Khao khát li dị... mẹ chồng

Chị Minh khóc thun thút, nước mắt chạy vòng quanh: “Không thể nào chịu được bà mẹ chồng của tôi nữa rồi. Người đâu mà... quái đản”. Mãi chị mới bật ra hai chữ “quái đản”, chắc bởi uất ức đến mức không chịu được.

 
Khao khát li dị... mẹ chồng - 1


Ước gì không phải lấy... mẹ chồng

 

Lý do của việc chị cảm thấy “căm thù” mẹ chồng là bởi xảy ra sự việc khiến chị choáng váng. Bà rảnh việc sang nhà hàng xóm buôn dưa lê rằng là bà đi xem bói, thày bói nói chị giống như một con quỷ vào nhà bà nên làm cho bố mẹ con cái xa cách, ông bà cháu chắt chẳng hợp nhau...

 

Rồi lại nói rằng thầy bói bảo cô con dâu nhà bà tướng đàn ông, sau này sẽ lấy hết của nả nhà bà. Cô bé giúp việc nghe được câu chuyện của bà về nói lại với chị Minh, cô bé còn nói thêm là ông thầy bói đó đến tận nhà xem, cô bé nghe thấy ông ấy nói khác chứ không phải là nói như bà nói với hàng xóm. Ông thầy bói còn nói một điều rất tốt là chị Minh đem lại nhiều lộc cho gia đình vì vợ chồng hợp số, hợp tuổi gì đó.

 

Nghe được, chị Minh chẳng ngại ngần đến hỏi thẳng mẹ chồng, bà chỉ ậm ừ không nói và gầm lên với cô bé ôsin: “Đồ trẻ con bép xép, mày thu xếp quần áo ngay, về về, nhà tao không nuôi cái bọn bép xép như mày”. Chị Minh cũng cứng không kém: “Em không phải đi đâu cả, ở đó mai ra ở với chị”.

 

Ngay trong tuần đó, chị thực hiện bước li dị mẹ chồng đầu tiên là ly thân, chuyển ra ở riêng chứ không sống chung nữa. Đây cũng không phải lần đầu tiên chị bị mẹ chồng sang hàng xóm nói xấu, bà cứ vui miệng là qua hàng xóm chơi và buôn mà không có chuyện gì buôn dưa lê ngoài việc nói xấu con dâu.

 

Nào là nói xấu con dâu lười biếng, việc trong nhà cứ để ùn lên cả đống, rồi việc gì cũng đến tay cả. Nào là con dâu nấu ăn không thể tưởng tượng được, đàn bà gì mà dở quá mức. Khi chị Minh sinh con thì tất tần tật các câu chuyện về nuôi con của chị đều sang tai hàng xóm và bị thêm thắt đủ thứ chuyện. Một vài lần chị bế con sang nhà hàng xóm chơi, nghe hàng xóm hỏi han mấy câu mà chị muốn điên lên vì những chuyện mà chưa từng xảy ra.

 

Ai đời, chị là người chăm con sớm hôm, đêm thức chong chong ra để chăm con thì bà mẹ chồng lại luôn nói với hàng xóm là cô con dâu đêm cứ ngủ như trâu chết mặc cho bà một mình lăn lóc với thằng bé. Rồi thì sáng ngủ dậy con dâu cứ nằm phềnh phềnh trên giường mặc cho mẹ chồng đã 60 tuổi rồi cơm bưng nước rót...

 

Nói chuyện với chị, hàng xóm còn áy náy cho bà mẹ chồng và khuyên chị rất chân tình là nên quan tâm tới bà một chút, có mẹ chồng tốt, chăm lo việc cho như thế không dễ đâu. Có ai biết là mọi thứ trong nhà chị thì hoàn toàn ngược lại, bà mẹ chồng chẳng mấy khi động đến cháu, đái ị của cháu bà còn kêu ca là bẩn, không thích đụng chạm. Bà chưa từng thức với cháu một đêm nào, trừ một đêm bà ở bệnh viện vì thằng cu con sốt. Ở được một đêm thì bà kêu ca cả tháng trời không thôi.

 

Những chuyện vụn vặt như thế làm chị Minh thấy mệt mỏi, chán chường. Chị quyết tâm ra ở riêng để tránh mặt mẹ chồng với hy vọng có khi xa nhau sẽ yêu quý nhau hơn.

