“Lạm dụng” con rể

Mấy ngày nay, Tuấn toàn ngủ gật ở cơ quan. Bị đồng nghiệp trêu: “Đêm qua “làm việc” hăng quá à?”, Tuấn cũng chẳng cười nổi. Bởi lý do thực sự là anh đang lao đao vì bố mẹ vợ.

“Lạm dụng” con rể - 1
 
Cách đây vài ngày, Tuấn nhận được “lệnh khẩn” từ mẹ vợ, đề nghị anh vào viện chăm sóc bố vợ bị ốm. Sau một đêm “đổ bô” cho bố vợ, sáng ra, Tuấn gọi điện cáu với vợ…

 

Đề xuất của 2 vợ chồng anh là tìm người chăm sốc bố vợ đã bị mẹ vợ gạt phăng đi, bà bảo: “Cả đời mới sai con rể mà. Tìm người ngoài, mẹ không yên tâm”. Thế là, Tuấn không còn cách nào khác, phải nghe lời các cụ.

 

Tuyết (Bắc Ninh) cũng cho biết: “Bố mẹ tôi cậy có con rể làm trên tỉnh nên hay nhờ vả về vật chất. Hôm nay gọi điện mượn con rể ít tiền lát lại cái sân; ngày mai alô vay con rể vài triệu mua bộ bàn ghế. Có những món nợ từ lâu, ông bà cũng quên không trả. Các cụ toàn gọi điện trực tiếp chứ không thông qua con gái nên khi tôi biết thì mọi chuyện đã rồi. Sau đó, tôi thấy chồng mình bực bội nhưng lại ngại nói ra vì anh ấy cũng sợ mang tiếng”.

 

Một lần, chẳng hiểu sao chuyện tiền nong giữa chồng Tuyết và bố mẹ vợ lại đến tai mẹ chồng cô. Bà cho rằng con trai mình đang bị “lợi dụng” nên sang bên nhà thông gia làm ầm ĩ. Sau chuyện đó, Tuyết cũng bị mẹ chồng “khó chịu” vì nghi con dâu “xúi giục” con trai bà…

 

Nhà Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) có một cậu em trai và một ông anh trai cao to, khỏe mạnh. Thế nhưng, trong nhà có việc gì, bố mẹ cô toàn lớn tiếng “sai bảo” con rể (trông rất “còi”). “Từ chuyện chạy ra chợ mua thêm ít hành khi nhà làm giỗ, đến chuyện quét mạng nhện hay thay bóng đèn, bố mẹ tôi cũng réo tên anh ấy” - Lan kể thêm.

 

Lan cho biết, cũng nhiều lần góp ý nhưng bố mẹ cô cứ gạt đi. Ông bà lý luận rằng, có yêu quý con rể thì mới “sai bảo” nhiều như thế…

 

Động viên tinh thần của chồng

 

Nếu bố mẹ vợ thích sai con rể thì các cụ thường dễ tính, có ý muốn gần gũi con rể (hoặc do tâm lý thích nhờ vả con rể hơi thái quá). Nếu chuyện này được duy trì ở tần suất bình thường, người chồng không quá khó chịu thì người vợ không nên quá lo lắng.

 

Một số anh chồng rất nhiệt tình với công việc nhà vợ và không nề hà bất cứ chuyện gì. Ngược lại, một số anh chồng sẽ xuất hiện cảm giác bực bội vì bị “sai khiến” và trút bực bội lên đầu vợ, cũng kể từ đó, các anh sẽ ngại sang nhà vợ và chỉ về bên ngoại khi bị thúc ép.

 

Tùy vào hoàn cảnh, người vợ có thể khuyến khích chồng tham gia vào những phần việc bên nhà vợ hoặc không. Trong trường hợp, thấy chồng mình bị “sai”, người vợ có thể bàn bạc để san sẻ bớt những phần việc khác nhau cho chồng. Cách này khiến vợ chồng hòa hợp và có trách nhiệm với nhau hơn.

 

Nếu chồng bị “sai” quá đáng, vợ nên chia sẻ cùng chồng. Người vợ có thể đánh tiếng trước rằng: “Nếu bên nhà em có gọi thì anh báo với em”. Qua đó, nếu người vợ thay chồng từ chối yêu cầu (không hợp lý) từ bên ngoại thì mọi chuyện thường dễ dàng hơn.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé