Làm sao tránh việc vợ chồng lục đục ngày giáp Tết?

Vào những ngày cận Tết mỗi gia đình lại có muôn vàn nỗi lo. Dẫn đến, nhiều cặp vợ chồng lục đục đủ thứ chuyện.

Làm sao tránh việc vợ chồng lục đục ngày giáp Tết? - 1

Vợ chồng nên dung hòa công việc để đón một cái Tết đầm ấm vui vẻ, thuận hòa. Ảnh minh họa: T.L

 

Cãi lộn chỉ vì ô sin về nghỉ sớm

Năm nào đến những ngày giáp Tết, vợ chồng chị Liên và anh Thùy (ở Hà Đông, Hà Nội) cũng lục đục. Đôi khi chỉ vì chuyện nhỏ nhặt trước Tết mà vợ chồng không thèm nói chuyện với nhau một lời. Ngày xuân tưởng tươi vui, vợ chồng anh chị mặt mày ủ rũ, giận dỗi nhau khiến không khí gia đình vô cùng căng thẳng.

Giờ chỉ còn hơn nửa tháng nữa là Tết, vợ chồng lại đang lục đục vì ô sin xin về quê sớm, bỏ lại cho vợ chồng anh chị chật vật lo cho hai đứa con và chuyện nhà cửa. Cuối năm, công việc cơ quan đều bận rộn vợ chồng không thể nghỉ được. Hai đứa con anh chị còn nhỏ, bố mẹ đôi bên mất sớm nên chỉ trông chờ vào người giúp việc.

Chị Liên kể, người giúp việc là người họ hàng, ở với gia đình chị đã nhiều năm. Bà được cái biết việc lại chăm chỉ, thật thà nên vợ chồng chị không muốn thuê người khác. Từ khi có bà trông, anh chị thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong chuyện nhà cửa, con cái. Hai đứa con nhà anh chị cũng rất quý người giúp việc. Vợ chồng muốn giữ giúp việc ở lại không được vì nhà bà có việc. Báo hại vợ chồng anh chị vật lộn với bao công việc cuối năm lại thêm chuyện nhà cửa, con cái khiến cả hai quay như chong chóng.

"Cuối năm không chỉ vì chuyện người giúp việc, hai vợ chồng nhiều khi cũng hay nói nhau vì chuyện đối nội, đối ngoại, đi Tết hai bên gia đình, biếu xén quà cáp, lại sắm sửa trong nhà. Ti tỉ thứ cần giải quyết trước khi nghỉ Tết khiến mọi thứ cứ rối tung lên. Hai vợ chồng nóng nảy, gằn hắt nhau, tị nạnh chuyện công việc vì không giúp đỡ, san sẻ cho nhau", chị Liên tâm sự thêm.

Khác với chị Liên anh Thùy, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hòa lại cãi cọ nhau chỉ vì chưa thống nhất được năm nay sẽ "ăn Tết nội hay ăn Tết ở ngoại". Hai vợ chồng anh chị mỗi người một quê, lại cách xa nhau hàng trăm cây số. Chị ở tận Hà Giang, còn anh tít ở trong Quảng Trị. Anh chị cũng đã bàn năm nay về ăn Tết một quê. Chuyện tưởng chừng đã thống nhất như vậy nhưng lại bị xáo trộn bởi điều khách quan ngoài ý muốn.

"Cách đây mấy hôm, bố mẹ chồng gọi điện sớm bảo năm nay nhất định phải về nội ăn Tết vì có anh chị đi xuất khẩu lao động về ăn Tết cùng. Trong khi đó, bố mẹ đẻ lại đưa ra lí do nhất quyết năm nay phải ăn bên này vì năm rồi không ăn Tết ở ngoại, các cụ nhớ con, nhớ cháu. Vậy là hai vợ chồng lại giận nhau, chưa quyết định nghe theo lời bên nào", chị Hòa cho hay.

Tại các diễn đàn mạng, những câu chuyện đón Tết trong sự mệt mỏi, căng thẳng với nhau chỉ vì những chuyện như dọn dẹp nhà cửa, quà biếu đôi bên nội ngoại… cũng được nhiều chị em chia sẻ.

