Mẹ chồng cho 1 chỉ vàng khi cưới, bắt con dâu "chi lại" 3 chỉ, góp tiền mua xe, lo cỗ cưới cho em chồng

(Dân trí) - "Ngày trước bà đối với chúng tôi như thế, nay lại ưu ái mọi phần cho cô em. Bà thương con gái, cho con phần hơn tôi không dám ý kiến, nhưng bắt vợ chồng tôi phải góp tiền mua xe máy, phải trao quà cưới ba chỉ vàng, phải thêm tiền lo mâm cỗ thì tôi không đồng ý..."

Mẹ chồng cho 1 chỉ vàng khi cưới, bắt con dâu "chi lại" 3 chỉ, góp tiền mua xe, lo cỗ cưới cho em chồng - 1

Tôi lấy chồng tôi là con cả trong nhà. Ngày cưới, hai đứa vừa ra trường, tay trắng tay. Chồng tôi phải mượn tiền mua nhẫn cưới, mượn tiền đưa cho mẹ làm mâm đãi khách. Anh nói: “Bố mẹ nuôi anh học hết đại học là vất vả lắm rồi, coi như xong trách nhiệm. Giờ có công ăn việc làm rồi thì phải tự thân vận động”. Sau này tôi mới biết đó không phải là suy nghĩ của anh mà là tuyên bố của mẹ chồng.

Ngày cưới, tôi được mẹ chồng trao cho một chỉ vàng, còn lại đều là quà nhà ngoại. Sau cưới, tiền anh em họ hàng bè bạn mừng cho đem đi trả nợ tiền vay làm cỗ trước đó. Bố mẹ chồng không chịu bỏ ra đồng nào cho, ngoài chỉ vàng ấy.

Bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, mẹ chồng nói: Bố mẹ làm nông, chỉ lo cho các con học hành đến nơi đến chốn để có cái cần câu cơm là kiệt sức, con trai cũng thế, con gái cũng thế, có gia đình rồi thì tự lo. Tôi nghĩ nhà chồng nghèo, cũng không thể đòi hỏi gì hơn nên vui vẻ với những gì mẹ chồng nói.

Hai vợ chồng làm ở thành phố, nhà phải đi thuê, rồi thì con mọn. Ba tháng sau sinh đã phải đi làm, gọi điện nhờ mẹ chồng ra trông cháu thêm ít lâu cho cháu cứng cáp hơn rồi đi trẻ. Bà nói: “Mẹ còn trẻ, cũng phải làm mà ăn chứ. Mẹ ra đó thì chúng mày cũng phải nuôi, vậy tiền đó thuê người trông không nhàn hơn à?”. Thực ra thì bà ngoại bảo nếu cần trông cháu bà sẽ thu xếp việc nhà cửa ra trông giúp cho, nhưng tôi nghĩ gì thì gì cũng phải nhờ mẹ chồng trước kẻo sau này đã không được nhờ còn bị trách.

Năm năm làm dâu, tôi chưa được nhờ nhà chồng cái gì. Đến mua chục trứng gà sạch cho cháu ở quê tôi cũng đưa tiền cho bà nội. Lúc nào bà cũng nói “chúng mày đi làm có tiền chứ mẹ ở quê quanh năm nhìn vào vài sào ruộng, tiền ở đâu ra”. Thì tôi lại nghĩ mình là con cái, chưa phải nuôi ông bà là tốt rồi, mong gì được nhờ cậy.

Tết rồi về ăn tết, cả nhà họp gia đình bàn chuyện cưới xin cho cô em chồng vào tháng hai tới, tự nhiên mẹ chồng giao hết trách nhiệm cho vợ chồng tôi. Bà nói em vừa ra trường, chưa có xe máy đi làm, mẹ cho một nửa, nhà tôi góp một nửa mua cho em cái xe máy. Ngày cưới sắp tới, mẹ cho cô ba chỉ vàng, nhà tôi cũng phải có chừng ấy cho em để em mát mặt khi về nhà chồng. Rằng nhà được cô con gái, gả đi cũng phải đàng hoàng. Và vì một lý do tế nhị nữa là cô ấy đã có bầu, người ta cưới cho là may, mình phải làm thế nào để nhà trai họ không coi thường mình được.

Tôi nghe mẹ chồng nói, thực lòng không thấy phục. Ngày trước bà đối với chúng tôi như thế, nay lại ưu ái mọi phần cho cô em. Bà thương con gái, cho con phần hơn tôi không dám ý kiến, nhưng bắt vợ chồng tôi phải góp tiền mua xe máy, phải trao quà cưới ba chỉ vàng, phải thêm tiền lo mâm cỗ thì tôi không đồng ý.

Vợ chồng tôi khó khăn thế nào bà chưa bao giờ biết, còn từng nói “thân ai nấy lo”, sao giờ lại bắt vợ chồng tôi phải lo cho em chồng. Tôi đã nói với chồng tôi là làm thế không được, chúng tôi không có khả năng, cũng không cần thiết phải làm thế. Chồng tôi lúc đầu còn ậm ờ không nói gì, sau thấy tôi bảo phải nói rõ ràng với mẹ thì nổi cáu: “Nhà có mỗi đứa em, bố mẹ không lo được thì anh chị lo chứ để cho ai lo nữa. Người ta nói “quyền huynh thế phụ”, anh chị có thể thay thế vai trò của cha mẹ. Giả sử bố mẹ không có thì chẳng anh chị thì ai lo”. Tôi bảo “thà rằng không có cha mẹ”. Chồng tôi chỉ vin vào câu đó mà chửi bới tôi không ra gì, nói tôi hỗn láo, ích kỷ, mới đầu năm đã trù ẻo điều xui xẻo cho nhà chồng.

Đành rằng bố mẹ chồng không biết, chứ chồng tôi mà cũng vậy thì tôi thua. Nói thật, nếu làm theo yêu cầu của mẹ chồng thì số tiền tiết kiệm ít ỏi mấy năm qua của vợ chồng tôi coi như đi tong. Chồng tôi vẫn đi làm bằng chiếc xe cũ mua lại của người ta, tôi tiện đường hơn nên đi làm bằng xe buýt, ki ki cóp cóp giờ bắt bỏ ra mua xe máy xịn cho em chồng, càng nghĩ càng cay.

Dù sao tiền tiết kiệm cũng là tôi giữ, nếu tôi nhất quyết không chi thì liệu có xào xáo gia đình không? Tôi có nên vì sự sĩ diện của nhà chồng mà cắn răng chịu đựng sự bất công vô lý này?

Thu Hằng

Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, có giá trị sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính và nhận nhuận bút từ Tòa soạn. Trân trọng!