Mùi Tết đã qua

(Dân trí) - Tết trong tôi là những mùi hương quen thuộc, dẫu vừa nghĩ đến thôi cũng thấy lòng bình yên. Tất thảy là mùi của quê hương từ những cánh đồng thơm ngát đong đầy phù sa dòng Thạch Hãn, của những vất vả nôn nao cả năm trời.

 
Mùi Tết đã qua


Giáp Tết, nhà nào nhà nấy soạn sửa, dọn dẹp và lau chùi mọi thứ. Những người đàn ông khệ nệ, bưng bàn ghế, tủ thờ ra sân rồi lau chùi sạch sẽ. Xong đâu đấy, họ tỉ mẩn phết lên đấy lớp véc ni làm cho bộ đồ gỗ láng bóng hệt như mới. Mùi véc ni tỏa ra thơm tho, sạch sẽ, ngôi nhà như được khoác thêm chiếc áo mới với những món đồ vừa sơn. Sau mấy năm ở thành phố, mải miết tìm chẳng thấy nhà nào sơn tủ bằng véc ni như ở quê mình. Lại thấy mùi này thân thương, mộc mạc quá đỗi.

 

Ngoài sân, những bông mai vàng nở bung, tỏa ra mùi hương đặc biệt, chẳng nồng chẳng thanh, nhưng ai cũng biết là hương của mùa xuân rất gần. Ba cẩn thận cắt những nhánh thần tài rồi đặt lên bàn thờ. Sắp xếp xong xuôi, cậu em trai đem bộ lư đồng qua nhà cậu Sáu để đánh. Mùi nỉ đồng vang ra khét lẹt, đám con nít đứng nhìn tò mò, chẳng hiểu sao, bộ lư cũ kỹ ấy giờ mới tinh sáng bóng.

 

Tôi thích đứng ở sân và ngóng vào chái bếp. Nhìn khói tỏa ra từ đó, từng cọng khói mang những hình thù khác nhau, hồi bé hay tưởng tượng nào là hình ông tiên, hình bông hoa, hình con ngựa… từ từ bay lên trời rồi hòa lẫn vào đám mây lơ lững trên đầu. Nghe tiếng khua đũa trong bếp, biết rằng những người đàn bà bắt đầu lụi cụi nhen lửa, ngồi canh cho nồi mứt. Thoáng chốc đã nghe mùi nồng cay của mứt gừng, mùi ngọt ngào của mứt cà rốt, mứt khoai.

 

Khoảng chừng hai tám, hai chín tháng Chạp trở đi, nhà nào nhà nấy bắt đầu bày biện để gói bánh. Nhà tôi, như thường lệ, năm nào cũng gói cả bánh chưng và bánh tét. Sáng sớm, mẹ đi chợ về, mua thêm lá dong, lá chuối. Chị em tôi ngồi xếp bằng, phụ mẹ lau những cọng lá còn đẫm sương sớm. Ba lục tủ tìm cái khuôn bánh ngả màu chẳng biết đã qua bao nhiêu mùa Tết. Xong đâu đấy, ba ngồi xuống sắp những chiếc lá đầu tiên vào khuôn và khoan thai chỉ cho chị em tôi cách gói bánh. Mùi của đỗ xanh, của thịt, của nếp và lá thoảng ra khắp nhà.

 

Mẹ nhen lửa rồi lấy cái nồi thật to sắp bánh vào nấu. Chị em tôi thường tranh nhau coi bếp để tận hưởng hơi ấm tỏa ra từ đống than củi cháy rực. Má đứa nào đứa nấy hồng lên, lại đưa tay áp vào má nhau mà cười khanh khách.

 

Bánh chín, mẹ cẩn thận mở vung, mùi lá chuối, lá dong và khói hòa quyện làm đặc cả không gian. Với tôi, thưởng thức những chiếc bánh đầu tiên với cả nhà bao giờ cũng là giây phút tuyệt vời nhất.

 

Giao thừa, những nén hương được kính cẩn đặt lên bàn thờ tổ tiên. Mùi nhang trầm tỏa ra nghe linh thiêng và ấm áp. Cả nhà ngồi quây quần, trò chuyện về những dự định trong năm mới, ai nấy đều phấn khởi, hân hoan. Sáng mồng một, theo chân ba ra mộ thắp hương cho ông bà, mùi cỏ sương ngai ngái, những cọng cỏ chạm bàn chân nghe dễ chịu. Cây cỏ cũng tươi hơn khi xuân về, sương và nắng chùng chình trên ngọn sầu đông gần đấy.

 

Tết ngày xưa còn có mùi của pháo. Hễ nghe tiếng đùng đoàng từ nhà nào đó, đám con nít lại chạy nhanh ra ngõ, lắng nghe tiếng pháo nổ râm ran mà reo vang thích thú. Xác pháo bay lên trời làm rực cả khoảng sân, mùi pháo đọng lại thật lâu ở đó, khiến đám con nít ngẩn ngơ tiếc nuối.

 

Bây giờ, mỗi mùa Tết đến, không dưng mà thấy lạ lẫm và nhạt nhẽo với những hương Tết của thời hiện đại. Là mùi hăng hắc nồng nặc của những thứ nước lau kính, lau nhà. Những hộp bánh, hộp mứt đóng kín thậm chí chẳng bay mùi của đường hóa học. Cả xóm hiếm nhà nào làm mứt Tết. Vì tiện dụng, đỡ mất thời gian, mấy cô mấy chị lên chợ đã có cơ man nào mứt bánh. Tết bây giờ nằm hết ở siêu thị, ở chợ, ở các gian hàng tạp hóa.

 

Ba ngày Tết rồi cũng trôi qua nhanh chóng chẳng để lại chút dư âm như ngày xuân cũ. Có phải vì tôi đã quen với những hương Tết nồng nàn giản dị của ngày xưa mà thấy xa lạ, chẳng mặn mà với những mùi Tết bây giờ. Bất giác, lại bâng khuâng nhớ những mùi Tết đã qua nay chỉ còn trong ký ức.

 

Diệu Ái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm