Nỗi buồn nhan sắc

(Dân trí) - Nếu bạn không may mắn sở hữu danh hiệu hoa khôi lớp hay hoa hậu phường, xin đừng vội thở vắn than dài ghen tị. Những nhan sắc yêu kiều có những nỗi buồn riêng mà buồn thay, không phải ai cũng hiểu và thông cảm.


Tốn nhiều công sức để duy trì “thương hiệu”

 

Một kết luận không phải là không khoa học cho thấy rằng người nhan sắc tốn nhiều nơ ron thần kinh và năng lượng hơn người bình thường!

 

Nếu bạn là cô gái trung bình, bạn có thể tặc lưỡi rằng có bao giờ xinh mà sợ xấu! Bạn sẽ chủ động được bản thân mình. Các mỹ nhân thì khác, họ luôn phải gồng mình. Một ngày, họ tốn 2 giờ đồng hồ tập thể dục giữ dáng, chạy bộ buổi sớm giữa tiết trời giá rét hay chạy vòng quanh sân vận động giữa trưa nắng hè.

 

Họ không được ăn món cánh gà chiên hay pizza phô mai mà mình luôn khao khát. Không những thế, họ còn phải chống chọi với thị phi của người đời, của nỗi lo lắng trước thất vọng của đông đảo fan hâm mộ khi trót lên 1 ký hay đêm qua ngủ không đủ nên hôm nay mắt thâm quầng.

 

Cam đoan với bạn là các nàng chân dài không chỉ một lần trong đời cảm thấy mất tự tin, phiền toái và nặng nợ. Hơn một lần họ ước được vô tư như bạn.

 

Không bao giờ được đối xử bình đẳng

 

Người đời luôn có mấy câu cửa miệng: “Chân dài óc ngắn”, “bình hoa di động” hay “sắc đẹp tỷ lệ nghịch với trí thông minh”. Luôn là vậy, dù thâm tâm họ cũng biết là mình vơ đũa cả nắm.

 

Những bình luận sắc như lưỡi dao đã làm bao nhiêu nàng hoa hậu, diễn viên phải trần tình trên mặt báo rằng tôi cũng chỉ là một con người bình thường, tôi có thể mắc sai lầm.

 

Tuy nhiên, dư luận, vốn không bao giờ công bằng, luôn chỉ hài lòng và thoả mãn khi cô nàng trót trả lời một câu thiếu suy nghĩ trên mặt báo, hay khi biết được chiếc Mercedes của cô nàng là phi vụ “làm ăn” với một đại gia. Thế nên, các chân dài mệt mỏi vô cùng vì không bao giờ được đối xử bình đẳng.

 

Một vị tiến sĩ 60 tuổi khi trả lời phỏng vấn vẫn có thể nói nhịu hay tối nghĩa đến mức không ai hiểu nổi mà vẫn được coi đó là biểu hiện của thiên tài.

 

Nhưng một cô hoa hậu 18 tuổi cao gần 1m80 trong nửa phút lập cập không kịp trả lời hết một câu hỏi vĩ mô về hòa bình thế giới hay xoá bỏ đói nghèo trong khối ASEAN thì sáng hôm sau đã bị thương cảm và nhạo báng trong tất cả các công sở và trên mọi forum.

 

Nhiều cơ hội nhưng vô số hiểm nguy

 

Những người đẹp luôn bị quấy rầy với một rừng săn đón mời chào của các đấng mày râu. Nhiều cơ hội đồng nghĩa với nhiều bất trắc. “Hồng nhan đa truân” dùng để chỉ những cảnh này.

 

Những người đàn ông hãnh tiến và hợm của luôn lấy việc sở hữu được một bóng hồng là biểu tượng của thành đạt và quyền lực. Họ đo đếm và cân nhắc người đẹp như món đồ trang trí để tô điểm thêm tiếng tăm đại gia của mình.

 

Những người cùng giới ư? Càng không nên mong chờ sự thông cảm ở họ. Các bà các cô còn xét nét khắc nghiệt hơn nam giới. Hoa khôi cơ quan luôn bị tiếng đồn lẳng lơ lấy lòng sếp, cô sinh viên xinh xắn thường bị bàn tán rằng hay hỏi bài thầy giáo trẻ vào cuối buổi học để điểm thi cao. Nếu chuyện đó rơi vào một cô nàng “ô mai sấu”, tất nhiên cô ấy sẽ được khen là chăm chỉ và hiếu học.

 

Thế nên dưới góc độ nào đó, hãy bao dung một chút với nhan sắc. Sắc đẹp có những nỗi khổ riêng mà không phải ai cũng muốn hiểu, mặc dù ai cũng muốn nhìn. Không đến mức như một nhà văn si tình đã từng thốt lên: “Hãy tha thứ cho nàng, vì nàng đẹp”, nhưng có lẽ cũng nên bớt hả hê trước một bước hụt của một cặp chân dài, trong lúc mọi đôi chân đều có quyền đôi khi vấp ngã.

 

Hạnh Chi