“Gái có công, chồng không phụ”?

(Dân trí) - Một cô gái, đang học dở đại học thì có bầu. Anh người yêu tỉ tê “Mình có bầu rồi thì cưới thôi. Anh sẽ chăm lo cho em, cho con của chúng ta suốt đời. Em thích thì học tiếp, còn nếu không thì ngồi đấy, anh nuôi”. Cô gái bước lên xe hoa, bỏ dở con đường học hành, bước chân vào con đường hôn nhân làm vợ, làm mẹ.

“Gái có công, chồng không phụ”? - 1

Bao nhiêu năm trôi qua, chồng cô đã làm giám đốc một công ty. Cô ở nhà làm mẹ hiền dâu đảm, tất bật với con cái, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước hằng ngày.

Một lần cô con gái cần điền thông tin bố mẹ vào phiếu để nộp cho cô giáo. Anh chồng nói với con cứ ghi công việc của mẹ là nội trợ. Khi con thắc mắc nội trợ là gì, anh giải thích với con: Nội trợ tức là ở nhà và không làm gì cả.

Rồi anh chồng có bồ, bị vợ phát hiện. Thay vì hối lỗi ăn năn, anh ta lại tỏ ra thách thức: “Nếu tôi có bồ thật, thì cô nên xem lại bản thân mình đi. Cô không có tư cách gì phán xét tôi. Từ ngày cô làm vợ tôi, cô làm được gì? Nếu muốn giữ gia đình, phải biết thân biết phận. Tôi có thể tống cổ cô ra khỏi nhà bất cứ lúc nào”.

Cuối cùng, sau gần mười năm hôn nhân, lời hứa “anh sẽ chăm lo cho em, cho con của chúng ta suốt đời” nay đã hóa thành nỗi đau ngập tràn nước mắt. Sau khi xin chồng đừng ly hôn vì hai đứa con không thành, người vợ ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng: Không sự nghiệp, không nhà cửa, không tài sản, gia tài đem theo chỉ là một đứa con. Khoảng thời gian gần mười năm làm dâu, làm vợ, làm mẹ cũng chính là công sức, là tuổi trẻ của cô, trong phút giây bỗng trở thành con số không tròn trĩnh.

Đó không chỉ là một câu chuyện trên phim. Đó là một câu chuyện rất đời. Rất nhiều phụ nữ tin rằng chỉ cần mình từ bỏ sự nghiệp, tận tụy với chồng con, làm tất cả mọi thứ cho gia đình thì sẽ được ghi nhận, được yêu thương. Nhiều người phụ nữ nghĩ rằng cả đời mình có thể sống dựa vào chồng mình mà quên đi lý tưởng riêng của bản thân. Cuối cùng nhận về chỉ toàn niềm cay đắng.

Phụ nữ nếu chỉ biết có công việc, gia đình sẽ không bao giờ êm ấm, nhưng phụ nữ chỉ biết có gia đình thì lại không được tôn trọng. Chị em phụ nữ ở nhà, suốt ngày lo chợ búa, cơm nước, chăm con, nhiều lúc không còn cả thời gian để thở. Thế nhưng vì không đi làm, nên bị mọi người mặc nhiên suy nghĩ là không làm gì. Những ông chồng, đáng lẽ là người phải hiểu rõ nhất sự vất vả của vợ mình, thì đau lòng thay, lại chính là người coi thường vợ mình nhiều nhất.

Thật ra, một khi vợ chồng đã không còn yêu thương nhau thì ly hôn chính là cách giải thoát. Ly hôn xét về một mặt nào đó không hề đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Nó đôi khi chính là lối đi sáng sủa nhất để thoát khỏi những bế tắc, đau khổ, giày vò. Ly hôn chỉ đáng sợ khi một người cảm thấy mình mất đi chỗ dựa về mọi mặt, không lo nổi cho bản thân.

Ông bà ta có câu “Gái có công, chồng chẳng phụ”. Nhưng thực tế là: Gái có công, chồng vẫn phụ. Vậy nên phụ nữ, thay vì dựa vào người khác, chi bằng hãy dựa vào chính mình.

Không cần địa vị cao sang, nhưng cần có một công việc để làm. Không cần phải kiếm nhiều tiền, chỉ cần sáng sáng tươm tất dắt xe rời khỏi nhà, cuối tháng, cuối năm bàn chuyện lương thưởng. Chỉ cần không phải lúc nào cũng ngửa tay xin tiền, muốn giận hờn, muốn nói chuyện lẽ phải công bằng đều được.

Phụ nữ một khi đã tự chủ về kinh tế thì cảm xúc sẽ không phụ thuộc nhiều. Và chỉ như vậy, khi không được tôn trọng, khi không được yêu thương thì sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào. Không cần phải quỵ lụy van xin ai đó hãy vì con mà cố giữ một cái vỏ bọc hôn nhân để che đậy một tình yêu rỗng tuếch.

Ngân Hà