Giải nhiệt

Nâng cốc bia, Tú “tâm trạng”: “Nói thật với các ông, mấy hôm nay tôi không muốn về nhà sớm. Trời nóng thế này, vợ chồng gặp nhau là gây”.

Giải nhiệt



Toàn đồng cảm: “Ông Tú nói đúng. Tôi để ý thấy, bình thường trong một tháng, vợ khó chịu khoảng ba ngày “đèn đỏ”, dạo này trời quá nóng, tôi có cảm giác như cô ấy “đèn đỏ” mỗi ngày. Có hôm hai vợ chồng ở nhà, tôi cũng phải chủ động lánh mặt. Vợ ở trên lầu thì tôi xuống trệt, vợ xuống trệt tôi lại lẻn lên lầu”.

Khanh ôn tồn: “Nhân trời nóng tôi mới nghiệm ra, hôn nhân cũng có nhiệt độ riêng của nó, mà nhiệt hôn nhân cũng tăng theo nhiệt của thời tiết. Trời nóng bức, quan hệ vợ chồng cứ căng thẳng miết. Riêng chuyện gối chăn cũng giảm sút hẳn vì chẳng ai muốn ôm nhau khi thân thể cứ hầm hập, nhớp nháp mồ hôi…”.

Chủ đề “nhiệt hôn nhân” được đưa ra làm “mồi nhắm” cho cả hội. Tú kể, có những lúc nhìn vợ là không muốn gì hết ngoài muốn… gây! Dường như vợ anh cũng vậy, câu trước câu sau là nặng lời, vậy là nhặng hết cả lên. Anh tường thuật lại một buổi gây cãi với lý do chẳng đâu vào đâu mới xảy ra: Trưa thứ Bảy, anh chở vợ đi chợ. Trời nắng, mồ hôi chồng nhễ nhại, nhưng vợ vẫn say sưa cầm lên đặt xuống mớ cá, mớ rau. Anh gồng sức chịu đựng. Cuối cùng, vợ cũng mua xong, anh cố nói nhẹ nhàng: “Lần sau đi chợ, em cần gì mua nấy, đừng xem hết món này qua món nọ như thế, trời thì nóng”. Chỉ có vậy mà vợ hét toáng lên: “Anh nóng em không biết nóng à? Anh ngồi đây chờ thì cực hơn hay em phải lội khắp chợ mua đồ cực hơn?”. Chồng hằm hằm lái xe, vợ ngồi sau tiếp tục “tua” lại những ý vừa nói.

Về nhà, Tú chủ động giúp vợ lặt rau, bị vợ đá một phát vào đầu gối: “Xích qua một bên đi, có cái lối đi mà ngồi choán hết, vô ý vô tứ”. Anh nuốt giận, ngồi xích qua. Một lúc sau, vợ cầm rổ rau, lại hét toáng lên: “Anh có biết bao nhiêu tiền một mớ rau này không? Anh lặt bỏ phí hết, không lẽ em moi trong thùng rác ra lặt lại?”. Anh lại dằn lòng, lấy nồi vo gạo bắc cơm. Đầu óc mải suy nghĩ, anh quên bật công tắc nồi cơm. Vợ phát hiện, lại ầm ĩ: “Anh bao nhiêu tuổi rồi mà bắc có nồi cơm cũng không xong? Chẳng biết anh làm được cái gì nữa!”.

Tú gằn giọng: “Tôi không làm được gì à? Tôi nuôi cả cái nhà này đấy!”. Xoảng, anh ném mạnh cái nồi vào góc bếp, hất tung rổ rau, dắt xe đi trong cơn thịnh nộ đỉnh điểm của vợ.

Tú bảo: “Nghĩ lại, thấy vợ chồng mình thật dở hơi, chẳng có chuyện gì nghiêm trọng cả cũng cãi nhau, giận nhau. Nhưng tôi ức quá, không chịu được. Mình đã có thiện chí, vợ không biết điều thì chớ, đụng cái gì cũng la, cũng mắng như thể chồng là một thằng vô tích sự ấy”. Nghe chuyện, Khanh bảo: “Tôi có kinh nghiệm rồi. Vợ đang mệt mà gian bếp lại nóng hầm hập, kể gì chồng, mẹ chồng mà lảng vảng ở đó, vợ cũng dễ gây lắm. Tốt nhất là kiếm cớ giữ khoảng cách. Trong hôn nhân, khi “nhiệt” tăng quá cao, việc tách ra khỏi nhau vẫn hay hơn xáp lại gần”.

Trong cách nhìn của đàn ông nói chung, quan điểm của Tú là hợp lý. Toàn phân tích thêm: “Một người được xem là hiểu vợ thì phải biết được “nhiệt độ tâm trạng” của vợ. Nếu “nhiệt độ” ấy đang lên cao, tốt nhất là tránh xa, kiểu như “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Thực tế, nhiều vụ vợ chồng “choảng” nhau là do vợ nóng sẵn, đang có nhu cầu muốn gây, nhưng chồng lại lấy cái lý và vị thế “trụ cột gia đình” ra để đôi co, cuối cùng là hỏng bét”.

Toàn nói thêm: “Mấy ông đừng sợ mình chịu thiệt. Hỏi mấy ông chứ trời nóng thế này, đàn ông ngồi bờ kè Nhiêu Lộc giải nhiệt bằng bia lạnh, còn vợ vẫn một mình vừa chăm con, vừa xoay xở với bếp núc trong “cái hộp bê tông” nóng bức. Vợ có muốn cáu thì để vợ cáu một chút cũng được, hơn thiệt làm gì. Kinh nghiệm cá nhân cho thấy, khi nhác thấy vợ khó chịu trong người rồi, người chồng nên thận trọng trong hành động và lời nói. Tốt nhất là muốn làm gì, cũng nên bàn trước với vợ một tiếng, kể cả chuyện nhỏ nhặt như lặt rau, cũng nên hỏi “anh ngắt đến đây được chưa? Hay ngắt dài hơn?”. Vợ được hỏi ý kiến, thấy mình được thể hiện rõ vị thế của bếp trưởng, lòng cũng vui hơn. Nội dung câu chuyện hoặc những lời đối đáp trong lúc vợ đang “nóng trong người”, người chồng cũng nên thận trọng suy nghĩ, tránh những cách nói dễ gây gổ”.

Khanh lên tiếng phản bác: “Nói như ông Toàn thì cũng đúng, nhưng khổ sở quá. Thế thì chi bằng ta cứ ngồi quán bia, đợi trời hạ nhiệt, vợ qua cơn nóng, rồi mình mò về nhà, chẳng phải lành hơn sao?”. Cả hội xúm lại “ném đá” Khanh, bảo làm như Khanh thì tránh được họa này nhưng rước cái họa khác to hơn. Thôi thì cánh đàn ông chịu khó nhịn một chút cho qua mùa nóng. Mùa mưa đến, sẽ khác…

Theo Trần Triều
PNO