Chồng Tây vợ Việt ở xứ… mình

Kỳ 1: Nỗi khổ của “Con cave đi với thằng Tây”

(Dân trí)- Joe, anh chàng Canada nổi tiếng giỏi tiếng Việt đã có lần bày tỏ bức xúc: "Em chỉ rất khó chịu khi đưa một bạn gái xinh xinh về nhà lúc khuya khuya, nghe người ta xì xào: Con cave đi với thằng Tây. Tệ quá!”.


Nỗi bức xúc của Joe phản ánh một phần sự kỳ thị vẫn còn tồn tại hiện nay với các cặp trai Tây gái Việt, cho dù dạng hôn nhân này ngày càng phát triển.

 

Họ là ai?

 

Thu Lan, 25 tuổi, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, làm ở một tổ chức phi chính phủ tại TP. Hồ Chí Minh. Mike, sếp người Mỹ của cô đã bị sự hồn nhiên nhưng cũng rất e ấp của Lan chinh phục. Hai năm hẹn hò tìm hiểu kết thúc bằng một hôn lễ sang trọng, ít người nhưng tràn trề hạnh phúc.

 

Quỳnh Liên là một cô gái nhuộm da nâu sành điệu, ngồi thâu đêm ở các bar dành cho Tây trên khu phố cổ Hà nội, lúng liếng trao tình với mọi chàng trong tầm mắt. Sùng bái mọi giá trị của phương Tây, 6 tháng sau có vẻ Liên đã được thoả nguyện khi sóng đôi với một doanh nhân mắt xanh trông giàu có bảnh bao.

 

Ngọc Nhi, Hà Nội, vốn không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu một chàng trai không phải Việt Nam. Sau khi chia tay tình đầu của mình với anh bạn cùng học, cô đến một trung tâm Anh ngữ quốc tế để trau dồi vốn tiếng Anh.

 

Tiếng sét ái tình đã giáng trúng cô với chính ông thầy dạy của mình. Eric, trên chặng đường đi du lịch Đông Nam Á, đã tìm thấy tình yêu của đời mình ở Việt Nam và quyết định dừng bước tại xứ này. 

 

Bức xúc ngay tại nhà mình

 

Sau hôn lễ, tuần trăng mật của Lan và Mike là một tour xuyên Việt để cô giới thiệu với chồng về thắng cảnh và lịch sử Việt Nam. Nhưng Lan đã gặp không ít phiền toái. Tay xích lô ở Đà Nẵng sau khi mặc cả đã nhếch mép bảo cô “Móc được đô la tụi đế quốc cũng phải dành cho đồng bào chút cháo chứ gì keo dữ dzậy cô em?”.

 

Xấu hổ vì bị xúc phạm, cô suýt oà khóc khiến cho anh chồng mắt xanh không rành tiếng Việt sửng sốt không hiểu vì sao. Kể lại chuyện này, Lan vẫn chưa hết tức giận và… buồn.

 

Eric, sau ngày cưới tiếp tục nhận dạy tiếng Anh. Hai vợ chồng đi tìm thuê một căn hộ nhỏ vì tài chính không dư giả mà giá nhà đất ở Hà Nội, theo Eric là đắt gần nhất thế giới. Họ tìm trên mạng rất nhiều địa chỉ nhưng đến khi Nhi dẫn anh tới xem cụ thể, chủ nhà lập tức nâng giá lên cao gấp rưỡi và đòi trả bằng đô la Mỹ. Lận đận mãi, cô đành bảo chồng ở nhà để cô đi một mình.

 

Nhưng nào đã xong, khi cô đã ký hợp đồng thuê một căn nhà nhỏ trong ngõ Lê Đại Hành với giá 2 triệu rưởi, bà chủ nhà thấy một anh tóc vàng dọn valy đến là thái độ thay đổi hẳn. Sau 6 tháng ở đã trả tiền trước, 2 vợ chồng Nhi lại ngậm ngùi xách valy ra đi vì bà chủ tốt bụng đã tuyên bố tăng mức giá gấp đôi.

