỉ lắm chuyện” rồi anh đệm một câu hơi bậy. Chồng tôi vẫn thế, khi điên lên thì một là văng tục, hai là đánh vợ. Có khi, kết hợp “2 trong 1”, vừa đánh vừa chửi.

 

Mẹ chồng tôi chưa chịu dừng lại: “Anh đánh vợ là muốn vợ anh ngoan hơn. Khi ngoan hơn, biết đâu chị ấy theo thằng khác. Vậy công dạy dỗ của anh chẳng là vô ích?”. Chồng tôi càu nhàu trước lời tếu hài hước của bà. Anh xăm xăm bước ra khỏi nhà, lao ra ngoài ngõ, châm điếu thuốc hút. Còn lại tôi với mẹ chồng trong căn nhà riêng của hai vợ chồng. Chúng tôi mới kết hôn được 2 tháng, sống riêng. Hôm nay, mẹ chồng, tranh thủ đi chợ thì tạt qua chơi và chứng kiến cảnh, tôi bị chồng túm tóc trong lúc đang cố sức lao vào con người ấy để cắn, để cấu.

 

Mẹ chồng hỏi giữa chúng tôi xảy ra chuyện gì. Tôi kể, hôm qua, hai vợ chồng đi mua bánh kẹo, mứt Tết để biếu hai bên nội, ngoại. Lúc về, tôi ngồi phân bánh kẹo ra từng túi riêng, khi tiện thì mang biếu. Chồng tôi dặn, phải cất bánh kẹo vào trong tủ kính, đậy cửa kính thật cẩn thận. Vì nhà có chuột, có hôm, hai vợ chồng phát hiện mấy gói bột ngũ cốc và gói mỳ tôm để dưới ngăn bàn uống nước bị chuột ngặm nham nhở. Mẹ đẻ tôi đã mua cho cái bẫy chuột ở hàng rong, giá 20 nghìn nhưng bẫy mãi mới được một con chuột nhắt. Lần khác, tôi lấy trứng gà trong chạn định làm món ốp la nhưng cầm lên thì quả trứng nhẹ bỗng. Quan sát thấy có cái lỗ nhỏ bằng ngón tay út ở đầu quả trứng, mới hay, trứng đã bị chuột khoét ruột từ khi nào. Sau lần ấy, mọi thứ đồ ăn trong nhà đều được bảo quản để phòng chuột.

 

Chồng tôi đi ngủ trước, vẫn không quên nhắc vợ cất bánh, kẹo. Tôi mê mải với bộ phim “Tối nay ăn gì?”. Lúc hết phim thì buồn ngủ rũ, quên béng chuyện cất đồ. Sáng dậy, chồng tôi thấy bánh kẹo vẫn ở nguyên chỗ cũ. Kiểm tra thì một túi bánh đã bị chuột gặm góc. Một túi khác cũng trong trường hợp tương tự. Anh chửi tôi “ngu”, còn chì chiết nặng lời. Tôi cũng ngoa ngoắt vặc lại chồng. Rồi vợ chồng chuyển từ võ mồm sang võ chân tay.

 

“Chị có định bỏ chồng không?”, mẹ chồng nhìn tôi, hỏi. Tôi giãy nảy: “Kìa, mẹ. Anh ấy nóng tính nhưng tốt bụng, hết lòng chiều con. Mẹ cũng biết còn gì?”. “Nếu chị không muốn ly hôn thì hãy tâm niệm một điều, không bao giờ được để chồng đánh nữa”, mẹ chồng tôi chia sẻ.

 

Sau đó, mẹ chồng tôi bảo rằng, chắc tôi không biết chứ hồi trẻ, bà luôn bị người chồng đã quá cố đánh đập. Có những trận đòn mà bà phải chui xuống gậm giường để trốn chồng. Khi cô bác hàng xóm sang ứng cứu thì bà đang nằm trên một đống nước tiểu. Thì ra, trong lúc hoảng sợ dưới đòn roi của chồng, bà đã “tè dầm” ra quần. Sau lần ấy, bà đã tự thề với lòng mình, có chết cũng không phải chết do bị chồng đánh.

 

Mẹ chồng tôi tâm sự: “Mẹ không muốn nhắc lại chuyện này. Nhưng nhìn con, mẹ như thấy hình ảnh của mình thủa trước. Khi nóng lên thì mẹ ngoa ngoắt lắm và thường bị chồng đánh. Như con thú bị thương, càng bị đánh, mẹ lại càng chửi chồng hăng hơn. Những tháng ngày đau khổ cũng chấm dứt khi mẹ đã cân nhắc chuyện bỏ chồng nhưng bất thành”.

 

Mẹ chồng tôi bảo, những lần xích mích với chồng, bà lại thầm nhắc: “không được để bị đánh”. Và từ đó trở đi, bà không bao giờ bị chồng đánh thật. Mình là phụ nữ, dù khoẻ đến mấy cũng hiếm khi thắng được đàn ông khi so cơ bắp. Vậy thì chỉ còn hai con đường: một là bỏ chồng, hai là sống tiếp. Muốn bỏ chồng thì bỏ luôn vì anh nào đánh vợ một lần thì dễ có lần thứ hai. Muốn sống tiếp thì phải sống cho đàng hoàng, không để cho tinh thần và thể xác tàn tạ vì chồng.

 

Trang Nhung