Khi bố mẹ dùng biện pháp "hù dọa" để dạy con

(Dân trí) - Trẻ em có những nỗi sợ hãi mà người lớn chúng ta thường lấy đó để trêu chọc,thậm chí làm biện pháp buộc trẻ làm theo ý đồ của mình. Họ tưởng hay, song thực ra lợi bất cập hại.

Từ nỗi sợ hãi "ông bán bánh bao" hay "ông thịt lợn mổ bụng"

Một hôm, chị Hiên dẫn cu Bo đi chơi tình cờ có ông bán bánh bao đi qua với lò lửa đang rừng rực cháy cu cậu sợ quá tái xanh cả mặt khóc lớn rồi ôm chầm lấy chị. Từ đó mỗi lần cu cậu biếng ăn hay không ngoan là chị lại "dọa" ông bán bánh bao nướng thịt, cu Bo tỏ ra sợ mẹ và ngoan ngoãn nghe lời. Thế nhưng kể từ đó, con trai chị luôn hoảng sợ và khóc thét lên mỗi khi nghe tiếng rao của ông bán bánh bao đi qua nhà hay nghe ai nhắc đến hai từ "bánh bao".

Khác với chị Hiên, chị Huế lại có cách "dọa" khác. Đó là những lần cu Bi nhà chị lười ăn hay nghịch là chị liền dọa "cho ông hàng thịt lợn mổ bụng lấy lòng ra". Sở dĩ chị dọa cháu như vậy là vì có lần cháu thấy các bác hàng xóm làm thịt một con lợn, cu Bi sợ quá vừa khóc vừa bỏ chạy về nhà.

Không giống với cách dọa con của chị Hiên và chị Huế, chị Mai lại có cách dọa con là cho đi "tù".

Trường hợp dọa con của ba chị ở trên chỉ là số ít trong rất nhiều các bậc làm cha, làm mẹ không hiểu được tâm lý của trẻ nên đã lấy nỗi sợ hãi của trẻ để làm biện pháp dạy trẻ.

Khi bố mẹ dùng biện pháp hù dọa để dạy con - 1

Trẻ sợ hãi (ảnh minh họa) – Nguồn Internet

Biện pháp dọa, hoặc nói đùa là những câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng lại gây ra những chấn động tâm lý, khiến cho trẻ vô cùng sợ hãi. Không ít trường hợp trẻ em mang nỗi sợ hãi đó suốt đời, chẳng hạn như nhà đạo diễn kinh dị nổi tiếng Alfred Hichcock có tật sợ cảnh sát, vì hồi lên 5 tuổi có lần ông đã bị nhốt vào tù 5 phút vì một tội vặt vãnh. Từ đó trở đi ông rất sợ cảnh sát thậm chí cả lúc ông đi nhận bằng lái xe.

Hoặc ông Charies Lindbergh từng nổi danh với chuyến bay vượt biển Atlantic lần đầu tiên trên thế giới lại có nỗi sợ không ai ngờ đến là sợ độ cao. Chính vì vậy ông muốn bay để chiến thắng nỗi sợ hãi này.

Những lời nói đùa "chết người"

Hằng ngày, cứ chiều chiều là gia đình anh Thanh lại đầy ắp tiếng nói cười của mọi người trong khu nội trú, họ tập trung về đây để uống nước chè xanh. Những lúc ấy, anh Thanh và mọi người lại trêu đùa cháu Nga là "con của bà bán bánh mỳ ngoài chợ, khổ quá nên bố Thanh đón về nuôi".

Nhiều lần đùa như vậy nên bé Nga tưởng thật, từ đó bé rơi vào tình trạng thiếu tự tin, nhút nhát, xa cách với bố mẹ vì nghĩ rằng mình chỉ là “con nuôi bố mẹ đón về chứ chẳng có chút máu mủ gì”. Mỗi lần bé làm gì sai, bị bố hay mẹ mắng, bé đều khóc và bảo rằng: "Tại con không phải là con đẻ của bố mẹ nên mới bị đối xử như thế".

Hãy giúp con vượt qua nỗi sợ hãi

Để giúp cho trẻ ít sợ hãi hơn, chúng ta cần phải hiểu biết tâm sinh lí của trẻ trên cơ sở đó có những biện pháp giúp trẻ khắc phục. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lí học:

- Trẻ 3 tuổi nhiều khi sợ những thứ xa lạ, khác hẳn với những thứ quen thuộc xung quanh, chẳng hạn như người có nhiều nếp nhăn, ăn mặc lếch thếch, bẩn thỉu. Trẻ sợ bóng tối, sợ một số con vật như chuột, dán, nhện, chó,...xa bố mẹ cũng làm cho trẻ sợ.

- Trẻ 3 tuổi rưỡi sợ độ cao, sợ ngã.

- Trẻ 4 tuổi sợ những tiếng nổ to như sấm, sợ các động vật hoang dã, sợ bóng tối, xa mẹ thường làm cho trẻ buồn.

- Trẻ 5 tuổi, nỗi sợ hãi thực tế bắt đầu nổi trội hơn, trẻ sợ bị tổn hại cho cơ thể, sợ ngã, sợ lửa, sợ chó, sợ bóng tối, sợ xa mẹ.

Tóm lại, nỗi sợ hãi của trẻ sẽ qua nếu chúng ta biết cách làm trẻ lãng quên những thứ mà trẻ sợ, bố mẹ cần kiên nhẫn và luôn có mặt bên trẻ khi trẻ sợ hãi. Đặc biệt không nên trừng phạt hoặc dọa nạt trẻ. Nếu bố mẹ không hiểu biết tâm sinh lí của trẻ sẽ dễ gây ra những hậu quả khó lường. Trẻ trở thành những con người nhút nhát, không tự tin vào bản thân mình trong cuộc sống và như vậy từ những việc tưởng chừng thật nhỏ nhặt nhưng để lại tác hại lại vô cùng to lớn.

Các bậc phụ huynh cũng nên có trách nhiệm với những câu nói đùa của mình. Đồng thời, phải biết để ý, phòng tránh giúp con mình những lời đùa ác ý, không có lợi từ những người xung quanh. Khi chơi đùa, hay đe nẹt con cái cũng phải "tinh tế" và biết "chọn lựa" trong cách nói, đừng gây cho bé một ấn tượng hoảng sợ quá sâu đậm.
Những dấu ấn tâm lý ấu thơ không dễ mất đi, nó thường lặn sâu vào ký ức của con người, quyết định đến tính cách và số phận của mỗi cá nhân sau này. Vì thế, những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình hạnh phúc dễ đạt được nhiều thành công hơn so với những đứa trẻ sớm chịu hoàn cảnh bất hạnh.

                                                                                      Duy Nghĩa

Sở GD&ĐT Hà Tĩnh