Nhớ làng

(Dân trí) - Hà Nội, phố lớn phố nhỏ, đường lớn đường nhỏ, đường thẳng đường quanh co, náo nhiệt, ồn ào. Bà ngoại con gái ra chơi bảo: Mẹ cho rằng ở nhà mình mới chính là thủ đô con ạ, sướng hơn nhiều cái nơi nhốn nháo ấy. Vậy là tự nhiên nhớ làng.

Nhớ làng - 1

Làng, nơi mà mình hay nói với con là quê ngoại, giờ đã trở thành nơi ấp ôm những kỷ niệm. Thật khó để tin, rằng mình đã sống ở đó hơn hai mươi năm trời để rồi chỉ còn là nơi lưu dấu những yêu thương và đau đáu mỗi lần về.

Nhớ những con đường làng ngày xưa, bằng đất, nhỏ quanh co, phải bấm móng chân cho khỏi trượt ngã vào mỗi chiều mưa đi học về. Nhớ những con đường dẫn ra bờ sông vẫn mòn lối chăn trâu cùng bè bạn với bao trò chơi nhảy dây, bắn bi, đánh đáo. Nhớ những đụn rơm cao ngất mỗi mùa gặt hai chị em thường nấp để chơi đánh trận giả. Nhớ những đêm hè oi bức mẹ mỏi tay với cái quạt mo để đưa hai chị em vào giấc ngủ say nồng.

Hà Nội đi đâu cũng những khuôn mặt lạ, theo thói quen, gặp ai trong con ngõ quen cũng cúi đầu chào, mà thực nhiều khi không biết mình vừa chào ai. Lại nhớ những gương mặt ở quê, cả già cả trẻ, cả thân cả sơ. Những khuôn mặt dù cách xa bao năm mình vẫn không quên được. Những người làng dù chẳng thân nhưng mỗi lần về quê gặp giữa đường vẫn dừng chân hỏi thăm đủ chuyện.

Nhớ hồi mới ra Hà Nội, nghe tiếng nhạc xập xình đám cưới, hỏi chồng: nhà bên ai lấy chồng lấy vợ? Chồng bảo: “Không biết”. Ơ hay, ở cạnh nhà mà ai lấy chồng lấy vợ cũng không biết. Lại nhớ ở làng, đừng nói là cưới. Chỉ cần hôm nay thấy cậu trai kia chở ai, cô gái kia ngồi sau xe chàng nào. Hôm sau cả làng đã biết rõ gia cảnh, tuổi tác, thân thế, sự nghiệp của người ta rồi. Còn cưới á? Con nhà ấy lấy ai? ở đâu? Bố mẹ làm gì? Anh em có ai làm to không? Nhà giàu hay nghèo? Có ô tô hay công nông? Biết hết! Anh ấy lấy vợ hai, vợ hai bao nhiêu tuổi? Vợ trước làm sao mà bỏ? có con cái gì chưa? Biết hết! Những ai đã từng ở quê đều biết, mọi tin tức trong làng được cập nhật và lan nhanh không kém gì mạng xã hội. Người thành phố họ không thích ở quê cái điểm này. Họ cho rằng như thế là tọc mạch, là nhiều chuyện. Cũng không sai. Nhưng “đất có lề, quê có thói”, thành ra người ta không thấy khó chịu, thậm chí còn thấy vui và thú vị.

Nhà hàng xóm có người mới sinh, hỏi chồng: “mình có đi thăm không anh nhỉ?”. Chồng bảo, ở đây không anh em họ hàng gì thì người ta ít thăm nom lắm. Lại nhớ ở làng mình, nhà nào có người đẻ, cả làng đi mừng. Nhà nào có người ốm đau, cả làng đến thăm. Nhà nào có người chết, cả làng đến viếng. Không kể thân hay sơ, không kể họ hàng hay làng xóm.

Làng mình giờ nhìn qua cũng không khác thành phố là mấy. Nhà nào cũng xây tường bao cao quá đầu người. Muốn vào nhà chỉ có cách đi vào cổng chính. Chứ ngày xưa muốn sang nhà bạn chơi, toàn chui qua bụi cây hàng rào cho nhanh. Mẹ rào lại, xé rào chui tiếp. Nhà hàng xóm rào lại, vẫn chui nhưng chui trộm. Con đường làng giờ cũng rộng thênh thang như quốc lộ, đổ nhựa phẳng lỳ chứ không như xưa ghập ghềnh đất bụi. Xe đạp đã thay bằng hầu hết xe máy, nhiều nhà còn có ô tô.

Ở đâu rồi cũng thế thôi, tre già thì măng mọc. Chỉ xa làng chừng dăm, ba năm về sẽ thấy rất nhiều khuôn mặt lạ. Bé này con ai? Cu này con ai? Hóa ra bạn bè mình con cái đã lớn thế cả rồi. Nghe chuyện nhà nọ, nhà kia, ông này đã mất vì già yếu, bà kia đã mất vì bệnh tật, chú kia qua đời vì tai nạn, và cô bạn thân đã cùng chụm đầu bên cây đèn dầu tập đọc, đã cùng chơi những trò chơi suốt một thời ấu dại nay cũng đã thành người thiên cổ, bỏ lại hai đứa con còn chưa sạch mũi…Những con người ấy đã phủi sạch bụi trần, ngủ yên dưới sâu lòng đất. Nghĩ, thấy đời sao mà quá ngắn cho những yêu thương và giận hờn. Nghĩ, thấy đời sao quá hiu quạnh.

Mỗi lần về làng thấy nhiều thứ đổi thay. Những ngôi nhà to và cao hơn, những hàng rào cây xanh được thay thế bằng hàng rào xi măng. Đường nhỏ nay rộng và đẹp hơn. Người già già hơn, và trẻ con thì lớn hơn. Nhưng ngôi nhà vẫn nằm ở góc ấy. Vẫn giọng nói và tiếng cười ấy. Vẫn những khúc quanh co, những ao hồ thân thuộc. Tất cả đã trở thành những kỉ niệm in dấu trong tim không thể phai mờ, dù bận rộn với cơm áo gạo tiền, dù mệt nhoài mưu sinh nơi đất khách.

Mẹ gọi điện, hỏi: “Tết có về nhà không con?” Cây táo trong vườn trĩu quả, bà vẫn để dành phần cho cháu. Về để bố còn gói cho mỗi đứa cháu một cặp bánh chưng con. Về để thấy quê hương giờ đổi thay nhiều lắm. Nghe giọng nói của mẹ mà mắt cay cay. Giọng mẹ run run, vì đang khóc nhớ con, hay sự già yếu đã thể hiện qua giọng nói?

Mẹ ơi! Tết nay con về!

Lê Giang

Nhớ làng - 2