 

Còn Quỳnh Liên, mỗi khi ra đầu ngõ, mấy anh xe ôm hay ngồi quán nước lại buông ra những lời sỗ sàng: “To thế có chịu nổi không hả em?”. Mấy bà bán nước thì trề môi: “Xấu xấu đen đen thế kia chỉ có Tây nó lấy, mà chắc là thằng Tây này cũng chả ra gì!”.

 

Bình thường Liên im lặng, nhưng đôi khi cô tức khí quay lại và thế là cả khu phố được xem một trận chửi nhau với ngôn ngữ mà chàng Tây của cô có mỏi mắt tra Từ điển tiếng Việt cả ngày cũng không thấy.

 

Thói đời tọc mạch, tâm lý bài “me Tây, me Mỹ” có từ các thời trước cộng với thực tế nhiều cô gái tìm mọi cách để săn được một tấm chồng Tây như Liên đã tạo nên những tình huống dở khóc dở cười trên. Ngọc Nhi đã nhiều lần ngậm ngùi ước “Giá mà chồng em không phải là… Tây!”. 

 

Những khác biệt về lối sống và văn hoá

 

Thu Lan kể, mỗi khi cô thèm ăn đồ Việt Nam, Mike “lịch sự” đi theo nhưng để cô ăn một mình vì không quen. Những quán riêu ốc bò bía vỉa hè khoái khẩu của cô làm chàng nhăn mặt một cách kín đáo khi bước vào.

 

Mỗi khi cô la cà cà phê hàng giờ với đám bạn, anh tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao tụi bạn em lại có thể phí thời gian như vậy?” và nhất định không chịu hiểu đó là “thú vui tao nhã” như lời giải thích của cô.

 

Còn Ngọc Nhi thì dở khóc dở cười khi mấy người bà con ở Nam Định lên thăm, Eric “không chịu nhường” chiếc giường đẹp nhất trong phòng ngủ của hai vợ chồng cho họ. Cô hiểu chồng nhưng lo sốt vó không biết thanh minh ra sao với họ hàng. Truyền thống người Việt là “nhịn miệng đãi khách” trong khi phương Tây tôn trọng sự riêng tư và đề cao tự do cá nhân.

 

Paul, chàng trai đến từ Lyon - Pháp, designer Cty Quảng cáo A. - Hoàn Kiếm, Hà nội, có cha mẹ li dị từ hồi anh còn bé. Cha gặp anh trên một chuyến xe điện ngầm nhưng giả bộ không nhìn thấy. Ký ức đau đớn của tuổi thơ làm anh không muốn lập gia đình cho đến khi gặp Uyên Phương, cô gái Hà thành xinh xắn.

 

Hai người sống rất lãng mạn hạnh phúc, tuy nhiên Paul cương quyết không muốn có con vì “chỉ hai đứa mình yêu nhau là đủ, có “bébé” anh sợ không làm tròn trách nhiệm, sợ làm nó tổn thương như cha đã làm với anh”.

 

Trong khi đó, nhà Uyên Phương trông ngày trông đêm để đón cháu ngoại. Bạn bè Phương cũng giục “vợ chồng không con, buồn lắm” làm Phương thấy bối rối, nhưng Paul vẫn nhất mực “chỉ cần anh với em, chúng mình sẽ đi chu du thế giới. Về già ư? Đã có bảo hiểm, nhà nước lo!”

 

Đòi hỏi hai con người phải hòa hợp 100% tất nhiên là chuyện không tưởng. Ngay cả trong hai gia đình Việt Nam, lề lối phép tắc đã khác nhau rồi. Càng khó khăn nữa khi xuất thân của hai con người là khác nhau với phong tục và quan điểm sống cũng khác. 

 

Hạnh Chi

 

Kỳ 2: Hạnh phúc và những hệ lụy.