Khi đàn ông vào bếp

(Dân trí) - Mặc dù không phải là những đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng có nhiều người đàn ông đã rất thành thạo công việc tưởng chừng như chỉ dành riêng cho phụ nữ ấy...

Ông Quân người Thanh Hóa, nhưng lấy vợ và sinh sống ở Hà Nội đã gần 40 năm nay. Vợ ông vốn là con gái Hà Nội gốc, nền nã, khéo léo và đảm đang từ đường kim mũi chỉ đến cắt đặt việc nhà, nhất là việc chế biến các món ăn thì không ai chê vào đâu được. Thế nhưng bà và các con lại rất phục khi ông Quân nấu những món đồng quê như canh cua mồng tơi, cháo hến, cháo lươn, thậm chí cả rau muống xào.

 

Khi các con còn nhỏ, chủ nhật nào, vợ và hai con gái cũng nhường bếp để ông thể hiện những món ấy, cả nhà xì xụp thưởng thức, nức nở khen ngon. Còn khi con gái lớn đã lấy chồng, con gái nhỏ đi học nước ngoài, mỗi lần về thăm nhà, cô lại viết thư trước đòi bằng được bố nấu canh cua. Thế là ông Quân lại ra chợ từ sớm, tự tay chọn mồng tơi, cua đồng, chuẩn bị sẵn nồi canh. Khi cô con gái từ sân bay về đã thấy mùi canh cua thơm lựng trong bếp...

 

Ông Nguyễn Văn Bách ở xóm 3, Tam Cường, Tam Nông, Phú Thọ thì chỉ vào bếp khi vợ bị ốm đau hoặc lúc sinh nở, nhưng nấu nướng rất nhanh và ngon miệng. Ông kể rằng khi còn ở trong quân ngũ, nhiều khi đơn vị hành quân không có anh nuôi đi theo, ông lại xắn tay, thoăn thoắt làm bếp. “Từ cưới nhau đến giờ là 60 năm rồi, vẫn nấu cơm cho vợ lúc bà ấy ốm, thương vợ nên tôi chả ngại gì!.”  Mỗi lần như thế, bưng bát cơm ông nấu vừa chín tới, vợ ông lại rân rấn nước mắt cảm động.

 

Nhiều khi, người chồng còn cơm nước giúp vợ vì muốn đỡ gánh nặng vừa việc nhà, vừa việc nước. Chị Ngô Bích Tuệ ở số 48, tổ 3, phường Minh Khai, thị xã Phủ Lý là cán bộ văn phòng của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam với rất nhiều công việc sự vụ. Chị tâm sự: “Tôi thường đi sớm về muộn. Nhưng chồng tôi rất thông cảm, luôn nấu cơm hộ vợ”.  Gương mặt chị rạng rỡ ngời lên niềm hạnh phúc vì có chồng đã tạo mọi điều kiện để chị hoàn thành nghĩa vụ trong gia đình và ở cơ quan.

 

Với gia đình ông Tuất ở thị xã Bắc Giang thì hình ảnh ông nội đã quá cố vừa phì phèo điếu thuốc lá, vừa xào nấu những món rất “độc chiêu” luôn là đề tài được bàn tán sôi nổi khi cả nhà có dịp quây quần. Ông vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống với vợ chồng ông chú làm nghề lái buôn rất sành ăn uống nhưng cũng rất khắc nghiệt.

 

Được đi theo lo nấu ăn cho chú nay đây mai đó khắp nơi, đến mỗi miền, ông lại học thêm được món ăn mới, từ bát miến lươn ngọt sánh có lát ớt cay đứt lưỡi của Nam Định, món chân giò ninh đỗ đen béo ngậy ở Lạng Sơn, những cây giò quấn chặt tay, giòn sần sật trong dịp Tết, những món gỏi với nhiều rau ghém miền Nam đến những đĩa rắn xào, cầy nướng cho dân nhậu.

 

Cô cháu gái của ông thán phục kể : “ Có cái lạ là khi nấu, cụ không bao giờ nếm mà thức ăn luôn vừa miệng mọi người. Hỏi thì cụ bảo, ngửi mùi thức ăn bốc  lên cũng biết được mặn hay nhạt...”            

 

Cả nhà chỉ riêng có ông Tuất, con trai trưởng của cụ thì học làm được món giò quấn khá ngon, nhưng chưa thỏa vì không hiểu sao vẫn thấy không thể “ đạt” bằng cụ ...

 

Nếu những người phụ nữ hàng ngày tỷ mỷ, cần mẫn nấu nướng như một thiên chức thì đàn ông làm bếp lại ít nhiều có những niềm say mê và những lý do riêng, đó là tấm lòng của người chồng, người cha, đó cũng là chất men gắn kết vợ chồng và đem đến không khí thuận hoà, đầm ấm cho mỗi gia đình.

 

 

Kiều Nga