Những chuyện tình thách đố

Chuyện tình sinh viên có muôn vàn màu sắc. Màu hồng có, màu xám, màu đen cũng có. Nhưng có một chủ đề khiến tôi và anh bạn tôi bị cuốn hút đó là: Tình yêu, sự thách đố và hậu quả của nó trong giới sinh viên.

Tôi có nhiều đêm la cà ở các quán chè chén ký túc xá để nghe tất cả những câu chuyện tình yêu sinh viên, cả thời @ lẫn “ngày xưa”.

 

Anh bạn tôi bây giờ là cán bộ tại Sở GD&ĐT Hà Nội, từng qua thời sinh viên sôi nổi, với những chuyện tình lãng mạn, đẹp đến nao lòng ở ký túc xá Mễ Trì (Đại học Quốc gia Hà Nội).

 

Bạn anh thời ấy nhiều đôi yêu nhau và bây giờ thành vợ thành chồng, sống hạnh phúc vượt qua được cái định kiến “tình yêu sinh viên chỉ là tạm thời”.

 

Tuy nhiên cái “lộ trình” yêu -cưới - sống hạnh phúc là điều đương nhiên và tình yêu nên diễn ra theo hướng đó. Những tình yêu trắc trở, những biểu hiện ngược lại thì mới đáng kể ra, mới đáng rút kinh nghiệm để tình yêu sinh viên được đẹp hơn, những vợ chồng sau này sống hạnh phúc hơn.

 

Tôi kể anh nghe chuyện mới xảy ra trong năm 2007 tại trường tôi; tuy không được ghi vào hồ sơ vụ án, nhưng đang được “lưu truyền” trong ký túc xá trường tôi.

 

Lời nói bất cẩn của người đẹp

 

Nhóm bạn trai trường tôi kể lại rằng, vào một tiệc sinh nhật của Tuyết Mai (sinh viên năm thứ ba, ĐH Văn hóa Hà Nội) được tổ chức tại phòng trọ thuê ở gần trường. Một nhóm bạn trai trong đó có Trần Minh Luân (sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) được mời đến dự.

 

Tuyết Mai được coi là xinh đẹp nên sinh nhật là cuộc trình diễn của các “vệ tinh”. Họ thi nhau lấy lòng người đẹp bằng các món quà đặc biệt ý nghĩa, những bài hát, điệu đàn, những bó hoa được trang trí cầu kỳ và những cử chỉ, lời có cánh…

 

Trần Minh Luân hôm ấy được một “vố” mất mặt khi bị Tuyết Mai xỉa: “Tôi không bao giờ thèm đếm xỉa đến người đàn ông thiếu ga lăng…”. Tuy Tuyết Mai cố ý thêm vào câu nói này một ít chất liệu đùa, nhưng Luân vẫn biết câu nói ấy đang nhắm vào mình, vì Luân là người đi dép lê, lững thững với vẻ mặt đâm lê, không quà, không hoa đến dự sinh nhật Tuyết Mai. Khi vừa gặp, Tuyết Mai đã nói đùa với Luân: “Anh chẳng ga lăng gì cả. Đến bó hoa cũng không có…”.

 

Ra về, nhóm bạn “cá” với Luân: “Mày mà “chiến” được Tuyết Mai, bọn tao bái mày làm sư phụ”. Luân khi đó vẫn cay nổ đóm đóm mắt, nói: “Có gì ghê gớm đâu, giải thưởng là gì nào”. “Một bữa nhậu tẹt ga, và một con điện thoại đời mới để ghi nhận chiến công”- một người trong nhóm nêu ý kiến.

 

Luân nhận lời: “Vì danh dự, tao sẽ cho Tuyết Mai biết thế nào là đùa… Chúng mày hãy đợi 2 tháng sau, điện thoại sẽ có hình ảnh tao và Tuyết Mai trên giường…”.

 

Nhóm bạn không thể tin được khi 2 tháng sau (trong khi mọi người đã gần như quên chuyện ấy), Luân xuất hiện và thông báo: “Hôm nay tao sẽ công bố kết quả giữa tao và Tuyết Mai”. Buổi tối hôm ấy họ tổ chức một bữa tiệc công bố ở quán rượu gần trường.

