Hôn nhân đổ vỡ

Dẫu chưa một lần bị đánh đập nhưng sự vô tâm, vô trách nhiệm, lạnh nhạt, thiếu sẻ chia của người chồng là căn nguyên khiến người vợ đơn phương xin ly hôn như là cách để giải thoát.

Phòng xử dân sự số 4 ở TAND quận 6 - TPHCM xét xử vụ ly hôn mà nguyên đơn là người vợ. Trình bày với tòa, chị cho biết: “Từ lâu, chúng tôi đã không còn tình cảm, thương yêu. Anh là chồng nhưng thiếu trách nhiệm, coi thường, xúc phạm vợ. Mong tòa xử cho tôi được ly hôn để thoát khỏi người đàn ông này!”. Chồng chị đứng sát bên nói: “Anh chỉ muốn thức tỉnh em chứ coi thường gì, em bậy quá”. Chị quay sang anh, đôi môi run run không thốt được nên lời.
 
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Minh họa: NGUYỄN TÀI

Không còn nghĩa vợ chồng, sống chung làm gì nữa!

Họ là đồng nghiệp, thương yêu rồi cưới nhau. Một năm sau ngày cưới, chị mang thai nhưng do chẳng may té ngã, cái thai không giữ được, anh chì chiết vợ và tìm quên trong men rượu. Chê đồng lương bèo bọt, anh nghỉ việc chuyển sang nghề môi giới bất động sản. Chưa dứt nỗi đau mất con, một mình chị phải xoay trở lo kinh tế gia đình bởi “cả năm anh không bán được cái nhà nào, không làm ra tiền”. Rồi anh nhờ chị vay mượn 100 triệu đồng để làm ăn. Thương và tin tưởng chồng, chị mượn của bạn bè, người thân đưa anh nhưng gặng hỏi mãi anh chỉ nói làm ăn thất bại, chị lại cật lực làm việc để trả nợ. Mâu thuẫn vợ chồng ngày một gay gắt, chị thường đến sống tại một ngôi chùa vào mỗi cuối tuần cho lòng thanh thản. Nào ngờ, anh không hiểu, lớn tiếng đay nghiến, cười cợt vợ. Đỉnh điểm dẫn đến việc chị quyết định ly hôn chính là lần anh tìm xuống tận chùa xỉ vả, cho rằng chị bị “bỏ bùa”, mang mộng tưởng… thành tiên thành Phật. Sự chịu đựng trong chị bấy lâu bong tróc.

Chủ tọa hỏi: “Chị có bị chồng đối xử bạo lực, đánh đập không?”. Chị lắc đầu, đưa tay gạt nước mắt, nói: “Đánh đập đâu phải là lý do dẫn đến ly hôn. Vợ chồng mà không còn coi trọng, vô tâm thì sống chung nữa để làm gì?”. Chủ tọa quay sang anh phân tích: “Là chồng, lẽ ra anh phải có trách nhiệm lo toan, gầy dựng kinh tế gia đình, ít nhất cũng bảo đảm cho vợ một chỗ dựa tinh thần, chứ sao lại quá coi thường vợ như vậy?”. Anh biện minh: “Tôi yêu vợ lắm, chỉ muốn kéo cổ về thực tế, vì cổ đang sống với mộng tưởng...”. Chị nghe, hai hàng nước mắt lăn dài.

Nhận định vợ chồng chị không có tài sản, con chung, mối quan hệ bất thuận, phần lỗi thuộc về anh khi không biết cách ứng xử đúng đắn, thiếu sẻ chia, không biết sửa sai, hàn gắn..., tòa tuyên chấp nhận đơn ly hôn của chị vì mục đích hạnh phúc của hôn nhân không đạt được…

Bỏ bê vợ con

Bảy năm trước, chị H.T.T và anh N.N.K (quận Thủ Đức) nên duyên vợ chồng. Ngày cháu N.T.S chào đời, những tưởng hạnh phúc nhân đôi lại trở thành căn nguyên rạn nứt. Cháu S. mắc bệnh bại não, nằm liệt một chỗ khiến anh chán nản, lao vào ăn nhậu, bỏ mặc vợ ngày đêm túc trực chăm sóc con. Chị tấm tức kể: “Nhiều khi bệnh con trở nặng, tôi điện thoại nhờ anh về đưa đi bệnh viện thì anh lạnh lùng đáp: “Hôm nay là ngày… nhậu chứ chẳng bệnh đau gì hết!”. Không biết bao nhiêu lần, chị một mình ôm con đi bệnh viện mà nước mắt tuôn rơi. Chị nói chưa bao giờ bị anh đánh đập nhưng chính sự lạnh nhạt, vô tình đến nghiệt ngã của anh khiến chị uất ức, chán nản, bế tắc. Chị viết đơn ly hôn.

TAND quận Thủ Đức tuyên không cho ly hôn. Chị sống dở chết dở khi từ sau phiên xử đó, đi đâu chị cũng bắt gặp ánh mắt soi mói, lời lẽ cợt nhả của bạn nhậu anh. Anh đi “rao” với họ về bệnh tật con cái kiểu như “dòng họ nhà tôi không có ai bệnh thế”; cả chuyện vợ chồng ăn ở, sinh hoạt cũng trở thành câu chuyện làm quà cho bạn. “Tôi xin tòa xử cho ly hôn chứ vợ chồng mà không còn tôn trọng, thương yêu nhau nữa thì níu giữ, gắn bó để làm gì” - chị T. nêu lý do kháng cáo tại phiên phúc thẩm ở TAND TPHCM.

Chủ tọa hỏi anh: “Có phải nuôi một đứa con tật nguyền khiến anh mệt quá mà buông tay?”. Anh lắc đầu nguầy nguậy, cao giọng nói còn thương vợ con rất nhiều, “với lại, không có tôi lo liệu, chu cấp, cô ấy lấy gì nuôi con?”.

Cho rằng ly hôn chưa hẳn là một lối thoát cho chị và sẽ khó khăn hơn cho cháu bé bởi chị không có việc làm, còn anh thu nhập cao, vì vậy tòa giữ nguyên án sơ thẩm. Chị ngồi nán lại sau phiên xử, rưng rưng cho biết một năm sau sẽ lại gửi đơn đến tòa, bởi không thể sống cùng người chồng quá bạc bẽo, vô tình…
 
Theo Yên Nhạn
Người Lao Động