Nữ sinh và “đại gia”

“Anh ấy không thiếu thứ gì cả, chỉ thiếu tình yêu. Em không có gì cả nhưng em có tình yêu dành cho anh ấy. Biết đến với nhau như thế là không tốt, là nguy hiểm nhưng chẳng nhẽ chia sẻ với nhau không được sao?”, Mỹ Hạnh tâm sự.

Dân trong làng sinh viên mỗi tối lại thấy Mỹ Hạnh ăn vận gọn gàng, lên xe ôm lao đi rất nhanh. Đám con trai thật sự ngẩn ngơ khi Mỹ Hạnh với vẻ đẹp sang trọng, gợi chút buồn, lại dửng dưng với những lời săn đuổi. Cô đi đâu đó, với ai đó, làm cái gì đó... luôn là đề tài nóng hổi một nhóm nữ sinh cùng dãy nhà trong Làng sinh viên (Thanh Xuân, Hà Nội).

 

Tôi lớn hơn 2 tuổi nên coi Mỹ Hạnh như chị em (năm 2006, tôi là sinh viên năm thứ tư Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, còn Mỹ Hạnh kém tôi hai khóa, chúng tôi cùng quê Hà Tĩnh). Thật ra, chuyện người ta xì xào là Hạnh cặp bồ với “đại gia” cũng không hẳn chỉ là màu tối và hoàn toàn đáng trách.

 

“Ai mà không muốn có người yêu đàng hoàng, có thể vui vẻ bàn đến hôn nhân. Ai mà lại muốn suốt ngày bị người ta soi mói. Nhưng em đã cam tâm chịu chuyện này, mặc dù trong lòng không dễ chịu chút nào...”, Mỹ Hạnh đã chịu trả lời sau một thời gian im lặng trước hàng loạt câu hỏi của tôi. Và chuyện tình giữa Mỹ Hạnh với một đại gia cũng được hé mở.

 

“Nó là duyên số hay sao ấy. Em gặp anh ấy trong một ngày khai trương Trung tâm dạy nghề ở Hà Tây. Đó là một ngày tháng 8 năm ngoái, anh ấy đến với tư cách là khách mời đặc biệt (thuộc Tổng công ty).

 

Khi đón tiếp đại biểu em đã sơ ý làm hỏng một tập tài liệu và món quà dành cho khách đặc biệt (là anh ấy). Anh Giám đốc công ty (sếp trực tiếp nơi em thực tập) phát hiện việc em làm hỏng quà tặng của khách rồi xin nhận lại món quà từ tay anh ấy và rối rít xin lỗi. Xong, anh Giám đốc đưa em ra trước mặt anh ấy nói lời xin lỗi.

 

Anh ấy không đẹp, không đạo mạo, tất cả ấn tượng của em về anh ấy là người hiền từ, điềm đạm và lịch thiệp. Nói có thể chị khó tin nhưng sau khi anh ấy nói: “Không có gì đâu. Cứ tiếp tục công việc của em đi...!”, em có cảm giác em và anh ấy rất hiểu nhau và thân thiện.

 

Kết thúc buổi khai trương anh ấy đến bên em và nói: “Em là nhân viên công ty à?”. Em nói, mình là sinh viên thực tập. Anh ấy đưa các-vi-dít cho em và nói: “Có gì khó khăn thì gọi cho anh”. Em giật mình khi nhận ra anh ấy là Tổng giám đốc (công ty mà em đang thực tập là công ty con của anh ấy).

 

Vì sao anh ấy lại đưa danh thiếp cho em? Anh ấy để ý mình à? Sau nhiều lần tự vấn, em gọi điện để gặp anh ấy. “Alô, em là Mỹ Hạnh, sinh viên thực tập mà anh đã gặp ở lễ khai trương đây. Anh có rỗi không? Em muốn gặp anh!”. Đầu dây bên kia: “Anh nhận ra rồi. Em lên văn phòng anh nhé!”.

 

Hồi hộp lẫn lo sợ, em đến gặp anh ấy tại trụ sở. Khác với những gì em nghĩ, anh ấy nhẹ nhàng, lịch thiệp, không khoảng cách với em. Đây là bản chất của anh ấy, chứ không phải là diễn kịch trước mặt cô gái như em.

