Gia vị ghen
(Dân trí) - Ghen tuông giống như liều thuốc độc ngấm dần vào tâm hồn và trở thành vết dầu loang trong mối quan hệ. Hạt giống ghen đã được gieo và phát triển mạnh mẽ thì không kẻ nào trong cuộc có thể bình yên vô sự, từ kẻ ghen cho tới kẻ bị ghen.
Bí mật và dối trá của ghen
Mấy ai tự nhận mình đang ghen. Nhưng theo các chuyên gia tâm lí, ai cũng từng ít nhất một lần ghen.
Một đứa trẻ chịu đựng sự quay lưng của mẹ (như khi chuẩn bị đón thành viên mới trong gia đình), thế giới sụp đổ dưới chân, nó cảm thấy bị bỏ rơi, bị phản bội. Ở một số người, ghen là tình cảm thoáng qua nhưng với số khác, nó bám rễ trong tâm hồn.
Theo các chuyên gia, người ta ghen chỉ vì cảm thấy chính bản thân cũng không chung thuỷ và đây là hiện tượng khá phổ biển:
Trước khi tiến tới hôn nhân, H. là người đàn ông khá đào hoa, trải qua nhiều mối tình. Lúc “chui vào lồng”, lấy được người vợ chung thuỷ, ăn mặc và cử xử đúng mực, H vẫn ghen kinh khủng mỗi khi thấy vợ trò chuyện với người đàn ông khác.
Đó là do anh ta cảm thấy mình là thủ phạm, nghĩ rằng người đàn ông đó cũng giống mình. Sự ghen tuông này được gọi là “ghen tuông dự đoán” mà Freud đã đề cập trong cuốn: “Chứng loạn thần kinh, chứng loạn tâm thần và sự bóp méo”.
Đàn bà ghen nhiều hơn đàn ông?
Điều đó không đúng, nhưng phụ nữ thể hiện ghen tuông rõ rệt hơn. Khác với đàn ông, họ thường tò mò về tình địch, muốn tìm hiểu tất cả về kẻ thứ ba kia như ngoại hình, sở thích. Còn phái mạnh thích che giấu cái mà họ cho là tầm thường, yếu đuối.
L.A thổ lộ: “Tôi đã nghĩ rằng bạn trai không ghen, rất thành thực. Nhưng vào cái tối mà tôi kể cho anh ấy nghe về chuyện tình của tôi trước khi gặp anh ấy. Anh ấy đã nôn cả đêm. Điều đó chứng tỏ một sự khủng hoảng về niềm tin”. Đó chính là mẫu đàn ông ghen điển hình. Trong thời gian dài, họ vô tình và rồi khi đối diện với một thực tế, họ sụp đổ. Còn phụ nữ ghen rất nhanh, ngay cả khi không có gì cả.
Liệu người ta có thể không ghen?
Freud là người đầu tiên nói “Ghen chẳng khác gì một đám tang, đó là thứ tình cảm bình thường. Nếu không thể nhận diện được nó, chính là vì nó được nén ẩn mạnh mẽ, nó tồn tại và đóng một vai trò quan trọng trong tiềm thức”.
Minh H (33 tuổi) thú nhận mình sẽ không ghen nữa bởi “đã quá quen khi còn nhỏ”. Là anh cả trong một gia đình có 5 anh em, anh cảm thấy bị bỏ rơi ngay từ khi đứa em kế tiếp ra đời.
“Ghen ư? Giờ tôi đã nhận dạng được nó và cảm thấy xa lạ. Một người phụ nữ muốn tôi ghen ư, vô ích thôi vì tôi đã miễn dịch mất rồi. Nếu cô ấy không quan tâm đến tôi nữa, thì mọi chuyện chấm dứt không yêu đương gì nữa và chỉ còn lại sự coi thường trong tôi mà thôi”. Trên thực tế, H vẫn ghen nhưng sự ghen tuông ấy đã chuyển thành lòng căm thù lạnh lùng.