 

Nhưng xa nhau cũng không xong. Vợ chồng chị làm nhà, chồng chị ít có điều kiện về qua nhà thăm, bà ngày nào cũng điện thoại gầm rú với chồng chị: “Mày lại bị cái con quỷ ấy nó không cho về hả? Vợ mày quan trọng hay mẹ mày quan trọng?”.

 

Chồng chị mệt mỏi: “Mẹ ơi, con đi làm cả ngày, đêm đến lại phải đi kiểm tra công trình làm sao mà về qua nhà được? Mẹ thông cảm đi, xong nhà cửa thì thoải mái thời gian”, bà cáu kỉnh: “Cái nhà đẻ ra mày hay mẹ mày đẻ ra mày? Tao nghe nói hôm trước mày còn sang tận Kim Giang thăm dì mày được thì sao mày không về qua thăm mẹ mày một chút?”. Nói xong bà cúp mày và dỗi luôn. Chồng chị sợ quá hôm qua đá qua nhà thăm mẹ, bà không nói không rằng, mặt chảy như cái bơm.

 

Bà có cái “bệnh” cũng lạ, yêu con hết mực nhưng không yêu cháu. Bà thường cho rằng con dâu và cháu đã lấy mất con trai bà. Con trai bà 2-3 ngày bà không gặp thì bà kêu trời kêu đất nhưng cháu trai thì vài tháng không gặp bà cũng chẳng có vấn đề gì. Bà luôn hỏi han xem con có ăn được không, ngủ được không nhưng tịnh chẳng thèm hỏi cháu bà xem ăn uống ra sao, sức khỏe thế nào.

 

Cháu ốm bà đổ cho con dâu không biết chăm con chứ chẳng có tội tình gì. Chồng chị nhiều khi cũng nản, anh nói với chị rằng tính mẹ anh như vậy từ khi anh còn nhỏ, bà luôn ép buộc anh phải sống theo cách của bà và luôn luôn ở cạnh bà. Bà giữ anh như giữ vàng, không cho anh chơi bời, quan hệ với ai, chỉ được quanh quẩn cái xó nhà với bà. Khi anh lớn lên, đòi lấy vợ mẹ anh đã khóc sưng mắt, làm bù lu bù loa lên, bố anh phải can ngăn mãi.

 

Đến giờ, anh rất hiểu cảm giác của vợ khi phải chiến đấu với những mệt mỏi do mẹ chồng gây ra. Anh đã chấp nhận đi ở riêng để được thoải mái cả hai bên. Nhưng chỉ có thế thôi, mẹ anh cũng ốm gần một tháng vì không được nhìn thấy con trai hàng ngày và lo lắng rằng ra ở riêng con dâu sẽ không chăm sóc con trai bà, con trai bà sẽ cực khổ.

 

Chị Minh cứ ước sao, đi lấy chồng nhưng không phải “lấy” mẹ chồng có phải tốt hơn không!

 

Ghét dâu, ghét cả con lẫn cháu

 

“Cuộc tình duyên” giữa mẹ chồng nàng dâu nhà chị Phương được đúng dăm bữa nửa tháng lúc ban đầu. Ban đầu mẹ chồng tự hào vì con dâu xinh xắn lại ngoan ngoãn, khéo ăn khéo nói, hàng xóm ai cũng ưng thuận. Thế nhưng, chẳng mấy chốc bà ngán ngay vì thấy con trai bà có vẻ quấn quýt với vợ quá mức. Hai vợ chồng ở riêng nhưng bà cho cái mặt tiền nhà bà để cô con dâu bán hàng quần áo. Khéo miệng lại có duyên nên hàng của chị Phương đông khách lắm, hàng đông thì lẽ ra mẹ phải mừng cho con cái làm ăn phát đạt, đằng này bà bỗng tỏ vẻ khó chịu.

 

Cái khó chịu nó ra đằng mặt rồi ra đằng miệng. Lúc con dâu bán hàng bà cứ ngồi nói đổng, khách vào mà bà cứ bảo: “Áo đó có mặc chả ra gì, vải gì mà nóng chết ra” hay “tôi chả bao giờ mua quần áo, mua không thể nào đẹp bằng may, may vừa người lại đúng ý mình”... Lâu dần chị Phương phát hiện ra tính bà khó chịu với chị vì bà chỉ muốn người khác phải dựa dẫm, cầu cạnh vào bà để bà có cái sự quan trọng.