 

Từ lần đó, em bị ám ảnh bởi hình ảnh anh ấy, người đàn ông thành đạt mà lịch thiệp, thương người. Từ đó mọi thứ trở thành “tồi tệ” hơn khi em đã nhớ da diết anh ấy.

 

Cuộc gặp ngày càng nhiều, câu chuyện về cuộc sống riêng tư của anh ấy càng ám ảnh em hơn. Anh ấy không hạnh phúc bên vợ. Nhưng anh ấy không bao giờ làm tổn hại đến gia đình. Anh ấy muốn có một chút gì cho riêng mình. Nhưng anh ấy sợ cặp bồ, sợ mọi chuyện vỡ lở, sợ gia đình tan vỡ, sợ sự nghiệp tiêu tan.

 

Quá mềm lòng khi nghe anh ấy nói thế, em đã mở lòng mình: “Nếu cần anh hãy đến với em. Em chỉ muốn làm điều gì đó để anh yêu gia đình mình hơn, công việc của anh thuận lợi hơn. Sẽ không ai biết được, không ai làm hại anh được. Nếu tin em, anh hãy đến với em...”.

 

Anh ấy ôm em vào lòng, anh ấy khóc. Chúng em đã sống với nhau chỉ vào những ngày anh ấy rỗi việc. Bên anh ấy em có ngổn ngang suy nghĩ. Thương mình, thương anh ấy và thương cho cái kiểu gặp nhau lén lút này. Nhưng thú thật anh ấy đáng thương, đáng yêu và đáng phục.

 

Em nghĩ, sẽ chẳng bao giờ ảnh hưởng đến gia đình nếu anh ấy suy nghĩ và hành động như những gì em thấy. Em yêu anh ấy và sẵn sàng làm người chia sẻ. Anh ấy nói: “Có khó khăn gì hãy nói với anh”. Có vài lần anh ấy giúp em chuyện tiền nong nhưng sau đó em thấy không ổn nên bảo anh ấy đừng làm thế nữa.

 

Anh ấy không thiếu thứ gì cả, chỉ thiếu tình yêu. Em không có gì cả nhưng em có tình yêu dành cho anh ấy. Biết đến với nhau như thế là không tốt, là nguy hiểm nhưng chẳng nhẽ chia sẻ với nhau không được sao?

 

Vừa rồi em nói với anh ấy: “Em đang có một chàng trai tốt ngỏ lời yêu. Có lẽ em sẽ yêu, nhưng anh yên tâm là em vẫn có thể làm em gái của anh, có vui buồn gì anh hãy chia sẻ với em”.

 

Anh ấy nói: “Sống với nhau giây phút nào anh trân trọng giây phút đó. Anh không bỏ gia đình mình, em không thể không có gia đình riêng. Chúng ta không nên mạo hiểm quá lâu, không nên làm ảnh hưởng đến quá nhiều người, coi nhau như anh em thì đã là quá tốt rồi...”.

 

“Chuyện tình của em phải kết thúc. Em phải trở về với cuộc sống sinh viên của mình. Không còn cách nào khác đâu em ạ. Cuộc sống phức tạp lắm, em chưa đủ kỹ năng để xử lý. Hơn nữa chuyện tình kiểu này bị xã hội lên án. Em không chịu nổi búa rìu dư luận đâu”. Hạnh đã khóc ướt vai tôi nhưng rồi cũng gật đầu đồng ý cách giải quyết ấy.

 

Không phải ai cũng có lý do giải thích cho chuyện tình với đại gia như Mỹ Hạnh. Hiện nay, không ít nữ sinh đi thực tập đã có quan hệ với sếp mình. Thậm chí, có một số nữ sinh xinh đẹp, coi việc săn đại gia là một niềm vui là một mục đích. Họ sẵn sàng sống buông thả, lợi dụng nhau để vượt qua những giai đoạn khó khăn và thậm chí là đạt mục đích của mình (chủ yếu là việc làm) và gây ra nhiều chuyện dở khóc dở cười...

 

Theo Hồng Sáng

Tiền Phong