Mẹ tốt

(Dân trí) - Khi con trai ra đời, cả hai vợ chồng tôi đều chưa có kinh nghiệm gì về chăm sóc, nuôi dạy trẻ con. Những cặp đôi khác trong số bạn bè chúng tôi dễ dàng quay lại cuộc sống bình thường khi chọn cách mang con đi nhà trẻ. Tôi lại không thể làm vậy.

 
Mẹ tốt


Tôi nghỉ việc ở nhà, dành toàn bộ thời gian của mình cho con. Đến khi thằng bé 2 tuổi rưỡi, vợ chồng tôi mới có đêm đầu tiên xa nó. Chúng tôi phải vắng nhà trong khoảng 24 giờ để đến dự đám cưới một người bạn sống ở tỉnh khác. Bà ngoại quá tốt khi nhận lời đến trông cháu giúp vợ chồng tôi. Đó là đêm đầu tiên thằng bé được người khác dỗ giấc, và tôi yên tâm vì “người khác” ấy là bà ngoại.

 

Ngày hôm sau vợ chồng tôi đã có mặt ở nhà, tay trong tay hớn hở vì lại được sống một cách bình thường - được quyền cho phép bản thân ngủ đêm suốt 8 tiếng liền không ngắt quãng, được ăn sáng với nhiều món ngon, được bên nhau trong buổi sáng nhàn rỗi, âu yếm, đùa vui trên chiếc giường lớn trải ga trắng tinh của khách sạn. Cảm giác cứ như đang sống trên thiên đường, như đi du lịch tới một đất nước mà đã quá nhiều năm rồi hai vợ chồng không được đến.

 

Thế nhưng vẻ hớn hở ấy chẳng kéo dài được lâu. Vừa bước chân vào nhà, chúng tôi đã được bà ngoại cu tí chào đón bằng khuôn mặt đầy nước mắt.

 

“Thật kinh khủng!”, bà nói. “Đêm nào các con cũng trải qua điều đó phải không?”.

 

Bà không cần giải thích nhiều, tôi hiểu tất cả điều bà muốn nói. Màn đêm cất giữ một bí mật khốn khổ của gia đình tôi. Max, đứa con trai xinh xắn, dễ gần của chúng tôi từ lúc sinh ra đã có vấn đề về sức khỏe. Cháu rất khó ăn, và thường xuyên mơ thấy ác mộng trong giấc ngủ. Thằng bé còn hay đau bụng, và sẽ nôn ngay mỗi lần khóc quấy vì ngạt. Nó chỉ cảm thấy an toàn khi được ngủ trên ô tô, và đó là lý do tại sao mỗi đêm vợ chồng tôi đều đặt thằng bé vào ghế ngồi ô tô, ủ chăn cho nó thật ấm, đặt bạn gấu teddy lên lòng nó rồi bắt đầu hành trình lái xe vào giấc ngủ. Chúng tôi có thể sẽ phải lái xe qua màn mưa, qua bóng tối bất tận, liên tục để ý qua kính chiếu hậu xem đôi mắt ướt tròn xoe của thằng cún đã cụp xuống chưa. Rồi chúng tôi sẽ lái xe về, chầm chầm đưa ô tô và gara, nín thở rón chân từng bước lên lầu, khẽ khàng đặt thằng bé xuống giường của nó. Nhiều đêm tôi phải dậy vì thằng bé khóc quấy nôn hết ra thảm, lại bắt đầu hành trình đưa nó xuống ô tô và lái xe đi… Có những hôm lái xe đi vào 4 giờ sáng, khi cả hai vợ chồng đều vô cùng mệt mỏi tới mức không nhìn rõ đường. Vợ chồng nhìn nhau trong tuyệt vọng, chúng tôi khóc cùng Max, sợ rằng thằng bé chẳng bao giờ có thể khỏe mạnh bình thường.

 

Bà ngoại đã biết hết bí mật của chúng tôi.

 

“Các con cần nhờ ai đó giúp đỡ” - bà nói gần như van nài. Đây không phải lần đầu tiên bà góp ý tôi chuyện đó. “Con không thể sống như thế này, không thể tự mình xoay xở như vậy hàng ngày, hàng đêm”.

 

“Chúng con sẽ ổn thôi mẹ” - Tôi trả lời bà thế vì dù sao vợ chồng tôi cũng quen với chuyện này 2 năm nay rồi. Tôi bảo bà rằng tôi không cần người trông trẻ. Tôi bảo tôi sẽ ổn, nhưng thực tình tôi không được ra ngoài gặp gỡ bạn bè tuổi tối, con trai tôi không thể đi ngủ mà không có tôi. Dù sao thì tôi cũng ổn, tôi không muốn để thằng bé lại một mình với bất kỳ ai, nó quá ốm, nuôi nó quá khó, và người ngoài sẽ chẳng biết phải làm gì với một đứa trẻ đặc biệt như nó. Nói chung là rồi chúng tôi sẽ ổn.

