Nhà có máy lạnh

Hôm qua, cậu mợ Tư ở dưới quê lên Sài Gòn khám bệnh, ghé thăm ba má. Vừa bước qua cổng, nhìn thấy mấy căn nhà của các cháu, cậu chặc lưỡi, trầm trồ không ngớt:

- Anh chị ăn ở có đức, có ba đứa con mà đứa nào cũng thành đạt, nhà cửa sang trọng, bề thế hết biết. Bây giờ, anh chị chỉ có ngồi hưởng phước.

 

Lâu ngày, chị em mới có dịp gặp nhau, má giữ cậu mợ Tư ở lại ngủ một đêm. Buổi chiều, cơm dọn lên, cậu mợ không chịu ăn, hết chạy qua nhà từng đứa kêu réo, nhấn chuông đến ngong ngóng ngó ra cửa, rồi ngồi chờ mấy đứa tụi con với các cháu về ăn luôn một thể cho vui.

 

Tới lúc đó thì má phải nói thiệt, tiếng là ở sát bên con cái chứ có khi cả tuần ba má chẳng gặp mặt đứa nào. Cậu mợ tròn mắt ngạc nhiên, hỏi lại: “Kể cả cháu nội, cháu ngoại?”. Ba gật đầu xác nhận: “Ừa, kể cả cháu, mà có gặp thì nó cũng chỉ thưa ông thưa bà rồi biến mất”. Cậu Tư thắc mắc: “Ủa, anh chị nói sao, tụi nó là phận con cháu, lại ở trong khuôn viên nhà mình, mình muốn gặp nó thì cứ mở cửa mà vô nhà nó, chẳng lẽ nó không cho, hoặc không thì kêu nó qua nhà, mắc gì phải e ngại như người dưng?”.

 

- Ờ thì tất cả cũng tại cái máy lạnh - Ba đổ thừa vậy.
 
Nhà có máy lạnh

Bữa cơm gia đình đã trở thành điều gì đó rất hiếm trong cuộc sống hiện đại.

 

Còn nhớ, nhà mình hồi ấy chỉ rộng chừng 50m2, vách ván, mái tôn nằm lọt thỏm giữa khu vườn nhỏ với hơn chục cây ổi, mận, xoài do chính tay ông bà nội trồng. Nhà trống trơn, không phòng ốc gì cả, phía trước chỉ có một bộ bàn ghế với bộ ván gỗ làm chỗ học bài, chỗ ngủ của ba đứa con; phía sau có một cái giường là chỗ ngủ của ba má, rồi tới bếp, nhà vệ sinh. Vợ chồng con cái quây quần trong không gian chật chội ấy, vậy mà vui và ấm áp. Rồi các con lớn lên, ba má cơi nới cho mỗi đứa một phòng riêng. Từ cái phòng riêng đó, khi kết hôn, mỗi đứa lại tìm cách xoay xở, che chắn cho mình một tổ uyên ương nho nhỏ. Thời đó, nhà mình rất hạnh phúc cho dù có nhiều bữa cúp điện, nóng hừng hực như lò bánh mì, mỗi người vừa ăn cơm vừa quạt phành phạch đến mỏi tay.

 

Vài năm trôi qua, từ năm thành viên ban đầu, tăng dần lên 8, rồi 12. Các con làm ăn ngày càng khấm khá hơn. Ban đầu nghe các con bàn tính cùng nhau sửa lại căn nhà cũ cho ba má ở, rồi sau đó mỗi đứa tự cất một căn vây quanh để tiện bề phụng dưỡng, ba má mừng lắm. Cảnh tuổi già sáng chiều sum vầy bên con cháu còn gì vui hơn. Vậy nhưng, ba má đâu có ngờ, khi từng căn nhà đúc ba bốn tấm, cửa kính sáng choang mọc lên cũng là lúc ba má xa dần con cháu.

 

Lấy lý do nhà gắn máy lạnh, các cánh cửa kính ít khi nào mở toang, mà chỉ mở ra và đóng vào ngay khi chủ nhân đi, về. Các con, dâu, rể đi làm từ sáng đến tối mịt, còn các cháu cũng đi học ngày hai - ba buổi. Thiệt ra thì con cháu có ở nhà hay không, ba má cũng không biết. Cửa nhà thằng Hai gắn kính màu, cửa nhà thằng Ba, con Út thì kéo màn che kín mít. Hôm trời bão, máng xối bị nghẹt lá cây, nước tràn vào nhà, ba mặc áo mưa sang kêu cửa mà chẳng đứa nào nghe. Gọi điện thoại thì không được, hai ông bà già đành ngồi cầu trời khẩn Phật, mong cho qua cơn mưa.

 

Và cũng rất lâu rồi nhà mình không có những bữa ăn chung đông đủ. Thứ Bảy, Chủ nhật các con đều đi làm, các cháu đi học. Lễ, Tết thì lấy cớ tránh nhậu, giải tỏa stress, nghỉ ngơi để lấy lại sức sau những ngày lao động vất vả, các con đi du lịch. Hoặc nếu có ở nhà thì cũng chỉ sang thăm ba má, ngồi nói chuyện năm ba câu cho đủ lễ rồi thì than nóng, lại trở về tổ riêng, vì ở đó có nhiều tiện nghi hiện đại, có máy lạnh, có nhạc, và gì gì nữa mà ba má chưa biết.

 

Có cô nhà giàu trong xóm mình gặp má rên rỉ, hai đứa con đi học về là ở lì trong phòng máy lạnh, khóa trái cửa không cho cha mẹ vào, thậm chí ăn cơm chúng cũng bưng vô phòng, không tài nào biết được con cái làm gì trong đó. Má cười cười bắt chước ba, đổ thừa chắc tại thời tiết bên ngoài nóng quá.

 

Theo Phan Thị Thanh

PNO