 

Bà cho chị Phương cửa hàng là cũng muốn “ban ơn” để chị suốt đời không quên nhưng ai ngờ cửa hàng đông khách, chị Phương có sự độc lập về kinh tế lại còn cho con đi học được ở trường chuẩn này, chuẩn kia nên bà... khó chịu. Ngày xưa, bà quấn cháu bao nhiêu thì từ ngày cháu đi học trường chuẩn bà gặp cháu cũng chỉ nhếch mép cười. Ngay cả với con trai bà cũng khó ưa ra mặt vì nó đã đủ lông đủ cánh, không phải vịn vào mẹ điều gì. Chị Phương đang ngấm ngầm tìm địa điểm mới để kinh doanh nhằm xa rời mẹ chồng.

 

Chị Thu mới sinh con được chưa tròn tháng mà đêm nào cũng nằm khóc. Biết là khóc chẳng giải quyết được việc gì nhưng nỗi uất ức không thể nào vơi được. Khi lấy chồng chị cũng biết là mẹ chồng có tiếng ghê gớm và lạnh lùng, nhưng chị nghĩ mẹ chồng có ghê đến đâu thì bằng sự nền nã, hòa nhã và nghe lời cũng sẽ lay chuyển được mọi việc.

 

Về nhà chồng, chị ứng xử mọi việc đúng như điều mà chị nghĩ, luôn biết vâng lời và lúc nào cũng cười, cũng dịu dàng. Bà mẹ chồng lại chẳng để tâm đến điều đó. Hình như bà không có ý thức phải quý con dâu. Con gái thì bà quấn quýt không rời, các con đến bà trò chuyện cả ngày như không được nói nhưng ở nhà với con dâu thì bà tịnh chẳng thèm nói một câu.

 

Chẳng may cho chị, chị lại khó sinh con, đến 3 năm trời không sinh được con, bà mẹ chồng đi đưa chuyện khắp thiên hạ là nhà bà không có phúc, lấy phải đứa con dâu không biết đẻ. Bà càng xa lánh con dâu hơn, hai người ở chung nhà mà cứ như hai cái bóng. Chị Thu đi khám khắp nơi, bác sĩ nói chị không có vấn đề gì, chắc tại chồng chị. Chị về nói với chồng và mẹ chồng, bà cương quyết là con trai bà không có vấn đề gì cả, chỉ có con dâu không đẻ được, làm hại nhà bà.

 

Chồng chị là con một. Chồng chị cuối cùng cũng vì nước mắt lã chã của chị mà đi khám một lần thì hóa ra nguyên nhân khó có con là do chồng, tinh trùng yếu. Ấy thế nhưng mẹ chồng chị vẫn quả quyết không phải do con bà và không cho đi điều trị, hàng ngày bà chỉ cằn nhằn con dâu đủ điều. Chị lấy thuốc về bắt chồng uống. Rồi thì cũng có con, lại là con trai. Mặt mẹ chồng cũng chẳng nở nang được bao nhiêu.

 

Bây giờ khi chị sinh con, bà chẳng buồn chăm bẵm. Bà bảo chị kêu mẹ đẻ sang chăm. Mẹ đẻ sang, bà ngồi lẩm bẩm tính: Một tháng nó đưa 2 triệu tiền ăn, một ngày ăn hết 70 nghìn cả mẹ đẻ, như thế là bà bị thiệt, bà không có tiền phục vụ cả mẹ con, bà cháu nhà con dâu. Rồi bà yêu cầu thẳng thừng là con dâu phải nộp 3 triệu tiền ăn + phục vụ cả tháng. Mẹ chị buồn, khóc tấm tức mãi không thôi. Chị thì thấy đau khổ vì mình sinh con quý tử cho gia đình mà mẹ chồng vẫn coi như người ngoài.

 

Thậm chí bà rất khó chịu vì em bé có nhiều nét giống chị Thu, không ít lần bà làu bàu: “Mày giống mẹ mày thế thì được cái nước non gì!”. Chị Thu chỉ muốn thoát ra khỏi cái gia đình ấy mà chồng chị lại không phải người dám quyết, dám làm nên chẳng dám làm gì cũng chẳng một lời dám bênh vực chị. Chỉ có chị đau khổ triền miên và già nhanh trông thấy.

 

Theo Đời sống gia đình