“Làm dâu, tết phải ở nhà chồng”?

(Dân trí) - Trên trang cá nhân, bạn tôi viết những dòng thở than hệt như buông một tiếng thở dài não nuột: “Lại một mùa xuân nữa con không cùng mẹ đón xuân. Bảy năm rồi, bảy năm con không về quê dịp tết. Bảy năm rồi, xa mẹ con như vắng cả mùa xuân”.

Bạn tôi là giáo viên dạy văn, quê miền Trung nhưng sau khi tốt nghiệp thì vào Nam lập nghiệp. Chồng bạn là người gốc cùng quê nhưng cả gia đình đã Nam tiến từ lâu. Chính vì vậy, chồng bạn mỗi năm xuân đến tết về không có lý do để về quê. Anh ấy lại khó tính và gia trưởng, thời đại này rồi nhưng vẫn quan niệm “con dâu phải chăm lo tết nhà chồng”. Vậy nên bảy năm làm dâu là bảy năm bạn không được về quê đón tết.

Chồng bạn đối với bạn không phải là quá tệ. Anh ấy yêu vợ, thương con, chỉ là tính tình có chút khô khan, gia trưởng và thực dụng. Không phải bạn không bàn ra bàn vào, không phải không có chính kiến. Nhưng năm nào nói đến chuyện về tết ngoại hai vợ chồng cũng cãi nhau. Anh nói rằng, “cả năm, em tranh thủ về được ngày nào thì về nhưng tết thì nhất định không được. Em là dâu cả, tết nhất phải chăm lo cho nhà chồng. Giá mà ở gần gần thì mồng một tết nội mồng hai tết ngoại. Đằng này khoảng cách hàng nghìn cây số, muốn về là về được sao?”.

Không chỉ riêng chồng không hiểu cho, bố mẹ và em út bên chồng cũng cùng quan điểm đó. Vài năm đầu bạn còn ấm ức tủi hờn khóc lóc, lâu dần rồi cũng thành quen. Bạn nói: “Nốt năm nay không về thôi vì đứa thứ hai còn nhỏ quá. Năm sau nhất định sẽ về”. Chỉ là về quê ăn tết với mẹ thôi mà, sao với nhiều người lại khó khăn đến thế?

“Làm dâu, tết phải ở nhà chồng”? - 1

Ai chẳng nhớ mong, ai chẳng biết vui buồn, cớ sao ngay cả những ngày vui cũng phải phân bì con gái con trai, đằng nội đằng ngoại

Tâm lý chung, hầu như bố mẹ chồng nào cũng muốn con dâu phải chăm lo cho nhà mình những dịp tết nhất. Cũng là cha mẹ, sao họ lại không hiểu nỗi lòng những người làm cha làm mẹ khác. Phụ nữ lấy chồng xa quê, tết chính là dịp nghỉ dài ngày nhất để được về thăm nhà. Những ông bố bà mẹ gả con xa cũng chỉ mong dịp cuối năm vui vầy sum họp. Ngày thường thì thế nào cũng được nhưng tết về ai chẳng mong được đoàn viên.

Ngày tôi mới lấy chồng, cái tết đầu tiên, mẹ chồng thủ thỉ “Hai mẹ con thu xếp tranh thủ về ngoại chơi trước đi, tết khỏi phải về”. Thế nhưng nhờ trời, chồng tôi lại là người hiểu chuyện. Dù nội ngoại cách xa nhau 200 cây số, nhưng năm nào cũng sáng mồng hai là cả nhà dắt díu nhau về ngoại.

Mấy năm sau này, vì thấy tết nào cũng như chạy show, vừa mệt mỏi vừa tết không trọn vẹn, chồng tôi bảo “hay mình một năm ăn tết nội, một năm ăn tết ngoại, chứ có dăm ngày tết chỉ lo đi về thế này tội con nhỏ”. Mẹ chồng tôi nghe xong liền phản đối: “Không được, chúng mày là con cả, tết phải ở nhà, xong mồng một muốn đi đâu thì đi”.

Vậy nên năm nào ăn tết ngoại, chồng cho mẹ con tôi về quê trước, còn anh sáng mồng hai mới vào, coi như chu toàn cả hai bên nội ngoại.

Sau này mẹ chồng thấy con cháu một năm ăn tết ngoại, một năm ăn tết nhà mình vui vẻ và trọn vẹn hơn là năm nào cũng sáng mồng hai bồng bế nhau đi nên bà không phàn nàn gì nữa.

Suy cho cùng, tết đâu phải cho riêng ai. Tết là dịp để đoàn viên. Là đi xa được trở về gần, là cha mẹ gặp con, ông bà gặp cháu. Ai chẳng nhớ mong, ai chẳng biết vui buồn. Vậy cớ sao ngay cả những ngày vui cũng phải phân bì con gái con trai, đằng nội đằng ngoại.. Chẳng lẽ sinh con trai thì tết về được chăm lo, sinh con gái thì cha mẹ phải chịu cô đơn buồn nhớ. Nghĩ sao cho đành.

Vậy nên khi đọc dòng trạng thái của bạn mình, tôi có chút không cam lòng. Tôi bảo bạn, mình phải nói sao cho chồng hiểu, mình không sống phụ thuộc chồng, cớ gì sai đúng cũng phải răm rắp tuân theo?

Bạn thả một cái hình mặt người rơi nước mắt: “Mình cũng lên tiếng nhiều, cãi vã nhiều, knhưng gặp phải ông chồng ích kỉ, không hiểu chuyện nên rất khổ tâm. Lẽ nào tết lại vùng vằng giận dỗi để về quê mặc chồng ngăn trở. Nên có những chuyện, người ngoài không hiểu thấu được đâu. Mình chỉ nói với chồng mình: Anh cũng hai cô con gái, sau này chúng lấy chồng, tết nhất không có đứa nào về thì đừng mong”.

L. Giang