Ôi chị dâu chồng!

(Dân trí) - Khách quan mà nói chị dâu chồng nó thuộc diện vụng về, lại bảo thủ. Nhìn chị loay hoay trong bếp, bố mẹ chồng nó cứ sốt hết cả ruột.

Nó thì hai đứa con đã lớn, kinh nghiệm nuôi trẻ dày dặn nên mới đầu cũng khuyên chị vài lời, nhưng chị luôn khinh thường con em dâu quê mùa “biết quái gì mà dạy đời”, nó tịt ngóm để mặc chị ấy làm gì thì làm.

Ôi chị dâu chồng!

Về nhà chồng, chị cứ ngồi chơi mãi, cơm nước, rửa bát đều đến tay nó, chị chỉ có mỗi việc ôm con, cho con ăn thôi mà cũng ỏm tỏi hết cả lên. Có lần nó đi có tí việc, để chị tự xoay xở trong bếp, thì quả tình trình sắp xếp nấu nướng của chị có vài cái bất hợp lý.
Chị không mở miệng hỏi ông bà ấm đâu, chị đi đun nước nấu mì bằng cái chảo. Xoong quấy bột úp ngay ngoài sân giếng chị cũng không tìm, mà đi nấu cháo cho con bằng cái lõi nồi cơm điện, đặt lên bếp ga. Nhắc thì chị cắn cảu: “Nhà cửa, đồ đạc để linh tinh, chẳng quy củ gì ai mà tìm được”.
Lúc nấu, chị ấy sốt cá, rồi xào giá, thịt bò trước, trong khi nồi canh xương, khoai tây chưa hề được ninh. Rồi chị càu nhàu: “Tại bếp ga một bên không lên lửa”, nó liền cười bảo: “Phần đánh lửa bị kém chị ạ, phải mồi”, rồi nó làm một loáng là lên mâm. Chị dâu lầm bầm “Đúng là nhà quê, cái gì cũng thiếu thốn, tạm bợ”.
Tối, phải xi con tè trước khi đóng bỉm đi ngủ, anh chị dừa nhau không ai chịu ai. Rồi sáng ra cũng chẳng tháo bỉm rửa ráy cho con, cứ để nó đeo thều lễu, nhìn tội nghiệp, bố mẹ chồng thấy hết nên mới cám cảnh.
Chị mang hai va li váy vóc, áo xống về, trong khi mang cho con được đâu bốn bộ, nó tè ra không đủ thay, anh chồng càu nhàu: “Sao em mang cho con ít quần áo thế?”, chị rít lên: “Anh nói nhiều quá đấy”.
Lúc nấu cho con, chị cho nó được một cái thìa con con thịt, với nước xương, rau cũng không băm vào. Về tết bốn ngày giời, bao lần con bé đòi ngồi bô mà không tài nào đi được vì bị táo. Ai ăn cái gì cháu cũng giương mắt háo hức đòi. Nhưng nó không dám cho, vì đã từng một lần dính chửi thẳng mặt vì tội cho con chị ăn khiến nó bị trớ, cũng chẳng biết có phải vì miếng bánh nó bón không. Biết tính chị, từ ấy nó chẳng dám lặp lại sai lầm.
Có khi ông bà thấy chị cứ ngồi chăm chú xem tivi, ngứa mắt không nhịn được, đành góp ý: “Con xem em nó làm cái gì thì hai chị em cùng làm cho vui”. Vậy mà chị nóng mặt, nhìn nó quát: “Loại ném đã giấu tay, thích ý kiến gì thì nói thẳng ra xem, sao phải lén lút “bơm đểu” sau lưng”. Nó ngỡ ngàng, cảm thấy oan ức quá, liền cố giải thích: “Chị hỏi bố mẹ xem em có đâm, chọc gì không”.
Bố mẹ chồng nó giật mình bảo: “Em nó nói gì đâu, nhìn con nấu nướng chưa được chuyên tâm, thấy con hành xử đôi khi chưa ổn thì bố mẹ góp ý thôi, bố mẹ nói gì sai à?”.
Bị người lớn trách, chị dâu không cãi lại được nên giận cá chém thớt, trút hết cả lên đầu em dâu.
Hôm nó vừa lóp ngóp đi chợ về đến nhà, chị đã chỉ vào mặt nó: “Cô quá đáng lắm, quá đáng lắm biết không? Quần áo của con cô cô thu vào, trong khi quần áo của con tôi cô để mặc kệ”.
Nó lắp bắp phân bua: “Cu nhà em nó cứ đi xe va vào quần áo còn đang ướt nên em mới cất vào, chị hỏi mẹ xem, lúc em thu trời đã mưa đâu”. Chị ta vẫn hằm hè: “Đồ tồi tệ”.
Nó đang đứng luộc rau thì chị đi vào, lia ngay cái chảo xuống trước mặt. Mẹ chồng nhìn thấy, chướng mắt liền hỏi, chị dâu thản nhiên: “Con quăng đấy, không trúng mặt ai là được”. Nó vẫn im lặng, nghĩ thầm: “Vài tháng chị ấy mới về một lần, ông bà đừng nói kẻo mất vui, con đâm khó xử” nhưng lại sợ bị mang tiếng thảo mai, giả tạo, nó không dám nói một lời nào khác, chỉ lầm lũi làm mọi việc.
Ông bà thì bức xúc ra mặt: “Thôi bận sau chị không cần về đây nữa đâu, chị làm như ban ơn cho nhà tôi vậy, gây sự với hết người này đến người khác. Mà sao cái thằng kia nó lại nhu nhược đến thế, tao coi như không có nó”.
Nó biết là cũng khổ thân anh chồng, chỉ vì anh thất nghiệp, bị phụ thuộc về kinh tế, dẫn đến việc không có tiếng nói trong gia đình...

An Miên