Để vợ chồng tránh những lục đục không đáng có

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, khi không có áp lực, trước mỗi việc ai cũng thường có suy nghĩ rất thấu đáo. Nhờ điều đó mà vợ chồng cũng ít cáu gắt hơn. Khi phải chịu nhiều áp lực, mệt mỏi cả về tinh thần và vật chất, đặc biệt vào thời điểm những ngày cận Tết, tâm lý nhiều người sẽ dễ dao động.

Tết đến xuân về cùng niềm vui một năm mới, kèm theo bao mối lo về dọn dẹp nhà cửa, công việc cơ quan, sắm sửa, đối nội đối ngoại… dễ khiến vợ chồng đau đầu. Nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, vật giá lên cao hiện nay để lo cái Tết tươm tất cũng tốn một khoản không hề nhỏ. Và khi kinh tế không đảm bảo, chuyện giận nhau là điều khó tránh.

Không những thế, dịp Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ nên hầu như ai cũng muốn được ở bên ruột thịt, những người gắn bó với họ đã vài chục năm. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng khi chồng muốn vợ ăn Tết nhà nội, vợ lại muốn về nhà đẻ. Mỗi người đưa ra một quyết định, bắt người kia phải theo mình dẫn tới cãi vã. Chuyện này thường rơi vào những cặp vợ chồng trẻ.

Theo chuyên gia Trịnh Trung Hòa, mâu thuẫn, cãi cọ vợ chồng nào cũng gặp phải trong đời sống vợ chồng. Điều quan trọng là cả hai khéo léo giải quyết, đừng để những lý do trên chi phối làm cho nảy sinh xung đột khiến Tết mất vui.

Trong những ngày Tết nhiều việc và chi tiêu nhiều, các cặp vợ chồng càng cần phải bình tĩnh hơn trong việc giải quyết. Để tránh điều này, vợ chồng nên bình tĩnh ngồi lại bàn tính kế hoạch cho những ngày Tết. Vợ chồng hãy lên kế hoạch ngay từ giờ cho công việc, sắp xếp nhà cửa từ trước để việc chuẩn bị đón năm mới không quá tất bật. Tránh việc dồn tất cả mọi việc vào sát Tết quá. Nếu không khéo sắp xếp sẽ dẫn đến cảm giác phải gánh nhiều việc, khi quá mệt mỏi khó tránh khỏi khó chịu. Bùng nổ mâu thuẫn là rất dễ xảy ra.

Các cặp vợ chồng hãy lập một danh sách những việc phải làm, ai sẽ là người chịu trách nhiệm ở mỗi đầu việc đó để san sẻ gánh nặng cho nhau. Trong việc chi tiêu Tết, đừng vì quan niệm "mỗi năm chỉ tiêu Tết có một lần" nên vung tay mua sắm. Việc mua bán khi xuất phát từ ý riêng của một người mà không có sự thông qua trước, nhất là những vấn đề lớn mâu thuẫn càng căng thẳng hơn. Cách duy nhất để tránh những mâu thuẫn nảy sinh, vợ chồng nên bàn bạc kĩ với nhau để tìm tiếng nói chung trong chi tiêu ngày Tết.

Với việc về quê ăn Tết ở đâu, phải cùng nhau bàn bạc chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội và ngoại. Hoặc cùng thống nhất với nhau rằng, năm nay ăn Tết bên này thì sang năm về bên kia trong trường hợp gia đình hai bên quá xa nhau. Bởi ngày nghỉ Tết dù có dài nhưng nếu đi lại mất quá nhiều thời gian cũng sẽ không thể có được những ngày nghỉ đúng nghĩa. Trong trường hợp vì lý do khách quan, hãy cân nhắc sự quan trọng của lí do đó để có quyết định trên cơ sở chia sẻ cùng nhau.

Mọi người cần hiểu Tết là thời gian nghỉ, làm sao để thời gian đó vợ chồng con cái thật vui vẻ, có những trải nghiệm ý nghĩa, gắn kết hơn. Đôi khi cả nhà không về bên nội hay ngoại mà tổ chức một chuyến du lịch cũng rất ý nghĩa.

Theo Phương Thuận

Gia đình và Xã hội