Lại chuyện nàng dâu với mẹ chồng

(Dân trí) - Nhiều nàng dâu bây giờ rỉ tai nhau, phải “cứng” ngay từ đầu nếu không muốn bị mẹ chồng đè đầu cưỡi cổ.

Lại chuyện nàng dâu với mẹ chồng - 1

Tôi có cô bạn thân, thưở yêu đương bị mẹ bạn trai ngăn cấm vì “hai đứa không hợp tuổi”. Sau này dù được chấp thuận rồi vẫn rất ác cảm với mẹ chồng.

Lần mang thai đầu tiên bị sảy, cô bảo do mẹ chồng bắt làm việc nhà nhiều quá. Đứa con thứ hai quấy khóc, khó nuôi, cô bảo do mẹ chồng đặt tên. Vậy nên đến đứa sau, cô nhất quyết tự đặt tên cho con mình rồi khoe với tôi “đấy, thằng bé do tao đặt tên nên ngoan ngoãn, dễ nuôi hẳn”.

Chồng cô là dân xây dựng, hay đi làm công trình xa. Cô ở riêng, nhà cách nhà mẹ chồng mỗi dải hàng rào nhưng năm thì mười họa mới ghé sang. Mẹ chồng ốm nhờ chở đi bệnh viện khám thì lý do “con không xin nghỉ làm được”. Mẹ chồng giận, gọi điện cho chồng cô mách thế là cô gọi điện cho tôi khóc lóc: “Tao biết mà, xưa giờ bà ấy có ưa gì tao. Con dâu sai chỗ nào sao không nói lại gọi điện mách con trai, nói xấu đặt điều để chồng tao gọi điện về mắng mỏ, làm thế khác gì làm vợ chồng con cái mâu thuẫn”.

Tôi có cô bạn người Hà Nội gốc lấy chồng người tỉnh lẻ, hầu như không có lần gặp gỡ nào là không lôi mẹ chồng ra chê bai nói xấu. Mẹ chồng thỉnh thoảng lên chơi xách lên con gà, vài mớ rau, chục quả trứng thì nàng bĩu môi: “ Mẹ ơi, thành phố cái gì chả có mà mẹ phải đưa củi về rừng”. Lúc nào cô cũng bảo “ở thành phố với lại “người nhà quê”. Nhiều khi tôi nghĩ, cô chê mẹ chồng “quê mùa” nhưng lại lấy một anh chồng con của người mẹ quê mùa ấy, là cớ làm sao?

Tết rồi về quê, nghe các dì các cô kể chuyện dâu con nhà mình rồi cười với nhau “Thời đại giờ, mẹ chồng mà không tử tế con dâu á, về già nó chẳng thèm ngó, cháu nó cũng không cho bế. Gặp thằng con mình cứng thì được, thằng con mà nhu nhược thì coi như mất luôn con. Làm mẹ chồng thời nay khó lắm, đâu có bắt nạt được con dâu như xưa đâu. Mắng nó một câu, nó vặc lại hai ba câu, chả hóa ra mình già đầu rồi mà dại. Thôi thì mình làm mẹ cứ ăn ở cho đúng, chỉ mong chúng nó thương yêu nhau. Chứ mà làm khó con dâu như mẹ chồng làm khó mình ngày xưa có mà chúng nó đòi li dị hết”.

Tôi cũng là phụ nữ, cũng đi làm dâu. Ngày đầu về nhà chồng, mẹ chồng tôi nói: “Giờ con là dâu con trong nhà rồi, con khôn thì mẹ được nhờ, con dại thì mẹ dạy”. Mẹ chồng tôi nói chỉ một câu thế thôi mà lo ngay ngáy. Nhưng tính tôi vốn không khéo ăn, khéo nói, cũng không biết giả lả màu mè, cứ tính tôi thế nào thì sống thế ấy. Với mẹ chồng tôi cũng thoải mái, vô tư như với mẹ đẻ, việc gì không làm được thì tôi bảo không làm được, món gì không ăn được thì tôi bảo không quen ăn, cái gì không thích cứ thẳng thừng là không thích.

Đôi lúc mẹ có nói tôi vài câu khó nghe,hay phiền trách vài chuyện chẳng đâu vào đâu, tôi cũng nghĩ mình là dâu mà, làm sao đòi hỏi bà thương như con đẻ được. Ấy vậy mà lần tôi sinh phải mổ cấp cứu, mẹ chồng tôi cứ chạy dọc hành lang bệnh viện khóc tu tu, bà còn dặn chồng tôi “Nếu cực chẳng đã chỉ cứu được hoặc mẹ hoặc con, con nhất định phải bảo bác sĩ cứu lấy mẹ nhé”. Nghĩ lại bây giờ mắt tôi vẫn thấy cay cay.

Thật ra thì cứ đơn giản lại dễ sống, cứ suy diễn chuyện nọ xọ chuyện kia, rồi suy bụng ta ra bụng người làm gì cho mệt. Mình sai, mẹ đẻ mình chửi mắng mình thì cho là “thương cho roi cho vọt”, nhưng mẹ chồng mà chửi mắng mình thì cho là “ghét bỏ, không tôn trọng”, có phải là có chút không công bằng không?

Mẹ chồng là ai? Đó là người đã sinh ra chồng mình, nuôi nấng dạy bảo chồng mình để hôm nay mình yêu thương, tin tưởng. Mẹ cha mình nuôi mình khó nhọc ra sao, yêu thương kì vọng nhiều thế nào, thì mẹ chồng đối với chồng mình cũng vậy. Người già có những lí lẽ của người già, người trẻ có suy luận của người trẻ. Ai cũng cho mình đúng, nhưng thực ra là ai cũng có lúc sai. Là phận làm con, nhịn đi vài câu nói, giấu đi đôi niềm bực tức, bao dung với mẹ cha một chút cũng là việc nên làm.

Lê Giang