 

Tại video clip trên máy điện thoại di động, hình ảnh Tuyết Mai và Luân trong tư thế không quần áo được đặt quay ở góc máy bao quát nhất… Luân nói: “Thực ra có phải tán tỉnh gì đâu, Tuyết Mai cũng đâu còn trong sáng gì. Rủ là đi thôi…”.

 

Chuyện vỡ ra, người yêu chính thức của Tuyết Mai đã tìm đến Luân và ẩu đả đã xảy ra. Sau đó, Tuyết Mai cũng biết chuyện và đã được biết chuyện Luân làm như vậy là vì nhóm bạn thách đố và vì lời nói xúc phạm trong buổi sinh nhật mà Tuyết Mai đã “buông” với Luân.

 

Chuyện này lập tức được một người có uy tín, lớn tuổi ở trong nhóm của Luân can thiệp, nếu không video clip ấy được đưa lên blog của Luân.

 

Giá quá đắt của một trò đùa

 

…Nghe xong chuyện của tôi, anh bạn cười: “Đúng là tuổi trẻ bồng bột. Thời của anh cũng thế. Chuyện xảy ra ngay tại phòng anh – P208 – KTX Mễ Trì – ĐHQG Hà Nội, năm 1997. Để anh kể em nghe”.

 

Phòng anh lúc đó có 12 người, chia thành 6 cặp giường 2 tầng (thời đó, KTX chưa vệ sinh khép kín, mỗi tầng mỗi nhà vệ sinh riêng). 12 người đều là sinh viên năm thứ nhất, đến từ các khoa Văn, khoa Sử, khoa Sinh, khoa Hóa… Đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau nên cãi nhau là chuyện thường ngày.

 

Cũng xuất phát từ chuyện cãi nhau, Lâm (người Nam Định, học ĐHKHTN) cay cú: “Mày chê tao dân tự nhiên không biết tán gái. Thế có dám tin là 1 tháng tao tán đổ người yêu mày không?”. Tú (sinh viên khoa Du lịch) nóng mặt: “Được đấy, mày mà tán được tao xin ra khỏi trường; còn nếu không thì sao?”. “Nếu không được thì tao cho cả phòng uống bia tẹt ga…”.

 

Cả phòng hào hứng tham gia, để chắc ăn, trưởng phòng còn soạn ra văn bản để hai người thách đấu ký vào. Xong, cả phòng hồi hộp chờ kết quả.

 

Một tháng trôi qua, Tú nhắc lại: “Mày đã tán được người yêu tao chưa?”. Lâm bảo: “Tán được rồi”. Tú chứng minh rằng, không có chuyện đó và đưa Nguyệt đến phòng, giới thiệu: “Đây là người yêu của tôi”. Rất khéo léo, Tú chứng minh được rằng, Lâm đã đến tán tỉnh nhưng Nguyệt từ chối vì đã yêu Tú.

 

Được một vố tẽn tò, Lâm đành đi mua bia cho cả phòng uống. Sau khi mọi người ngồi xuống, Lâm xóc mạnh hai chai bia rồi đập vào nhau. Bia nổ tung, bột trắng xóa, một mảnh chai vỡ đã cắm vào mắt Lâm. Lâm quằn quại dưới nền nhà, cả phòng phải gọi xe cấp cứu, một dãy ký túc xá náo động.

 

Từ bệnh viện trở về, một mắt của Lâm gần như bị mù vĩnh viễn. Tuyệt vọng, hận thù lên cao đến mức Lâm đe giết cả phòng. “Bọn anh vô cùng ân hận trước trò đùa này. Còn Lâm thì ngày càng hung hãn. Đêm ngủ ai cũng nơm nớp, sợ Lâm hành động thiếu suy nghĩ. Không chịu được sự bất an này, phòng anh người thì chuyển ra ngoài, người sang phòng khác. Bạn bè chia rẽ từ ngày đó…

 

Sau bao nhiêu năm, thi thoảng anh em trong phòng gặp nhau, nhắc đến chuyện này ai cũng buồn. Không ai biết bây giờ Lâm ở đâu và làm gì. Chuyện tình giữa Tú và Nguyệt cũng không có kết quả gì, khi chuyện này vỡ lở. Một trò đùa mà người thì bị thương tật, bạn bè chia rẽ, tình yêu tan vỡ… Đúng là giá quá đắt” - Anh bạn tôi buồn bã nói.

 

Theo Thùy Giang

Tiền Phong