Lối về

Ông nội sống với bà nội có bảy mặt con, ba của anh là út. Suốt thời trai trẻ, ông không ngừng làm khổ bà khi dăm bữa nửa tháng lại bỏ đi với tình nhân, đến khi túi rỗng thì lếch thếch quay về.

60 tuổi, ông mê người phụ nữ lỡ thì ở làng bên rồi dọn qua ở luôn bên ấy. Ba của anh lúc đó sắp cưới mẹ, bao lần quỳ sụp trước tổ ấm mới của ông mà van nài, nhưng ông vẫn từ chối vai trò chủ hôn... Vậy mà mười năm sau, vừa nghe nói ông bị người ta đẩy ra đường khi tuổi già sức yếu, bà lại đón ông về chăm sóc tận tình...

Với “dòng máu đa tình”, ba của anh đã ở với “phòng nhì” khi anh vừa một tuổi. Vì mẹ vẫn làm tròn phận dâu con với bà nội nên mỗi tháng ba lại về thăm nhà. Vừa thấy mặt ba là mẹ chì chiết, để rồi khi ba chuẩn bị đi, mẹ lại gói ghém quần áo, sách vở cũ gửi cho mấy đứa con riêng của chồng. Gần 40 năm đằng đẵng, mẹ như vẫn âm thầm chừa cho ba một lối về, khi nghe phong thanh những tủi cực mà ba đang chịu...

Lối về



Tất cả những chuyện “thâm cung bí sử” của gia đình anh, anh chưa bao giờ giấu giếm em. Thoạt đầu, em rưng rưng cho thân phận hai người phụ nữ mà anh yêu kính nhất, nhưng lâu dần, em lại thắc mắc, đào bới nguyên nhân, có phần chỉ trích nhiều hơn. Em hay nói bâng quơ: “Người vợ mà nhịn nhục, yếu đuối quá, người chồng dễ... leo lên đầu, lên cổ”.

Rút kinh nghiệm, em bắt anh phải “đi thưa về trình”, hạn chế tối đa mọi quan hệ với người khác phái, lương bổng “cống nạp” hết. Mỗi ngày đi làm về, anh đều bị em săm soi, với nhiều “biện pháp nghiệp vụ” từ truyền thống tới tân tiến nhất. Em thường cảnh báo: “Bà và mẹ anh còn động lòng trắc ẩn, chứ em thì anh mà đi, em cho đi luôn. Đừng mong mang thân tàn ma dại trở về”.

Anh thật sự mệt mỏi, chán ghét mỗi khi nghe câu ấy. Đôi khi anh làm một phép so sánh, thấy sao phụ nữ thời... càng xưa thì càng rộng lượng, càng giỏi chịu đựng.

Theo dõi báo đài, thỉnh thoảng anh cũng bắt gặp những chuyện vợ chồng cũ mà nghĩa nặng tình sâu giống như hoàn cảnh của ông bà, cha mẹ anh. Là đàn ông, anh hiểu, ông anh, ba anh, và có lẽ cả những người chồng khác, giây phút dứt áo ra đi, không bao giờ trông mong ngày quay về, dù mình có thân bại danh liệt. Và khi phải muối mặt nương tựa “người xưa”, những hối hận, ăn năn còn dày vò họ gấp nhiều lần so với bị rẻ rúng, hắt hủi.

Anh không đồng tình, cổ xúy thói trăng hoa của ông cha, anh chỉ kính cẩn nghiêng mình trước nghĩa tình của những người phụ nữ. Và anh cảm thấy bị tổn thương, khi em luôn nhìn anh qua những “tấm gương mờ”...

Theo Hữu Thái
PNO