Khi ghen trở thành bệnh lý
Theo nhà tâm lý xã hội Catherine Anthony, nếu trong cuộc đời trải qua một hay nhiều xung đột do ghen tuông thì cần phải đến lúc nhìn nhận lại vấn đề. Nhiều người luôn bị ám ảnh hay tưởng tưởng ra rằng mình đang bị phản bội, luôn chỉ nghĩ tới điều đó, dần đánh mất công việc, bạn bè.
Nặng hơn, họ mắc chứng loạn tâm thần cuồng loạn hay cuồng ám, đe doạ đến sức khỏe tâm lí, thậm chí có thể dẫn đến chết hoặc tự tử.
Ghen tuông khác với ghen ghét đố kị ở điểm nào? Ghen sống trong tình yêu, còn ghen tỵ tồn tại trong môi trường công việc. Ghen tuông là “sợ hãi về những gì mình đang có” còn ghen tỵ là “sự đau đớn khi nhìn thấy người khác có cái mà mình thèm muốn”.
Mặt khác, ghen tuông nhắm vào kẻ thứ ba trong khi đố kị chỉ hướng tới một kẻ thứ hai mà thôi. Nhưng hai thứ tình cảm này có mối quan hệ mật thiết.
Người ta ghen với những kiểu địch thủ nào?
Có hai kiểu địch thủ khiến người ta ghen nhiều nhất. Thứ nhất, đàn ông ghen với những tình địch giống mình.
Lê H. có vợ làm ở một công ty liên doanh với những mối quan hệ đa chiều song rất chung thuỷ kể: “Điều đó khiến tôi cảm thấy yên tâm vì những đồng nghiệp nam của vợ tôi khác tôi rất nhiều.
Nhưng rồi một ngày, bạn thân của tôi hồi trung học đến chơi, anh ấy có rất nhiều điểm tương đồng giống tôi, cô ấy nói chuyện một cách khá thân mật và cởi mở, cũng kể từ ngày ấy tôi cảm thấy mình bất ổn”.
Có lẽ Lê H. đã sống lâu với tâm lý quá tự mê, luôn nghĩ rằng không ai hơn mình. Nhưng khi một địch thủ - một bản sao của bản thân anh ta, thậm chí còn hoàn hảo hơn xuất hiện, đe doạ tiếm vị thì ghen tuông bắt đầu bùng phát.
Lại có những người đàn ông ghen với những địch thủ đối lập với con người mình.
Anh T.V, một giáo viên văn kể lại: “Trước đây tôi không hề ghen với người trai trước của vợ bởi để tiến tới hôn nhân, tôi coi đó là quá khứ, cho đến một ngày tôi vô tình đọc được những lá thư tình của người ấy gửi cho vợ tôi.
Bức thư viết nghệch ngoạc, sai nhiều lỗi chính tả khiến tôi bàng hoàng. Tôi luôn tự nhủ tại sao cô ấy lại có thể yêu tôi, một người khác xa so với người đến trước đó”. Và theo các nhà tâm lý đó chính là sự ghen tuông bắt nguồn từ những thương tổn của sự quá tự mê.
Tại sao khó có thể không ghen?
Đối với nhiều người, ghen thể hiện tình yêu, nếu bạn tình thiếu điều đó, đối tác lại đặt câu hỏi về mức độ tình cảm của người ấy dành cho mình. Chính nhờ vào cường độ của nó mà người ta có thể đo được mức độ đam mê.
Ghen tuông là một gia vị của tình yêu, nó đánh thức, kích thích và mang đến sự đam mê lẫn nhau. Nhiều cặp vợ chồng khi ghen lại cảm thấy ham muốn hơn và hơn hết đàn ông muốn thể hiện sự khiêu khích, mong được hạ gục đối thủ bằng cách thể hiện tình yêu với vợ.
Nhưng vì là gia vị nên cho vừa đủ sẽ ngon, cho nhiều sẽ biến bữa tiệc phòng the trở thành không thể chịu đựng nổi. Căn bệnh ghen là không thể chữa nổi mà chỉ có thể phòng ngừa để mỗi chúng ta không thể bị chúng phá huỷ mà thôi.
Ngọc Nhàn