Đừng làm người thứ ba

(Dân trí) - Họ là những cô gái vừa mới rời ghế nhà trường, kiến thức về xã hội và giao tiếp đều nông, dễ ngã vào vòng tay những người đàn ông lẻo mép, lọc lõi, nguy hiểm mà đa phần đã có vợ con đuề huề nhưng vẫn muốn có thêm vài ba mối tình nữa.

Đừng làm người thứ ba - 1
 
Các công ty may thu hút phần đông lao động phổ thông là nữ, mang đến sự chênh lệch lớn về giới, vì thế chị em không có nhiều sự lựa chọn. Họ đến đây để thoát khỏi cảnh làm ruộng lam lũ. Thoát ly để thoát nghèo, song những cạm bẫy trong cuộc sống luôn thường trực.

 

Nếu gặp người từng trải với suy nghĩ “sẽ không để lại nghiệp chướng” có khi còn là may mắn. Nhiều em còn trẻ đã phải gánh chịu hậu quả đau xót cả về thể xác, lẫn tinh thần.

 

Loan yêu Kiên cả xóm trọ biết song mãi khoảng sáu tháng Loan mới phát hiện chàng đã có vợ ở quê, nay tìm đến nàng chỉ là “lấp chỗ trống”. Cô đớn đau và nhục nhã, nhưng rồi Kiên nhanh nhảu trấn an, “sẽ bù đắp thiệt thòi”.

 

Có chút quyền và tiền trong tay chàng cho Loan đi học lớp tin học ngắn hạn, nhờ các mối quen biết xin cho cô lên làm văn phòng ở một công ty bên cạnh. Có hình thức, nghề khá “thơm” Loan dễ dàng “quơ” một anh chồng tử tế trước khi anh biết tất cả sự thật.

 

Có lẽ ít ai “may mắn” như Loan có “đại gia” nâng đỡ. Hầu hết các cô gái “sảy chân” số phận đều bi thảm. Hoặc mạnh dạn dứt bỏ làm lại từ đầu hoặc chấp nhận làm vợ lẽ “già nhân nghĩa non vợ chồng”, không hôn thú, cuối tuần mọi người vui vẻ xum vầy còn mình vẫn đi, về lẻ bóng không dám hé răng kêu than.

 

Cách thứ nhất vẫn là thượng sách nhưng khi đã bước chân vào cuộc phiêu lưu ái tình, dẫu ngang trái, mấy ai dũng cảm mà đoạn tuyệt được, đành sống trong cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” thiệt thòi phần lớn các cô gái sẽ phải gánh.

 

Liên cũng công nhân may, già hơn so với cái tuổi hai mươi tám của mình. Không có gì nổi bật, nhưng rồi ai cũng bất ngờ, vui mừng, thậm chí thầm ghen tị khi cô có một anh chồng trẻ trung, lịch lãm và ăn nói có duyên, hơn cô hai tuổi.

 

Sau một thời gian ngắn ngập tràn trong hạnh phúc trước con mắt ngưỡng mộ của mọi người xóm trọ, chuyện mới “bại lộ” rằng anh ta đã có vợ và sắp có con ở Hà Nội. Anh ta thuê nhà cho cô và thi thoảng ghé thăm như cái nhà trọ tranh thủ lúc vợ đang bầu nên “bí”.

 

Liên chấp nhận như vậy để không bị mang tiếng “ế” còn anh chàng kia thì lợi dụng nghề lái xe đi đây đó, dễ dàng bao biện để lừa gạt vợ...

 

Em gái hàng xóm mếu máo kể lể: “Nghĩ anh ấy thực bụng, nên em nhận lời yêu, anh hẹn sẽ đưa về gặp gia đình và tổ chức đám cưới vào cuối năm. Thế mà lúc biết tin em đã có thai anh đánh bài ngửa luôn là đã có hai con, em muốn tiếp tục mối quan hệ thì phải phá, anh sẽ không bao giờ “bất cẩn” vậy nữa. Chị bảo em làm sao?”. Tôi xót xa nhìn em, gương mặt non nớt ngây thơ, ánh mắt vẫn ngơ ngác.

 

Tôi chỉ biết khuyên em bỏ anh chàng kia, can đảm vĩnh biệt cuộc tình trái luân thường đạo lý và cả pháp luật kia thì em vẫn rưng rưng thanh minh: “Nhưng anh vẫn còn yêu em lắm. Em thì đã nặng tình quá rồi. Liệu anh ấy có được lấy vợ hai không chị?”.

 

Tôi nghe mà choáng váng, cố kiên nhẫn giải thích để em hay, có thể em và anh ta chấp nhận, nhưng pháp luật thậm chí vợ anh ta sẽ không để em yên. Với lại con em sẽ khó lòng được hưởng các quyền lợi hợp pháp sau này.

 

Không hiểu những lời của tôi có lọt được chút ít nào vào tai em không nhưng tôi cảm thấy không mấy tin tưởng vào nghị lực của những em gái trẻ măng với hiểu biết kiến thức còn non yếu. Vừa đủ tuổi trưởng thành đã phải tự chịu trách nhiệm trước bản thân và cuộc đời, bất thần bị quăng thân vào xã hội nên đầy lúng túng.

 

Giá như từ trong nhà trường hay các công ty có cơ quan đoàn thể, thanh niên tổ chức lớp bồi dưỡng những kiến thức tối thiểu để các em quan tâm và tự chăm sóc cho chính mình thì tốt biết mấy, những tổn thương của các em chắc sẽ không đớn đau, day dứt đến thế.

 

Thiều San Ly