 

Nhưng thực ra chẳng ổn chút nào.

 

Tôi luôn có cảm giác hai vợ chồng bị cô lập, và tuyệt vọng, lo sợ, cô đơn. Nhưng làm sao mà tôi lại phải tìm ai đó khác để lo cho con tôi chứ? Nếu không lo được cho đứa con 2 tuổi thì tôi là loại mẹ gì? Và nếu không dành mọi thời gian chăm sóc cho con, thì tôi bỏ việc để ở nhà làm gì chứ? Nhưng các bạn tôi cũng tự nuôi con họ, và họ vẫn thu xếp được để ra ngoài chơi tối, để tiếp tục cuộc sống bình thường của mình. Rõ ràng là, vấn đề nằm ở chính tôi.

 

Tôi gặp Michelle tại quán cà phê vào một buổi chiều để phỏng vấn cô ấy. Michelle không phải một vú em, không phải một học sinh trung học kiếm việc làm thêm bằng cách tạt qua nhà chơi với con ai đó một hai tiếng trong lúc họ nấu ăn, Michelle đã tốt nghiệp đại học và rất có trình độ, chuyên môn trong việc chăm sóc trẻ. Chính cô ấy cứu rỗi cuộc đời tôi.

 

Những tuần đầu tiên có Michelle đến trông Max, tôi không thể rời hai cô cháu nửa bước. Có lúc tôi phải bối rối nói với Michelle rằng mong cô ấy thông cảm, tôi là bà mẹ hay lo, tôi không thể yên tâm nhả ra bất cứ việc gì. Tôi vẫn nhao vào thay bỉm cho thằng bé, cấu cuống quả dâu tây khi thằng bé ăn, buộc dây giày cho nó… Tôi luôn bị cảm giác, nếu không làm thế, có nghĩa là tôi không yêu con.

 

Ngày qua ngày, Michelle tìm hiểu dần về Max, Max cũng tìm hiểu Michelle. Michelle nhận ra được những âm thanh Max sẽ tạo ra trước khi thằng bé bắt đầu ngạt thở, cô ấy biết phải cho thằng bé uống thuốc gì, liều lượng ra sao, cô ấy biết cắt bánh mì hình nào thì thằng bé sẽ thích ăn, và cô ấy tự chế một bài hát riêng để nghêu ngao mỗi khi thay bỉm cho Max.

 

Quan trọng nhất, Michelle học được cách ứng xử với tôi. Cô ấy có kế hoạch cụ thể với việc thông báo cho tôi biết lịch trình, sinh hoạt của hai cô cháu. Cô ấy thực sự chú tâm đến những lo lắng, sợ hãi của tôi. Cô ấy hiểu sự lộn xộn trong nhà là tấm gương phản ánh mức độ stress của vợ chồng tôi. Cô ấy giúp tôi đôi chút trong việc thu dọn. Cô ấy nhẹ nhàng, tử tế, cô ấy cho tôi thấy rằng mỗi người còn cần chăm sóc cả chính gia đình mình chứ không phải chỉ mỗi đứa con.

 

Rồi tôi cũng được dễ thở hơn, bắt đầu quay trở lại với công việc, hoàn thành một số bài viết tốt. Tôi có thể ra quán cà phê thả mình thư giãn khoảng 30 phút, ngắm nhìn vô định trong khi nhâm nhi tách latte. Tôi thậm chí bắt đầu yên tâm ngủ trọn giấc trong phòng. Cuối ngày Michelle sẽ về và tôi lại sẵn sàng làm một người mẹ. Quả tình, cô ấy giúp tôi trở thành bà mẹ tốt hơn. Khoảng thời gian được dành riêng cho bản thân giúp tôi tràn trề năng lượng, nhiệt huyết, cả kiên nhẫn hơn khi quay lại “làm mẹ”.

 

Đã hai năm trôi qua kể từ khi Michelle đến. Bây giờ cô ấy là bạn của gia đình và Max rất yêu quý Michelle. Khi chồng tôi ốm phải nhập viện phẫu thuật, tôi vẫn yên tâm ở lại chăm sóc anh vì biết Max đã có người chăm lo tốt.

 

Lúc ấy tôi hiểu rằng, tôi không phải bà mẹ tồi chỉ vì tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Trái lại, điều đó khiến tôi trở thành một người mẹ tốt hơn.

 

Huyền Anh

Lược dịch theo MSN