Ôm con tự tử - yêu thương đứt ruột hay sự liều lĩnh nhẫn tâm?

(Dân trí) - "Đừng bắt một đứa trẻ phải chịu ơn ta, phó thác toàn bộ cuộc đời nó, thậm chí sinh mạng nó vào tay ta chỉ vì ta đã sinh ra nó..."

Ôm con tự tử - yêu thương đứt ruột hay sự liều lĩnh nhẫn tâm? - 1

Mỗi khi nghe đâu đó có vụ án mẹ sát hại con rồi tự tử, gần đây nhất là vụ một bà mẹ ở Hòa Bình kéo theo 3 đứa con nhỏ chết cùng mình dưới suối, dù vì lý do gì, ghen tuông, giận chồng, hay cuộc đời bế tắc, lòng tôi đều đau thắt lại.

Tôi cứ nghĩ đứa trẻ vô tội đó cũng giống như con mình, nó đã sợ hãi, gào khóc, van xin thế nào trong thời khắc khủng khiếp mẹ nó tước đi quyền sống của nó?

Trong một mẩu chuyện tôi từng đọc, thượng đế khi gửi một đứa trẻ xuống trần gian, ngài yêu thương dặn dò nó đủ điều. Rằng không có gì phải lo lắng cả, sẽ có một thiên thần đón nó. Thiên thần ấy sẽ bảo vệ và yêu thương đứa trẻ, vô điều kiện.

Dù đứa trẻ còn non nớt và chưa thể làm gì để chăm sóc, bảo vệ bản thân, chính thiên thần ấy sẽ cho nó ăn, nuôi nó lớn từng ngày, ở bên mỗi khi nó nóng, lạnh, ốm sốt, vui cùng nó mỗi khi nó nhoẻn miệng cười và xử lý cho nó mọi đau đớn, khó chịu khi nó khóc.

Thiên thầy ấy sẽ ủ ấm nó trong vòng tay yêu thương, cho nó sức mạnh để lớn lên từ dòng sữa ngọt ngào. Thiên thần ấy từng ngày sẽ dạy cho nó những bài học làm người. Thiên thần ấy là Mẹ.

Mỗi người sinh ra đều được mẹ là người bảo hộ tuyệt đối an toàn. Mỗi khi vấp ngã, gặp đau khổ, khó khăn, lời nói vô thức chúng ta buột ra trên môi là gọi “Mẹ”. Có phải là bất hạnh quá không khi có những đứa con phải nhìn mẹ chúng bằng ánh mắt van lơn khiếp sợ, phải chứng kiến và chấp nhận mẹ - người chúng yêu thương nhất trên đời - đang gây hại cho chúng, đẩy chúng vào đau đớn và cõi hư vô khi chúng chưa có khả năng tự vệ?

Ai sẽ giải thích cho những đứa trẻ non nớt ấy hiểu, vì sao người nó yêu thương nhất, thiên thần mà nó tưởng rằng cũng yêu thương nó nhất, lại đang tâm giết nó, cướp đi của nó sự sống và tương lai mà nó có quyền quyết định cho riêng mình?

Trong một nghiên cứu về tâm lý tội phạm giết hại con rồi tự sát công bố tại Anh năm 2013, hơn 40% các trường hợp là do có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Các yếu tố rủi ro khác bao gồm đổ vỡ mối quan hệ, tranh chấp giữa cha mẹ sau ly thân/ly hôn, sử dụng ma tuý, tiền sử bạo lực gia đình và xu hướng tự tử.

Vẫn biết rằng, mỗi người khi phải lựa chọn giải pháp cùng đường đều có nghĩa là cuộc sống của họ gặp bế tắc, khó khăn, tâm lý, tinh thần bất ổn, nhưng chúng ta có lẽ đã có thể thay đổi được điều gì đó nếu quan tâm hơn đến các vấn đề của người trầm cảm, người đang ở bước đường cùng.

Mẹ sát hại con rồi tự sát, người chết cũng đã chết rồi. Không ai có lòng trắc ẩn lại oán trách họ, lên án họ. Mọi sự chửi bới, sỉ vả đều không thay đổi được thực tế đau lòng, không giúp cho những đứa trẻ vô tội hồi sinh.

Nhưng những người đang sống thì hoàn toàn có thể, và cần nghiêm túc nhìn nhận lại. Bạn có quyền quyết định mọi điều liên quan đến một đứa trẻ không, dù bạn là người sinh ra chúng? Câu trả lời là “Không”.

Không bao giờ có chuyện “tôi đẻ ra nó, tôi có quyền”. Chẳng ai trong chúng ta dám nhận rằng mình sinh ra một đứa trẻ là mình vì chính nó. Mình vì mình đấy chứ, vì sự sung sướng và hạnh phúc của mình lúc tình yêu thăng hoa. Tất cả là vì mình thôi, vậy đừng bắt một đứa trẻ phải chịu ơn ta, phó thác toàn bộ cuộc đời nó, thậm chí sinh mạng nó vào tay ta chỉ vì ta đã sinh ra nó.

Người hèn nhát chọn cách chạy trốn khi không giải quyết được vấn đề của bản thân. Cứ vậy đi nếu bạn mãi là kẻ hèn nhát. Nhưng đừng tự cho mình quyền quyết định số phận của con cái khi số phận của chính mình bạn còn quyết không xong.

Huyền Anh